Vai trò người thầy trong đổi mới giáo dục toàn diện

05/11/2014 - 08:23

Hội Cựu giáo chức tỉnh vừa phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “Nhà giáo Bến Tre trước yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông tỉnh nhà”. Đại biểu tham dự hội thảo đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh việc đổi mới phương pháp giảng dạy.

Đổi mới từ đội ngũ nhà giáo
Tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng, có nhiều yếu tố tác động đến giáo dục. Ngoài chương trình sách giáo khoa, thiết bị dạy học…, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục quyết định hơn cả. Trong những năm qua, chất lượng giáo dục cấp tiểu học và THCS luôn là con số đẹp. 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, học sinh (HS) lưu ban mỗi năm gần như không còn. 100% HS hoàn thành chương trình tiểu học. HS thi tốt nghiệp THCS đạt trên 99%. Điều này không thể kết luận, giáo dục ở cấp học này là yếu kém. Tuy nhiên, không ít HS hoàn thành chương trình tiểu học nhưng đọc chưa thông, viết chưa thạo. Nhiều HS thi tuyển vào lớp 10 có bài thi điểm 0. “Phải chăng, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ nhưng do đội ngũ giáo viên (GV) chưa chuẩn nên chất lượng giáo dục còn khập khiễng?” - đại biểu đặt câu hỏi.
Đổi mới phương pháp giảng dạy là nhiệm vụ quan trọng của mỗi
người thầy.    Ảnh:
P. Tuyết
Phải thừa nhận rằng, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục ở mọi thời đại. Người thầy trực tiếp thực hiện chương trình giáo dục. Phần lớn chất lượng giáo dục do đội ngũ GV quyết định. Đổi mới giáo dục phải bao gồm nâng chuẩn kiến thức và việc tổ chức dạy học của người thầy. Người thầy thực hiện phương châm dạy chữ, dạy người. Giáo án giảng dạy thể hiện tài năng sư phạm, lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo. GV giảng dạy gồm: nội dung truyền đạt trên lớp và nội dung dạy làm người. 
Người thầy phải có lòng nhiệt tình và kiến thức. Nếu thiếu một trong hai yếu tố trên thì không thể đào tạo được thế hệ HS có tri thức. Mỗi thầy cô giáo phải nhanh chóng thay đổi nhận thức thông qua bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn để cải thiện chất lượng dạy và học. Mỗi nhà giáo thật sự là tấm gương sáng về đạo đức, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu sâu, biết rộng về kiến thức giảng dạy. GV tập trung đổi mới nội dung, phương pháp và dạy học theo định hướng coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tự học của HS. Được tạo điều kiện phát huy tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tham gia thực nghiệm, HS sẽ cảm thấy hứng thú với từng môn học. Đơn cử đối với môn học Lịch sử không nên đòi hỏi HS phải thuộc lòng quá nhiều. Tất nhiên là cần phải nhớ ngày, tháng, năm và một số sự kiện quan trọng. Nhưng quan trọng hơn hết, qua các bài giảng, học sinh phải biết đánh giá đúng ý nghĩa và giá trị lịch sử của các sự kiện đối với quá trình phát triển của đất nước, dân tộc.

Đến cán bộ quản lý
Mỗi cán bộ quản lý và GV phải rèn luyện phẩm chất nâng cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành, luôn là tấm gương sáng để HS noi theo. Trước yêu cầu đổi mới, đội ngũ cán bộ quản lý phải quản lý tốt đội ngũ GV từ giờ giấc, nề nếp giảng dạy, việc học tập nghị quyết, chỉ thị và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nghiêm túc. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, tăng cường dự giờ GV để tư vấn nghiệp vụ sư phạm. Đặc biệt, phải chú trọng đầu tư các hoạt động chuyên môn. Thực hiện tốt việc chia sẻ truyền thông, cung cấp, trao đổi thông tin giữa các thành viên để mọi người có cơ hội lựa chọn thông tin phục vụ cho công việc giảng dạy của mình. Chủ động xây dựng kế hoạch để chọn hay yêu cầu GV tham gia theo từng nội dung cụ thể. Tạo điều kiện cho GV tham gia cùng việc kiểm tra đánh giá, đôn đốc để việc bồi dưỡng có chất lượng, hiệu quả cao. Lãnh đạo quá trình tự học, tự bồi dưỡng của GV, lấy tự học làm yếu tố xác định mục tiêu học tập cần phải đạt. 

"Có sự quan tâm và hỗ trợ đặc biệt đến GV gặp khó khăn. 
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tỉnh đã lựa chọn giải pháp đột phá để triển khai thành công việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có tập trung đầu tư cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý"       
(Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo)

Người cán bộ quản lý phải chú trọng phát triển năng lực sư phạm cho GV, tạo cơ hội để họ thể hiện. GV được khuyến khích, tạo điều kiện thay đổi phương pháp giảng dạy. Huy động mọi nguồn lực để GV đổi mới phương pháp giảng dạy theo yêu cầu. Xây dựng văn hóa hợp tác trong trường học để cùng nhau đổi mới và đồng thời thực hiện việc giám sát, điều chỉnh. Đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá phân loại HS, làm cơ sở cho việc áp dụng các phương pháp dạy học phù hợp. GV được bồi dưỡng phương pháp, kỹ thuật lấy thông tin phản hồi từ HS để đánh giá quá trình dạy học. Hỗ trợ GV trong việc ứng dụng công nghệ thông tin qua dạy học và bồi dưỡng phát triển, thực hiện các tiết dạy điện tử, khai thác các nguồn tài liệu, học mở để tự học, tự bồi dưỡng. Có phương pháp kiểm tra giáo án để nâng cao năng lực giảng dạy của GV. Phát huy sáng kiến, kinh nghiệm chuyên môn tạo thành phong trào để GV phấn đấu dạy giỏi. Mối quan hệ giữa nhà trường và bên ngoài nhà trường phải được xây dựng chặt chẽ. Điều tiên quyết hơn cả là phải xây dựng tập thể sư phạm thật sự đoàn kết, gương mẫu, trong đó người cán bộ quản lý phải đề cao tính nêu gương.

P.Tuyết (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN