Sự tham gia của xã hội trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) là một yếu tố thiết yếu trong hệ thống PCTN, góp phần làm cho công tác PCTN đạt hiệu quả. Luật PCTN khuyến khích và đảm bảo việc tham gia chủ động, tích cực của xã hội trong PCTN. Luật đề cao vai trò cũng như trách nhiệm của các đoàn thể xã hội, báo chí, doanh nghiệp và công dân trong PCTN, được quy định tại chương VI Luật PCTN, gồm 4 Điều luật.
* Luật PCTN quy định về vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, gồm những nhiệm vụ: Phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục nhân dân và các thành viên tổ chức mình thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; kiến nghị các biện pháp nhằm phát hiện và phòng ngừa tham nhũng; động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. Cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xác minh, xử lý việc tham nhũng. Giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, trả lời trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; đối với những vụ việc phức tạp thì thời hạn trên có thể kéo dài, nhưng không quá 30 ngày.
* Về vai trò và trách nhiệm của báo chí trong PCTN, Luật xác định: Nhà nước khuyến khích cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động PCTN. Cơ quan báo chí có trách nhiệm biểu dương tinh thần và những việc làm tích cực trong công tác PCTN; đồng thời, lên án, đấu tranh đối với những người có hành vi tham nhũng; tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN.
Luật quy định, cơ quan báo chí, phóng viên có quyền: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật; trường hợp không cung cấp thông tin thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cơ quan báo chí, phóng viên phải đưa tin trung thực, khách quan. Tổng biên tập, phóng viên chịu trách nhiệm về việc đưa tin và chấp hành pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
* Về vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, Luật quy định: Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo về hành vi tham nhũng và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc xác minh, kết luận về hành vi tham nhũng. Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích hội viên của mình xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng. Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và hội viên có trách nhiệm kiến nghị với Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhằm PCTN. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, có cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn hành vi tham ô, đưa hối lộ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm phối hợp với Phòng Thương mại và Công thương Việt Nam, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và các tổ chức khác tổ chức diễn đàn để trao đổi, cung cấp thông tin, phục vụ công tác PCTN.
* Về trách nhiệm của công dân, Ban thanh tra nhân dân, Luật quy định: Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng. Công dân tự mình, thông qua Ban thanh tra nhân dân hoặc thông qua tổ chức mà mình là thành viên tham gia PCTN.
Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn, trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN.