Đoàn kết vượt qua thiên tai, dịch bệnh, bài 3: Niềm tin, quyết tâm hành động

24/04/2020 - 07:16

BDK - Quyết liệt và nhất quán từ chủ trương đến hành động, công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt kết quả tốt, kiểm soát được dịch khi bệnh nhân số 123 tại ấp Thừa Lợi, xã Thừa Đức đã được chữa khỏi bệnh. Trong ứng phó với hạn mặn, người dân trên địa bàn tỉnh đã được kịp thời hỗ trợ nước ngọt để sinh hoạt. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn đang tiếp diễn, hạn mặn trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra, chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn…

Người dân lấy nước ngọt tại hồ chứa ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Thanh Đồng

Người dân lấy nước ngọt tại hồ chứa ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Thanh Đồng

Giải quyết triệt để tình huống khó

Với những kế hoạch cụ thể, tỉnh đã kiên trì kịch bản chống dịch và triển khai rộng khắp, quyết liệt trên phạm vi toàn tỉnh. Các biện pháp phòng chống dịch đã được đề ra kịp thời, phù hợp và được thực hiện có kết quả. Trong suốt quá trình phòng chống dịch, tất cả các trường hợp đi về từ vùng dịch, từ nước ngoài về tỉnh đều được cách ly, hướng dẫn y tế theo đúng quy định, thực hiện nghiêm túc thời gian cách ly tại nhà. Đối với ca bệnh số 123, tại ấp Thừa Lợi, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, ngay khi phát hiện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đã khẩn trương, kiên quyết khoanh vùng, kịp thời cách ly gần 1.600 trường hợp tiếp xúc. Có thể thấy, những nỗ lực phấn đấu quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với sự tận tâm, tận tụy của nhân viên ngành y đã góp phần vào hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Đến thời điểm này, hạn mặn đã diễn ra trên địa bàn tỉnh hơn 5 tháng, nhu cầu sử dụng nước ngọt sinh hoạt vẫn còn vô cùng bức thiết. Tất cả các giải pháp công trình và phi công trình, những hành động ứng phó tức thời đã giải quyết được nhu cầu của người dân đúng lúc. Trong mùa khô năm 2019-2020, tỉnh đã trang bị thiết bị lọc nước nhiễm mặn RO cho 21/35 trạm cấp nước để tạo đủ nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân.

Ghi nhận tại xã Bảo Thuận và một số địa phương trong tỉnh, cơ bản hộ nghèo được hỗ trợ dụng cụ chứa nước, sử dụng bồn chứa để trữ nước. Xã Bảo Thuận đã vận động hỗ trợ cho trên 270 hộ có bồn chứa nước, loại 2m3/bồn. 259 hộ nghèo đã đổ ống hồ bê-tông. Đồng thời, xã phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh hỗ trợ 87 hộ nghèo; đầu tư hệ thống lọc mặn.

Việc tiếp nhận tài trợ, điều phối nước ngọt, hỗ trợ nhu yếu phẩm đến cho nhân dân trong bối cảnh phải thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 cũng được thực hiện khá tốt, nhanh chóng rút kinh nghiệm từng vấn đề phát sinh. Nếu như thời điểm đầu còn xảy ra tình trạng bà con tụ tập đông tại các điểm cấp nước thì về sau, chấp hành các biện pháp phòng dịch, việc bố trí, tổ chức cấp nước đã được làm tốt hơn, người dân được hướng dẫn xếp hàng, giãn cách trật tự, đeo khẩu trang nơi công cộng… Hệ thống lọc nước RO triển khai trên địa bàn tỉnh cũng đang được kiểm soát để vận hành có hiệu quả lâu dài, nâng cao chất lượng nguồn nước cho nhân dân.

Đề cao vai trò của người dân

Đánh giá về công tác vận động nguồn nước ngọt ứng phó hạn mặn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập nhận xét: Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của các mạnh thường quân thì vai trò của người dân đã được phát huy rõ rệt. Tinh thần chủ động trữ nước mưa, nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, san sẻ nước cho nhau trong khó khăn cũng như tuân thủ những khuyến cáo của ngành chức năng về ứng phó hạn mặn đã làm giảm nhẹ phần nào những ảnh hưởng của thiên tai. Hạn mặn cao hơn năm 2016 nhưng thiệt hại chỉ bằng 9,6% về cây lúa. Tình trạng hạn mặn đã được xem là một thực tế mà tỉnh phải đối mặt và buộc phải thích nghi. Người dân cùng với hệ thống chính trị có giải pháp thích ứng bằng cách thay đổi phương thức sản xuất, dự trữ nước ngọt.

Trong khó khăn kép, vai trò của từng người dân đều được đề cao. Tự mỗi người ý thức trong phòng chống dịch, tuân thủ cách ly xã hội, thực hiện khai báo y tế là đã góp phần cho việc phòng chống dịch được thực hiện tốt. Sự chung tay góp sức của các mạnh thường quân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đúng lúc đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện các giải pháp mặc dù chính các doanh nghiệp cũng đang đứng trước khó khăn chung về kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đại diện một trong những đơn vị đã tích cực hỗ trợ nước ngọt cho Bến Tre, ông Nguyễn Văn Thiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương Biwase đã khẳng định, dù công ty cũng đang chịu ảnh hưởng chung của dịch bệnh, nhưng tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn của công ty đến bà con Bến Tre và các tỉnh vùng bị thiên tai, hạn mặn vẫn sẽ được phát huy.

“Có được số nước hỗ trợ này rất quý cho bà con, chúng tôi mừng lắm. Gia đình tôi thời gian qua phải mua nước thùng để sử dụng, rất tốn kém. Giờ được hỗ trợ nước ngọt cũng đã đỡ phần nào cho gia đình tôi cũng như nhiều bà con ở đây. Cho tôi thay mặt bà con gửi lời cảm ơn đến nhà tài trợ. Chúng tôi rất trân quý tấm lòng vàng của nhà tài trợ chia sẻ với tỉnh trong giai đoạn hạn mặn khó khăn này”, ông Nguyễn Minh Hoàng, người dân Khu phố 2, Phường 7, TP. Bến Tre chia sẻ.

“Cấp ủy chính quyền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh ven biển, trong đó có Bến Tre đã rất chủ động, sáng tạo, năng động có giải pháp cụ thể, chi tiết cùng các công trình ứng phó đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống người dân. Đồng thời, thực hiện nghiêm các chỉ thị của Chính phủ trong công tác quản lý, ứng phó dịch Covid-19.

 Một vấn đề khó và rất khó nhưng Chính phủ và chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế và toàn dân cùng tập trung quyết tâm cao nhất thì sẽ giải quyết được và giành thắng lợi”.

(Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong cuộc làm việc tại tỉnh về công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn)

Ph. Hân - A. Nguyệt - Th. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN