Độc đáo kiến trúc đình Phú Nhuận, Phú Tự

11/10/2019 - 05:58

BDK - TP. Bến Tre có 3 ngôi đình được công nhận là di tích cấp tỉnh, trong đó, đình An Hội được nhiều người biết đến hơn cả, bởi nằm ngay vị trí trung tâm thành phố (Phường 2); 2 ngôi đình còn lại cũng có độ tuổi hàng trăm năm là đình Phú Tự (xã Phú Hưng) và đình Phú Nhuận (xã Phú Nhuận), nơi lưu dấu kiến trúc nghệ thuật, tín ngưỡng dân gian và 2 cây cổ thụ độc đáo.

Một góc đình Phú Nhuận.

Một góc đình Phú Nhuận.

Đình Phú Nhuận

Đình Phú Nhuận là di tích lịch sử văn hóa thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào ngày 27-6-2016.

Theo các vị cao niên trong làng, khi đình chính được trùng tu, dàn cột, kèo, xuyên, trính, áp quả được tận dụng để dựng nên ngôi Tiên sư. Khi khánh thành thì được nhân dân trong làng phụng cúng nhiều hoành phi mà hiện nay đình còn lưu giữ. Tại chính điện của đình có treo một bức hoành phi chữ Hán với nội dung “Phú Nhuận linh từ”, đọc từ phải sang trái với dòng lạc khoản: Tân Hợi niên, quý xuân, cát tạo, có nghĩa là Ngôi miếu linh Phú Nhuận và hoành phi này được tạo lập vào ngày tốt, tháng 3, năm Tân Hợi (1911). Có lẽ đây là mốc đình được trùng tu, còn thời gian xây dựng thì trước đó.

Đình Phú Nhuận có tổng diện tích 20.436,3m2, diện tích xây dựng 432m2. Kiến trúc của đình là kiến trúc cổ truyền được xây dựng theo kiểu hình chữ Nhất, với cột, kèo, đòn tay, rui, mè bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch bông và tráng xi-măng, vách tường gạch, bên trên nóc trang trí lưỡng long tranh châu, ngư hóa long, con nghê... chất liệu bằng sành sứ tráng men. Đình Phú Nhuận còn tương đối nguyên vẹn kiến trúc cổ. Các hoành phi, bao lam, câu đối bằng chữ Hán của đình rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc.

Đặc biệt, đình còn có cây thiên tuế cổ thụ khoảng 200 năm tuổi, hiện diện trước bàn thờ Thần nông. Cây thiên tuế độc bản sống hàng trăm năm đã gắn liền với ngôi đình, có 9 ngọn, vô cùng độc đáo. Cây thiên tuế cao hơn 4m, gốc cây to hai người ôm. Thân cây chia làm 3 nhánh, tẻ ra 9 ngọn rất đẹp, vào mùa xuân, cây ra hoa dài 70 - 80cm, khá lạ mắt. Theo các lão niên trong Ban Khánh tiết đình, cho đến nay, không người nào biết cây thiên tuế được trồng khi nào và do ai trồng.

Đình Phú Tự

Đình Phú Tự thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh được phong sắc vào năm 1910 (Khải Định nhị niên). Cho đến nay, vẫn chưa có tư liệu nào xác định thời gian xây dựng ngôi đình nhưng theo truyền miệng thì đình được xây dựng trước năm 1904 rất lâu. Ban đầu đình chỉ là ngôi nhà bằng tre lá đơn sơ, được những lưu dân mới đến khai cơ lập địa xây dựng để làm nơi thờ cúng các bậc tiền hiền, cầu cho mưa thuận gió hòa. Sau đó, ông Trần Văn Cương, một cư dân giàu có của làng Phú Hưng hiến đất nên đình được xây dựng to lớn hơn.

Đình Phú Tự có tổng diện tích đất 9.695m2, được xây theo kiểu chữ Tam, các gian đình cất theo kiểu tứ trụ, mái liền kề nhau, lợp ngói âm dương. Các gian tứ trụ trang trí lưỡng long chầu nguyệt, bát tiên. Cột, kèo làm bằng gỗ căm xe và gõ đỏ. Nền cao 0,5m, lót gạch tàu. Đình chính gồm 3 gian: võ ca, nhà thính và nhà chánh. Việc bày trí, thờ cúng cũng giống các ngôi đình khác trong tỉnh. Đặc biệt, đình Phú Tự có thờ linh vị của Quốc Tổ Hùng Vương. Phía sau thờ tiền hiền, hậu hiền. Trước sân đình ngoài bàn thờ Thần Nông (còn gọi là Đàn xã tắc) và bàn thờ Sơn Quân (ông Hổ) còn có Đài liệt sĩ để tưởng nhớ 278 liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam của đất nước.

Theo Ban Quản lý di tích Bến Tre, lưu dân người Việt đến định cư vùng đất này vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, khi chọn nơi đây để xây dựng đình, vốn có sẵn cây bạch mai đã được trồng từ trước. Các cụ cao niên ở đây kể lại, vào những năm đầu thế kỷ XIX, ngôi đình được trùng tu, đổi hướng quay mặt ra sông Bến Tre, cây cổ thụ bạch mai đứng giữa sân trước như bây giờ, làm tăng thêm vẻ cổ kính của ngôi đình.

Được biết, hoa bạch mai chỉ nở một ngày là rụng, mỗi năm hoa nở một lần vào khoảng tháng Giêng, thời gian ngắm hoa thích hợp nhất là từ 7 - 8 giờ sáng, lúc này hoa vừa nở, đẹp và thơm nhất. Ngày 10-1-2008, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định số 75/QĐ-UBND công nhận đình Phú Tự và cổ thụ bạch mai là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh về kiến trúc nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích