Xanh ngát rừng dừa quê hương, bài 1:

Cây dừa đi cùng lịch sử đất và người

17/02/2020 - 06:53

BDK - Cây dừa hiện diện và gắn liền với đời sống của cư dân Bến Tre từ bao đời nay. Từ ngày mở cõi lập làng, đi qua chiến tranh, cây dừa tiếp tục đồng hành với người dân trong xây dựng và phát triển quê hương trong thời đại mới, là nét văn hóa không thể tách rời với đất và người Bến Tre…

Bến nước vườn dừa. Ảnh: Quốc Thi

Bến nước vườn dừa. Ảnh: Quốc Thi

“Thấy dừa thì nhớ Bến Tre”. Có thể nói, cây dừa có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống người Bến Tre. Từ những mái nhà dừa, cây cầu dừa đến ẩm thực dừa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ... Dừa còn đi vào thế giới nghệ thuật với thơ ca, hội họa, âm nhạc… Từ lịch sử đến đương đại đã minh chứng cho sự gắn bó vững bền giữa cây dừa và con người Bến Tre, cho sự phát triển kinh tế - văn hóa Bến Tre.

“Dừa che bộ đội, dừa vây quân thù”

Những ký ức thời chiến của bà Nguyễn Thị Khao - Bí danh Út Thắng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo đấu tranh chính trị tỉnh Bến Tre qua 60 năm Bến Tre Đồng khởi đến hôm nay vẫn còn rõ mồn một. Kể lại với lớp trẻ chúng tôi một cách đầy tự hào, bà Út Thắng nói: “Thời đó, mọi khẩu hiệu trong vùng giải phóng của tỉnh mình đều viết bằng giấy rồi dán lên thân dừa. Sau lực lượng nghĩ ra cách bào nhẵn một khoảng chữ nhật trên thân dừa hoặc bào vắt chéo nếu khẩu hiệu hơi dài rồi dùng sơn vẽ khẩu hiệu lên. Dấu hiệu trên thân dừa như trạm truyền thông tin của quân đội ta mà địch dù biết cũng chịu thua”.

Bóc tách từ những sự kiện lịch sử của quê hương mới thấy sự tài tình trong cái cách mà người xứ dừa đánh giặc. Những năm tháng chiến tranh, quân giải phóng hành quân trong rừng dừa bạt ngàn khắp ba dải cù lao, đâu đâu cũng có dừa che mắt giặc. Đặc biệt, 3 xã Châu Bình, Châu Chí, Châu Hòa (Giồng Trôm) “dừa rợp trời”. Nhờ vào địa thế của rừng dừa, lực lượng tận dụng và khai thác tối đa cây dừa để phục vụ cách mạng. “Nhớ trận đánh tại cầu Bình Chánh, lực lượng đã kết bè dừa cho thả trôi theo dòng nước, nhờ sức nặng của bè và dòng chảy làm sập cầu, chặn đường di chuyển của địch”, bà Út Thắng nhớ lại.

Theo các tài liệu lịch sử, trong các thời kỳ kháng chiến, dừa đã cùng quân dân Bến Tre “tham gia” chống giặc, với nhiều hình thức hữu dụng. Dừa được dùng đóng cọc, gác ngang ở các trọng điểm vàm rạch ngăn không cho tàu giặc ruồng sâu vào vùng giải phóng. Đọt dừa là nơi người dân leo lên bó đọt để trốn lính ruồng, bắt bớ. Có giai đoạn, đọt dừa còn được quân ta cắm cờ giải phóng, dưới cây cờ có gài lựu đạn hay đầu đạn 105mm. Máy bay của địch khi bay xuống nhổ cờ thì lựu đạn nổ, bị hạ rơi ngay. Rừng dừa không chỉ giúp che chở cho quân dân ta trước sự bắn phá của quân địch mà còn giúp ích rất nhiều trong quá trình chiến đấu như: lá dừa làm lá ngụy trang, thân dừa làm cầu, làm nóc hầm tránh bom pháo giặc. Một trong những căn hầm lớn còn được lưu giữ thành di tích lịch sử đến nay là Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đóng tại xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc).

Lá dừa trong thời kỳ Đồng khởi đã biến thành những ngọn đuốc đồng loạt bừng sáng trong đêm, toàn dân Bến Tre đã đứng lên đồng khởi vang dội, chủ động tiến công, tạo nên một bước ngoặt lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hình ảnh ngọn đuốc lá dừa đã trở thành biểu tượng huyền thoại về sự kiện Đồng khởi của quê hương Bến Tre.

Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, dừa cũng không ít lần bị bom đạn cày xới thương tích, tan hoang. Đáng nhớ nhất là giai đoạn 1969 - 1972, hàng ngàn héc-ta vườn dừa của Bến Tre đã bị giặc Mỹ dùng chất độc hóa học hủy diệt. Các huyện Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành… có nhiều vườn dừa đã bị bom phá tan hoang, cây trơ trọi không còn lá, đọt. Toàn tỉnh khi ấy thiệt hại khoảng 5 ngàn héc-ta. Sau chiến tranh, cùng với bàn tay con người vươn lên, cây dừa lại phủ màu xanh ngút ngàn khắp ba dải cù lao như thơ ca.

Bóng dừa vào nghệ thuật

Hình ảnh cây dừa cũng đã đi vào nghệ thuật thơ ca rất nhiều tác phẩm. Nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân đã thốt lên: “…Ôi thân dừa đã hai lần máu chảy/ Biết bao đau thương biết mấy oán hờn/ Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút/ Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng/ Rễ dừa bám sâu vào lòng đất/ Như dân làng bám chặt quê hương” (Trích bài thơ Dừa ơi).

Không chỉ có trong thơ, mà hầu như tác phẩm nào trong hội họa lấy chủ đề về xứ Dừa Bến Tre cũng đã có hình bóng của dừa. Họa sĩ Lê Lam - từng công tác ở Phòng Hội họa Giải phóng miền Nam, tuy là người Hà Nội nhưng giai đoạn năm 1966, ông đã đến Bến Tre trong hành trình đi thực tế sáng tác ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông là người có công truyền bá và phổ biến chất liệu tranh khắc gỗ cổ động in tay và tô màu với số lượng theo yêu cầu treo, dán ở khắp các phòng, trạm thông tin trong tỉnh Bến Tre trong kháng chiến. Ông đã có hơn 500 bức ký họa kháng chiến, hàng chục tranh chất liệu khổ lớn.

 Đặc biệt, bức tranh sơn dầu “Má Bến Tre” (1968) đã khắc họa sâu sắc rừng dừa Bến Tre đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề của bom bạn chiến tranh, gây nhiều xúc động người xem. Trong tuyển tập tranh “Thời kháng chiến” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre xuất bản năm 2015, có đề cập đến kỷ niệm của họa sĩ Lê Lam với dừa Bến Tre.

 Tư liệu ghi rõ: “Có thể nói năm 1967, tôi đã sống ở xứ Dừa, rừng dừa Bến Tre Đồng Khởi. Tôi tận mắt chứng kiến: Đầu năm dừa Bến Tre còn xanh tốt hơn rừng, một màu xanh đen mát rượi, bao trùm cả 3 cù lao. Cuối năm tan hoang, loang lổ các vết bãi thân dừa như chông sào, không một thân dừa nào không dính dầu, vết đạn bom, chất độc hóa học Mỹ… Tôi rưng rưng nước mắt ngắm nhìn cảnh các chú bộ đội đang uống nước dừa, Má Bến Tre đang xếp lại bàn thờ tiên tổ bị bom Mỹ xô đổ ngả nghiêng. Thằng cháu của Má tay đang xách những trái dừa lấm lem bùn đất. Tôi mạnh dạn đề lên phát thảo: Má Bến Tre ơi!”.

Cũng nói thêm, Bảo tàng tỉnh Bến Tre hiện vẫn còn mô hình vườn dừa bị đạn bom để giúp người xem hình dung hình ảnh thực tế của thời kỳ ấy. Một căn nhà dừa đã được tỉnh cho xây dựng trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh để triển lãm về văn hóa nhà dừa của Bến Tre. Đây cũng là nơi thường xuyên diễn ra giao lưu văn hóa đờn ca tài tử của các câu lạc bộ và hoạt động của Hội di sản văn hóa tỉnh.

A. Nguyệt - Th. Đồng - Ph. Hân


Bài 2: Làm giàu từ “cây sự sống”

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN