Âm vang những bài ca cách mạng hào hùng

05/10/2020 - 06:43

BDK - Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu (4-10-1920 - 4-10-2020), nhiều tác phẩm thơ văn và sự nghiệp cách mạng của ông được ôn lại. Và cũng đã từ lâu, nhiều tác phẩm thơ văn của ông đã đi vào lòng công chúng qua bao thế hệ, không chỉ bởi đó là những bài học được học chính khóa tại các trường phổ thông mà hơn hết, đó là tác phẩm gần gũi nhưng mang tính giáo dục cao, bồi đắp lý tưởng, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và thơ ca Việt Nam.

Nhà thơ Tố Hữu đọc thơ cho Bác Hồ nghe tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh tư liệu)

Nhà thơ Tố Hữu đọc thơ cho Bác Hồ nghe tại Phủ Chủ tịch. (Ảnh tư liệu)

Đôi nét về tác giả

Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành (bí danh là Lành), sinh ngày 4-10-1920 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông tham gia cách mạng qua nhiều vị trí, nhiệm vụ, trong đó có đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng. Ông mất ngày 9-12-2002 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Trong suốt cuộc đời gần 70 năm hoạt động cách mạng và làm thơ, nhà thơ Tố Hữu đã có công lao, thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, nhiều huân chương, huy chương và phần thưởng cao quý khác. Ông được ghi nhận là người chiến sĩ cộng sản kiên trung của cách mạng Việt Nam. Ông từng bị địch bắt, tra tấn dã man và đày đi nhiều nhà lao như Lao Bảo, Buôn Ma Thuộc, Quy Nhơn… Nhưng ngục tù của thực dân, đế quốc đã không khuất phục nổi ý chí cách mạng và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Tố Hữu. Ông cùng nhiều đồng chí khác đã “biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản”, nêu cao khí phách của người cộng sản, kiên quyết đấu tranh chống tội ác của nhà tù thực dân; luôn sẵn sàng che chở, giúp đỡ cho đồng chí mình.

Ông còn được nhận định là nhà hoạt động chính trị năng nổ, người lãnh đạo ưu tú của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa và là một nhà thơ lớn có công khai sáng và dẫn dắt nền văn học cách mạng Việt Nam. Ông không chỉ truyền đạt đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đến với đội ngũ văn nghệ sĩ, với đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, mà còn là người lính xung kích thực hiện thắng lợi đường lối ấy, góp phần xây dựng đời sống tinh thần ngày càng phong phú và lành mạnh.

Những tác phẩm thơ văn đi vào lòng người

Tố Hữu được nhìn nhận là nhà thơ lớn nhất Việt Nam trong thế kỷ XX, ông đã đưa thơ chính trị đến trình độ rất trữ tình. Những tác phẩm của ông là những bài ca cách mạng, phản ánh chân thực các giai đoạn lịch sử, hừng hực tính chiến đấu và giàu tính trữ tình, có sức động viên, lôi cuốn rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Có thể nói, những bài thơ của Tố Hữu vừa giản dị, gần gũi, vừa tinh tế, sâu sắc, có sức truyền cảm lớn. Nhân dân, quần chúng lao động gọi nhà thơ Tố Hữu là nhà thơ của mình, thuộc lòng thơ Tố Hữu, coi đó là phương châm suy nghĩ và hành động. Trong thơ ông, không chỉ là khắc họa những chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng của toàn dân, mà còn thể hiện tình cảm thiết tha, đậm đà của mình dành cho Tổ quốc, non sông, lòng kính yêu với Đảng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Các tác phẩm lớn của ông có thể kể đến như: Tập thơ “Từ ấy” (1937 - 1946) là chặng đường đầu tiên của thơ Tố Hữu, đánh dấu bước trưởng thành của người thanh niên quyết tâm đi theo ngọn cờ của Đảng. Tập thơ Việt Bắc (1946 - 1954) là tiếng ca hùng tráng, thiết tha về cuộc kháng chiến chống Pháp và những con người kháng chiến. Bước vào giai đoạn cách mạng mới, tập thơ “Gió lộng” (1955 - 1961) dạt dào bao nguồn cảm hứng lớn lao, nhớ về quá khứ, công lao của những thế hệ mở đường, từ đó ghi sâu ân tình cách mạng. Hai tập thơ “Ra trận” (1962 - 1971), “Máu và hoa” (1972 - 1977) mang âm vang khí thế quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và niềm vui toàn thắng. Tập “Một tiếng đờn” (1992) và “Ta với ta” (1999) là hai tập thơ mang dòng chảy sôi động của cuộc sống đời thường, những chiêm nghiệm mang tính phổ quát về cuộc đời và con người.

Nhiều tác phẩm thơ của ông đã được chọn lọc đưa vào chương trình sách giáo khoa phổ thông, môn Ngữ văn (lớp 11 và 12). Cụ thể như sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 có bài thơ “Từ ấy” rất nổi tiếng, đã đi vào lòng người qua bao thế hệ. Trong đó có đoạn: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim…/ Tôi buộc lòng tôi với mọi người/ Để tình trang trải với trăm nơi/ Để hồn tôi với bao hồn khổ/ Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”… Bài thơ thuộc phần “Máu lửa” của tập thơ “Từ ấy”, được nhà thơ sáng tác tháng 7-1938, thể hiện niềm vui và nhận thức mới về lẽ sống, sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm… của người thanh niên khi được giác ngộ lý tưởng cộng sản.

Hay như bài thơ “Việt Bắc” trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12. Vào tháng 10-1945, những người kháng chiến từ căn cứ miền núi trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại Thủ đô. Nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử ấy, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Việt Bắc”. Bài thơ có hai phần, phần đầu tái hiện những kỉ niệm cách mạng và kháng chiến; phần sau gợi viễn cảnh tươi sáng của đất nước và ca ngợi công ơn của Đảng, Bác Hồ đối với dân tộc. Trong đó có đoạn: “Mình về mình có nhớ ta/ Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng/ Mình về mình có nhớ không/ Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?/ Tiếng ai tha thiết bên cồn/ Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi/ Áo chàm đưa buổi phân li/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

Tình cảm với Bác Hồ cũng được khắc họa sâu sắc trong thơ Tố Hữu, như bài “Bác ơi” (sách giáo khoa Ngữ văn 12), bài thơ được sáng tác trong những ngày nghe tin Bác mất (ngày 2-9-1969). Bài thơ có đoạn: “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/ Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa/ Chiều nay con chạy về thăm Bác/ Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa…”.

Năm 2020, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Tố Hữu, là dịp để chúng ta ôn lại về cuộc đời hoạt động và những cống hiến, đóng góp của đồng chí Tố Hữu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng nói riêng. Qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Ánh Nguyệt (Lược ghi từ tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN