Đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Người cán bộ hết lòng vì dân, vì nước

19/02/2021 - 13:24

BDK.VN - Hay tin đồng chí Trương Vĩnh Trọng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương đã từ trần, nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên tỉnh nhà đã bày tỏ niềm xúc động, nhớ những kỷ niệm đáng nhớ trong những chuyến công tác cùng người cán bộ lãnh đạo gương mẫu, vì nước, vì dân; người chiến sĩ cộng sản chân chính, kiên trung; người con luôn sống tình nghĩa với nhân dân, quê hương.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trao Huy chuong Lao động hạng Ba cho các lãnh đạo tỉnh năm 2010.

Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trao Huy chuong Lao động hạng Ba cho các lãnh đạo tỉnh năm 2010. Ảnh:BDK

Tấm gương sáng để mỗi cán bộ, đảng viên học tập noi theo

Sự ra đi của nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã để lại sự tiếc thương vô hạn cho người dân tỉnh nhà. Suốt những năm qua, trong ký ức của mỗi người, nhất là những người đã từng gặp, từng có dịp làm việc với anh luôn nhớ về hình ảnh người cán bộ hết lòng vì người dân Bến Tre, nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách.

Anh là người lãnh đạo luôn đặt lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân lên hàng đầu; một nhà chính trị mẫu mực, tài ba lỗi lạc, nhiệt huyết mang đậm chất Nam Bộ. Phong cách làm việc của anh như một thầy giáo, cuộc sống giản dị, dễ gần gũi. Trong giải quyết vấn đề anh luôn dùng “nhân tâm”, không đao to búa lớn.

Đối với chúng tôi, nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng là người anh, luôn dìu dắt, hướng dẫn anh em trong công việc. Khi làm việc, anh nhẹ nhàng, không quan cách; góp ý anh em rất chân tình, gợi ý cụ thể vấn đề nào chưa được, vấn đề nào cần phát huy.

Còn nhớ có lần “bí quá”, tôi hỏi anh Hai về công tác cán bộ. Anh bảo: “Tụi bây coi tình hình thực tế, tập thể bàn bạc đưa ra giải pháp”. Anh Hai là người như thế, nhà chính trị mẫu mực, không cục bộ cá nhân, giải quyết vấn đề luôn có tình, có lý. Anh xứng đáng là tấm gương sáng để mỗi cán bộ, đảng viên học tập noi theo.

(Đồng chí Huỳnh Văn Be -  nguyên Bí thư Tỉnh ủy )

Người cán bộ hết lòng vì dân, vì nước

Anh Hai là mẫu người cán bộ lãnh đạo có cái tâm rất trong sáng, tầm nhìn rất chiến lược, hết lòng vì dân, vì nước, dù ở bất cứ cương vị nào, anh Hai cũng thể hiện những phẩm chất đó. Tôi còn nhớ lúc anh Hai làm Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm, ảnh là người lặn lội cùng với cán bộ để tìm hướng đi cho huyện nhà phát triển kinh tế, khôi phục lại quê hương sau chiến tranh, khắc phục hậu quả rất nặng nề và phát triển Giồng Trôm lúc đó trở thành một trong những địa phương rất năng động của tỉnh.

Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng dự lễ khánh thành Bia lưu niệm Tiểu đoàn 307, Tiểu đoàn 310 tại huyện Thạnh Phú năm 2018.

Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng dự lễ khánh thành Bia lưu niệm Tiểu đoàn 307, Tiểu đoàn 310 tại huyện Thạnh Phú năm 2018. Ảnh: Hữu Hiệp

Sau khi anh Hai nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh, ảnh chính là người mở đường đột phá cho việc đưa điện quốc gia vượt sông Tiền về Bến Tre để phá thế không có năng lượng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Cũng chính anh Hai là người nghĩ ra xây dựng cầu Bến Tre 2 để phá thế độc đạo của huyện Giồng Trôm, Ba Tri qua sông Hàm Luông. Anh Hai có tầm nhìn và niềm trăn trở lo cho dân như thế.

Sau này, khi về Trung ương, được phân công về Đồng Tháp, anh Hai vẫn một lòng, một dạ như thế đối với sự nghiệp cách mạng của cả nước, của địa phương bạn. Người dân Đồng Tháp rất tinh yêu, ngưỡng mộ anh Hai vì cái tâm, cái tầm, bởi ảnh không phải là người dân Đồng Tháp nhưng rất lo cho dân Đồng Tháp như chính quê hương của mình.

Ấn tượng của tôi đối với anh Hai rất sâu sắc, rất ngưỡng mộ. Khi hay tin anh Hai qua đời, trong tôi vô cùng xúc động! Có lẽ từ đây, chúng ta đã mất đi người anh cả của tỉnh nhà. Đảng ta mất người cán bộ lãnh đạo trung kiên, mẫu mực, yêu Đảng, yêu dân.

(Đồng chí Võ Thành Hạo - nguyên Bí thư Tỉnh ủy)

Anh là người cán bộ vừa có đức, vừa có tài

Khoảng tháng 4-1968, tôi vinh dự được biết anh Hai Nghĩa lần đầu tiên trong một chuyến công tác rước đoàn cán bộ tỉnh về Quân khu 8, trong đó có chú Mười Kỷ và anh Hai Nghĩa. Sau giải phóng, tôi vinh dự gặp lại anh vài ba lần. Có thể nói, anh Hai là một cán bộ “tròn trịa”. Anh là người cán bộ vừa có đức, vừa có tài. Tôi có thời gian sát cánh cùng anh, lúc ấy anh phụ trách khối nội chính của Chính phủ. Bắt ai, khởi tố ai tôi đều xin ý kiến anh. Nhưng không bao giờ anh Hai cho ý kiến liền, vì anh rất thận trọng trước khi đưa ra quyết định một vấn đề gì, nhất là những vụ việc lớn, vụ việc liên quan đến cán bộ. Cho nên, làm việc cùng anh, tôi học được rất nhiều điều, nhất là cái đức của anh, mang tính nhân văn và tình người sâu sắc.

Ngày 17-1-2010, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng về xã Định Thủy (Mỏ Cày Nam) dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960/17-1-2010) và gặp lại nhiều học trò cũ tại huyện Mỏ Cày. Ảnh: Hoàng Vũ

Ngày 17-1-2010, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng về xã Định Thủy (Mỏ Cày Nam) dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 -17-1-2010) và gặp lại nhiều học trò cũ. Ảnh: Hoàng Vũ

Thứ hai là cái tài của anh. Anh có tài nhưng “giấu”. Có lần ảnh nói với tôi: “Tư Bốn, bây giờ mà đánh giá tình hình đất nước, mà toàn đen thui thì không thể làm cán bộ được. Và cũng không thể nhìn thấy màu hồng không thì cũng không nên, mà phải ở thế “trung bình tấn””. Anh đánh giá rất kỹ về tình hình kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh trật tự trong nước, luôn cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, không thiên về bên nào cả. Có thể nói, trí tuệ của anh rất đáng kính nể.

Trong vụ án Năm Cam, lúc đó tôi làm Trưởng ban chuyên án, tôi thường xuyên báo cáo tình hình vụ án, anh nói, phần này tôi với chú xử lý được, còn lại báo cáo Ban Bí thư hay Bộ Chính trị, hoặc tham khảo với các cơ quan pháp luật thật kỹ mới giải quyết. Cho nên, ân tình giữa tôi với anh Hai rất lớn. Sau khi về hưu, mỗi năm tôi đều đến thăm anh nhiều lần. Đôi lúc anh chủ động gọi điện tôi qua chơi, cùng ăn bánh xèo do nhà anh tự làm. Tôi học hỏi anh nhiều lắm. Tôi lớn lên, trưởng thành và đặc biệt về sau này tôi hết sức biết ơn anh. Đối với cán bộ cấp dưới, anh ứng xử thật tuyệt vời, sống giản dị, chân thành và gần gũi anh em.

(Trung tướng Nguyễn Việt Thành - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an)

Sẵn sàng gánh vác khó khăn nguy hiểm

 Đồng chí Trương Vĩnh Trọng hay còn gọi với cái tên quen thuộc là anh Hai Nghĩa; người đảng viên cộng sản mẫu mực, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, trọn cuộc đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc.

80 mùa xuân của cuộc đời, hơn 50 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, trên nhiều cương vị lãnh đạo, từ ở quê hương Bến Tre đến Trung ương, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, với bản lĩnh cách mạng kiên cường, anh Hai Nghĩa sẵn sàng hy sinh, chịu đựng mọi gian khó. Anh Hai Nghĩa sống luôn bình dị, đầy tình nghĩa với anh em, đồng chí, gắn bó máu thịt với nhân dân. Anh đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để lại tình cảm sâu nặng với đồng chí, đồng bào cả nước và nhân dân quê hương Bến Tre.

Khánh thành đường điện cao thế vượt sông Tiền (ngày 19-5-1989). Ảnh tư liệu

Khánh thành đường điện cao thế vượt sông Tiền (ngày 19-5-1989). Ảnh tư liệu

Biết bao kỷ niệm về anh Hai đối với quê hương, với anh em đồng chí, đồng đội. Đối với tôi, nhớ nhất là hình ảnh anh, lúc ấy với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh, đang đọc diễn văn khánh thành đường điện cao thế vượt sông Tiền (ngày 19-5-1989). Anh đã vui mừng đến rơi nước mắt, không kềm được cảm xúc mà reo lên “Bà con ơi, điện quốc gia đã về với quê hương Bến Tre mình rồi!...”.

Đói, no, sống chết cùng quê hương. Trong những năm đầu sau giải phóng, còn biết bao gian khó, nói công nghiệp hóa mà tỉnh chưa có điện lưới quốc gia, anh Hai như hòa mình vào nguyện vọng thiết tha và niềm vui chung của nhân dân trong tỉnh đã không kềm chế được cảm xúc thật từ đáy lòng mình. Tư chất của anh là như vậy, rất bộc trực, vui thì thể hiện rõ, buồn giận thì hết sức nghiêm khắc, thẳng thắn, nhưng cũng hết sức chân tình. Anh khen không làm cho người ta tự mãn. Anh chê trách, nhưng không làm cho người ta thối chí phiền lòng, mà tự nhìn lại mình để phấn đấu vươn lên. Những người từng được sống và làm việc với anh đều thấy mình học tập từ phong cách của anh mà trưởng thành.

Trong những năm chiến tranh, tôi may mắn sống chung với anh Hai Nghĩa một thời gian ngắn. Thường những công việc khó khăn, nguy hiểm anh đều đứng ra gánh vác. Nhớ lại thời điểm năm 1971, địch bình định lấn chiếm hầu hết vùng giải phóng Bến Tre. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phân công cán bộ đến công tác vùng yếu huyện Mỏ Cày Bắc đều lần lượt hy sinh. Anh Hai đã xung phong đi thay thế đồng chí đã hy sinh. Ai cũng lo lắng cho anh. Nhưng rồi biết bao lần vào sinh ra tử, anh Hai đều thoát nạn, bám trụ được và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh quen biết, thân thiết với chị Sáu Cẩn là y tá của xã Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc) để sau này trở thành người bạn đời trăm năm của anh.

(Đồng chí Vũ Hồng Thanh - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Nghĩa tình chén rượu Lương Hòa

Hồi tưởng lại những kỷ niệm với nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, tôi vẫn còn nhớ rất sâu sắc những ấn tượng đẹp, đầy nghĩa tình. Đồng chí Trương Vĩnh Trọng là một người chiến sĩ cộng sản chân chính, luôn sống đàng hoàng, tình nghĩa”.

Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng tại lễ động thổ xây dựng nhà máy điện gió Bình Đại. Ảnh: PV

Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng tại lễ động thổ xây dựng nhà máy điện gió Bình Đại. Ảnh: PV

Tôi và anh Hai Nghĩa là đồng chí cùng thời. Cả hai cùng nhận nhiệm vụ là Ủy viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bến Tre. Lúc đó, tôi phụ trách Tiểu ban Thông tin báo chí, còn anh Hai Nghĩa phụ trách Tiểu ban Tuyên truyền. Tình đồng chí, đồng đội qua thời mưa bom lửa đạn cho đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất luôn vẹn nguyên.

Tôi có 2 kỷ niệm đặc biệt với anh Hai Nghĩa. Lần thứ nhất, chén rượu tiễn đưa khi tôi nhận nhiệm vụ theo phái đoàn liên hợp quân sự 4 bên. Trong khi chị Tri Phương cũng trong Ban Tuyên huấn khi ấy nhìn tôi khóc vì tính là một đi sẽ không có ngày về, thì anh Hai Nghĩa tiễn tôi bằng chén rượu Lương Hòa. Chén rượu thơm như tình đồng chí, đồng đội, động viên nhau một lòng vì nhiệm vụ cách mạng.

Tình cảm ấy với anh Hai Nghĩa và hình ảnh người cán bộ chân thành ấy là điều mà tôi cùng những người trong gia đình anh sẽ không quên. Sau giải phóng, tôi đi học cao cấp chính trị ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Hà Nội 2 năm. Anh Hai Nghĩa biết điều đó nên một lần anh chuẩn bị đi công tác có ghé nhà tôi, dặn người nhà soạn đồ để anh đem ra Hà Nội cho tôi. Rồi ít năm sau, khi mỗi người một nơi công tác, anh có lần đến nhà thăm. Lúc đó, kinh tế còn khó khăn, gia đình tôi chăn nuôi cải thiện. Lúc anh đến nhà thì tôi đang cho heo ăn. Anh không e ngại mà đi xuống tận sau nhà để hỏi thăm, trò chuyện. Ấn tượng này cho đến bây giờ các con tôi vẫn còn nhắc mãi về một người bác, người chú thân tình, giản dị.

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng có phẩm chất cao đẹp để lại cho đời. Đó là khi nghỉ hưu, đồng chí vẫn sống tại quê nhà, gần gũi với bà con, chòm xóm, được nhân dân yêu thương, kính trọng. Đó chính là tấm gương về sự kiên định vững vàng lý tưởng cộng sản, là chân dung sống động về một người cán bộ cách mạng vì nước, vì dân, luôn nêu cao tinh thần loại trừ chủ nghĩa cá nhân.

(Đồng chí Phạm Công nghiệp - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Thu Huyền - Phạm Tuyết - Quốc Hùng - Cẩm Trúc - Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN