Cảnh giác với dịch bệnh động vật trên cạn và bệnh dại

06/04/2018 - 07:41

BDK - Từ đầu năm 2018 đến nay, có 1 ca tử vong vì bệnh dại ở huyện Mỏ Cày Bắc; bệnh lở mồm long móng trên đàn bò được phát hiện tại huyện Ba Tri... Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y, thời tiết diễn biến thất thường khiến sức đề kháng của gia súc giảm, từ đó nguy cơ xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm rất cao.

Tình hình dịch bệnh đầu năm 2018

Từ ngày 25-1-2018 đến nay, trên địa bàn huyện Ba Tri xảy ra 4 ổ dịch nghi lở mồm long móng trên đàn bò tại 4 xã, riêng ở Phú Ngãi có ổ dịch xác định với 35 bò bệnh trên tổng đàn 71 con; trong đó, có 44 con thuộc Dự án bò sữa. Các bò bệnh được điều trị khỏi, không có con chết. Đến thời điểm này, dịch bệnh đã được khống chế. Bên cạnh đó, diễn biến của bệnh liên cầu lợn cũng là một thách thức của ngành y tế và ngành nông nghiệp.

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trong cuộc họp triển khai phòng chống dịch bệnh gần đây: Đối với những bệnh lây từ động vật sang người, năm 2018 cần lưu ý 2 dịch bệnh là liên cầu lợn và bệnh dại. Năm 2017, tỉnh có 15 ca nhiễm liên cầu lợn, trong đó 1 ca tử vong ở huyện Chợ Lách, đa số có liên quan đến ăn, chế biến và chăn nuôi heo. Số ca ghi nhận liên cầu lợn nhiều hơn so với trước đây được cho là do Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đã nuôi cấy thành công trong xét nghiệm bệnh liên cầu lợn dẫn đến số lượng xét nghiệm nhiều hơn (trước đây phải gửi đi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới). Đầu năm 2018, liên cầu lợn tiếp tục xuất hiện ở xã Mỹ Hòa (Ba Tri), đa số ca bệnh thường xảy ra trên những người lớn tuổi đã mắc bệnh về gan, phổi, tiểu đường và di chứng thường gặp nhất là bị điếc.

Trong 4 năm qua, Bến Tre không có ca bệnh dại nào, đến đầu năm 2018 có 1 ca ở xã Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc). Ca này do chủ nhà bị chó nuôi cắn mà không đi chích ngừa, vài ngày sau lên cơn dại và tử vong, hai người làm thịt con chó bệnh vẫn lơ là việc chích ngừa mặc dù ngành chức năng ra sức vận động.

Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và thú y, yếu tố nguy cơ xảy ra dịch bệnh vẫn còn rất cao do diễn biến thời tiết ngày càng nhiều yếu tố bất lợi làm sức đề kháng của gia súc giảm. Trong khi đó, các mầm bệnh nguy hiểm vẫn đang lưu hành rộng rãi trong môi trường tự nhiên. Nhiều hộ chăn nuôi chưa có ý thức cao trong chủ động thực hiện giải pháp phòng dịch như tiêm phòng, tiêu độc; thậm chí một số hộ cố tình không thực hiện tiêm phòng theo hướng dẫn của ngành thú y.

Điểm mới trong phòng chống dịch bệnh

Ngoài những dịch bệnh xuất hiện đầu năm nay, trước tình hình giá heo giảm sâu, người chăn nuôi lỗ nặng làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Công tác phòng chống bệnh dại cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có địa phương nào triển khai thực hiện công tác quản lý chó nuôi; tiêm phòng dại chó mèo đạt tỷ lệ thấp do ý thức của người dân và các địa phương chưa đánh giá đúng mức sự nguy hiểm và tác hại của bệnh. 

UBND tỉnh vừa phê duyệt kinh phí năm 2018 cho công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn là 5,6 tỷ đồng; cho công tác phòng chống bệnh dại là 746 triệu đồng. Theo đó, nhiệm vụ của các địa phương là tổ chức giám sát chặt tình hình chăn nuôi, dịch bệnh nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để phát sinh ổ dịch lớn lây lan trên diện rộng. Phạm vi tiêm phòng được mở rộng hơn so với năm 2017. Cụ thể: tiêm phòng bắt buộc vắc-xin cúm gia cầm đối với vịt, vịt xiêm từ 4 ngàn con/hộ trở xuống, Nhà nước tổ chức tiêm phòng và miễn phí vắc-xin. Tiêm phòng bắt buộc vắc-xin tai xanh tại các vùng có nguy cơ cao và heo nái, heo nọc từ 300 con/hộ trở xuống. Tiêm phòng bắt buộc vắc-xin lở mồm long móng chỉ triển khai tiêm phòng tại 10 xã vùng ổ dịch cũ và 17 xã vùng nguy cơ cao và Nhà nước hỗ trợ miễn phí về vắc-xin áp dụng cho các cơ sở chăn nuôi có quy mô đối với các đối tượng heo nái, heo nọc, dê sinh sản, dê nuôi thịt, trâu bò nái sinh sản, trâu bò thịt.

Chương trình tiêm phòng dại bắt buộc đối với chó, mèo, năm 2018, tỷ lệ tiêm phòng tại các huyện, thành phố phải đạt ít nhất 20% so với tổng đàn. Vắc-xin dại sẽ được hỗ trợ miễn phí cho 16 xã vùng khó khăn ở 3 huyện Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại và 2 xã vùng ổ dịch cũ là Tân Phong và Thới Thạnh của huyện Thạnh Phú, tỷ lệ tiêm phòng dại phải đạt tối thiểu 75% so với tổng đàn. Tại các huyện Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại, mỗi huyện tổ chức triển khai tiêm phòng điểm tại một số xã và hỗ trợ điều trị dự phòng cho nhân viên thú y khi bị chó cắn, phơi nhiễm.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN