Cần sự hiệp lực trùng tu, bảo tồn di tích

28/02/2020 - 07:42

BDK - Thiếu kinh phí trùng tu, bảo tồn di tích không phải là chuyện mới. Nhưng hiện nay, tại Bến Tre, nhiều di tích có niên đại hàng trăm năm đã đến thời kỳ mục ruỗng và có nguy cơ đổ sụp.

Ngôi đình Thành Hóa, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc hư hỏng cả bên trong lẫn bên ngoài.

Ngôi đình Thành Hóa, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc hư hỏng cả bên trong lẫn bên ngoài. 

Xót cảnh hoang tàn

Đình Thành Hóa, ấp Thành Hóa 2, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc như một ông lão ngồi đếm thời gian sống đang tàn lụi dần. Ngôi đình cũ kỹ nằm ngay góc đường bê-tông mới toanh. Đình Thành Hóa có niên đại hơn 200 năm tuổi và có đến 5 văn kiện sắc phong. Có một thời, người ta phải đi “cướp Sắc” vì không có nhiều đình được vua ban Sắc và quan niệm, đình mà không có Sắc thì như người “vô hồn”.

Mái đình Thành Hóa đã rớt nhiều mảng ngói, đôi chỗ được lợp tole thay vào. Nhiều mảng ngói cứ rơi rụng dần. Rồi thì mặc tình gió mưa dội xuống bên trong đình. Lâu ngày, nền gạch lót đình cũng mục nát không còn giữ được màu sắc và bị bể sụp.

Nội thất bên trong Đình Thành Hóa còn lại chẳng đáng kể. Chiếc mõ làm bằng một thân gỗ to nằm im ỉm ở một góc, bụi đóng dày trên bàn thờ, mạng nhện giăng đầy. Đôi hạc cao đứng trên thân rùa cũng nứt nẻ. Chú Tư giữ đình Thành Hóa chỉ tay về phía góc đình và nói: “Kèo, cột cứ tự mục ruỗng rồi sứt lìa ra…”. Ngôi đình gần như không còn thứ gì nguyên vẹn, mấy người chúng tôi đi tham quan rón rén, thon thót sợ gió lùa, sợ sơ ý va vấp thì ngôi đình đổ sụp đè lên người.

Chúng tôi được Trưởng ấp Thành Hóa 2 đưa đến nhà ông giáo Trần Văn Tài, 75 tuổi. Ông Tài được cho là người am hiểu nhất về lai lịch đình Thành Hóa. Ông là Hương văn của đình từ rất lâu. Thế nhưng, tai ông giáo Tài đã nghễnh ngãng, phải nói thật to và trí nhớ có phần phai mờ khi chúng tôi hỏi về lai lịch ngôi đình. May thay, ông kiếm được bản lưu viết tay, ghi chép lại khá đầy đủ cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ về các câu liễn, bức hoành trong đình.

Theo đó, quý nhất là Sắc phong chức cho cụ Lê Tam - Chức Cai Đội tỉnh Vĩnh Long vào năm 1842, do vua Thiệu Trị phong. Kế đến là Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng của đình Thành Hóa thời vua Tự Đức năm thứ 5 - năm 1852. Sắc này là Sắc chính thức của đình Thành Hóa. Còn lại là hai Sắc thời vua Khải Định truy phong tước hiệu cho ông Lê Quang Nhâm và bà nguyễn Thị Chấp.

Ông Đinh Quốc Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành Bình cho biết: “Đình Thành Hóa có kế hoạch đưa vào công nhận di tích cấp tỉnh nhưng đình quá xuống cấp. Chúng tôi phải trùng tu thì mới làm hồ sơ gửi về trên, nhưng kinh phí trùng tu quá lớn, rất khó vận động. Từ lâu, UBND xã đã làm tờ trình gửi về huyện xin hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nhưng đến nay vẫn chưa thấy huyện trả lời”.

Xót xa trước cảnh điêu tàn của đình Thành Hóa, ông giáo Trần Văn Tài nói: “Chúng tôi không biết về công trạng và lai lịch ông Lê Tam. Chỉ thấy xót một nỗi mình là người lớn tuổi mà không làm được việc trùng tu cho ngôi đình, tự thấy có lỗi với bậc tiền hiền và con cháu đời sau”.

Hiệp lực bảo tồn

Mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực xếp hạng di tích để xác lập cơ sở pháp lý bảo vệ di tích, xác định trách nhiệm của từng cấp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích nhưng không thể bảo vệ được các di tích trước sự tàn phá của thời gian. Tính đến nay, tỉnh có 51 di tích cấp tỉnh; 16 di tích cấp quốc gia và 2 di tích quốc gia đặc biệt.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Quyền trưởng Ban Quản lý di tích cấp tỉnh xác nhận: “Nhiều di tích cấp tỉnh hiện đang xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ đổ sụp nếu chúng ta không có biện pháp khắc phục. Theo phân cấp quản lý của UBND tỉnh, lĩnh vực di tích đình, chùa, nhà cổ và di tích cấp tỉnh giao cho cấp huyện, thành phố quản lý. Nhưng thực trạng hiện nay, nhiều di tích cấp tỉnh xuống cấp quá nặng nhưng nguồn kinh phí sửa chữa, trùng tu rất khó”. Ở góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, ông rất băn khoăn vì hiện không có nguồn kinh phí nào để hỗ trợ việc trùng tu, sửa chữa các di tích cấp tỉnh đang xuống cấp.

Việc bảo tồn các di tích cần sự chung tay của xã hội, như vận động người dân, các nhà hảo tâm và nhà nước đối ứng để cùng nhau chung tay, thể hiện sự quan tâm đến các di tích, di sản của cha ông truyền lại.

Được biết, hiện có một số di tích cấp tỉnh đã vận động xã hội hóa được vài trăm triệu để trùng tu, sửa chữa, nhưng vì xuống cấp quá nặng nên “té” ra đến tiền tỷ, thậm chí vài tỷ đồng cho công tác sửa chữa, do các phần hư hỏng gần như liên hoàn, kéo theo nhau. Năm 2020, Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Bến Tre đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 sẽ kết thúc, hiện tỉnh chưa có thống kê, báo cáo kết thúc đề án.

“Ngành chúng tôi sẽ tham mưu một đề án, hoặc một chương trình, kế hoạch để chống xuống cấp di tích cấp tỉnh. Đồng thời, đưa ra phương án về nguồn vốn như kết hợp giữa vốn xã hội hóa và vốn ngân sách nhà nước. Có như vậy thì mới có thể bảo tồn được các di tích cấp tỉnh. Nếu không thì tới đây sẽ có nhiều di tích có nguy cơ sụp đổ và mai một”, ông Nguyễn Văn Hùng - Quyền trưởng Ban Quản lý di tích cấp tỉnh chia sẻ.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN