Ghi nhận về ngày Chủ nhật nông thôn mới

10/04/2019 - 07:11

BDK - Nhóm công tác bất ngờ đi vào góc bếp của nhiều gia đình, rác được phân loại, không góc bếp nào bốc mùi rác. Không khí ngày Chủ nhật nông thôn mới (NTM) ở xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách ít rầm rộ nhưng lan tỏa hiệu quả.

Bí thư Chi bộ ấp Thanh Trung cùng đoàn vận động thăm nhà anh Võ Văn Lợi.

Bí thư Chi bộ ấp Thanh Trung cùng đoàn vận động thăm nhà anh Võ Văn Lợi.

Phân loại rác thải

Sáng sớm ngày Chủ nhật cuối tháng 3-2019, nhóm công tác gần 10 người gồm cán bộ xã và cán bộ, công chức làm việc ở huyện về nơi cư trú đều ra quân tham gia ngày Chủ nhật NTM. Tinh thần làm việc tập trung vào tiêu chí môi trường, cụ thể là vận động người dân xóa cầu tiêu ao cá, phân loại rác, đào hố chôn - đốt rác. Cả 7 ấp trên địa bàn xã cùng đồng loạt thực hiện ngày Chủ nhật NTM. Nhóm công tác chia thành nhiều tốp rẽ đi các ấp.

Chúng tôi đến ấp Thanh Trung, ấp “chợ” này hoạt động khá nhộn nhịp, với một chợ xã và điểm kinh doanh. Anh Võ Văn Bòn và một số hộ dân ở đây có hợp đồng riêng với xe lấy rác. Hộ anh Võ Văn Lợi thực hiện phân loại rác cách đây 15 năm, mỗi thùng đều có lồng bịch ni-lông. “Khi tôi xây nhà thì thực hiện phân loại rác với 3 thùng, 1 thùng rác hữu cơ, ngày nào cũng có xe lấy rác loại này, 2 thùng rác vô cơ, vài ba ngày tôi gom vào mang lên trạm y tế xã đốt, do trên ấy có lò đốt. Lợi ích của phân loại rác là khuôn viên nhà luôn sạch, không có mùi hôi, ít ruồi nhặng”. Anh Lợi cũng chia sẻ cho tất cả những hộ trong tổ cùng thực hiện, hiện có 30/45 hộ khác trong tổ cùng áp dụng phân loại rác, nhất là những hộ có trẻ nhỏ, họ cần sạch sẽ nên hưởng ứng rất nhiệt tình.

Xã Hưng Khánh Trung B đã đạt 15/19 tiêu chí xã NTM, các tiêu chí chưa đạt hầu hết đều “ngấp nghé” mức đạt, chỉ còn tiêu chí số 17 - môi trường là nặng nhất, cần sự vào cuộc của tất cả người dân.

Xóa cầu tiêu ao cá

Chúng tôi tiếp tục di chuyển đi ấp Thanh Xuân, một ấp khá trẻo của xã Hưng Khánh Trung B. Theo đường bê-tông rồi đến đường mòn đầy cát, xe trầy trật mới đi hết đoạn đường, cuối đường một căn nhà sạch sẽ hiện ra với vườn cây nào dừa, mận, dâu đang ra trái.

Chủ nhà là cô Nguyễn Thị Trọn, góc bếp nhà cô sạch trơn, trong giỏ rác bằng nhựa màu đỏ toàn hộp giấy sữa, vỏ hộp bánh, bịch ni-lông. Tất cả rác như cọng rau, vỏ dưa hấu cô Trọn đem cho dê ăn; đầu cá, đầu tép thì cho gà, vịt “xử”. Còn mớ rác “không con gì ăn được” thì cô đem đốt, người dân nông thôn rất sợ đất bị ảnh hưởng trồng cây không tốt nên họ không vứt rác bừa bãi.

Tại Hưng Khánh Trung B, cầu tiêu ao cá đang là vấn đề nan giải. Gần như nhà nào ở nông thôn cũng có cầu tiêu, như nhà cô Trọn thì có đến hai cái, xây dựng bằng bê-tông kiên cố trên một ao cá. Nước không vô ra nên xanh lét. Gia đình cô Trọn được chị Nguyễn Thị Kiều Trang - Trưởng ấp Thanh Xuân và nhóm công tác có Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đến thăm, vận động xóa cầu tiêu ao cá. “Đến tháng 6-2019, xã phải hoàn thành các tiêu chí NTM, trong đó ấp còn nhiều cầu tiêu cao cá, nên hộ cô ráng phấn đấu tháng sau, qua đám giỗ là mình khởi công làm nhà vệ sinh luôn. Để tới tháng 6 hoàn thành đưa vào sử dụng là vừa”, chị Nguyễn Thị Kiều Trang đề nghị.

Đi cùng còn có chị Võ Thị Huệ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện. Chị Huệ và chị Trang đi một vòng quan sát, đề xuất chủ nhà vị trí thích hợp nhất để xây nhà vệ sinh. Chị Huệ nói thêm: “Nói xóa cầu tiêu ao cá nhưng cô Sáu (cô Nguyễn Thị Trọn) chỉ cần bỏ cầu tiêu thôi, ao cá thì vẫn giữ để nuôi cá, cô cho nó ăn thức ăn là được”. Với kinh nghiệm vận động, chị Huệ đã nói thật cụ thể để người dân hiểu cụm từ “xóa cầu tiêu ao cá”.

Cách đó không xa, có 5 hộ dân khác đang khởi công xây dựng hố xí hợp vệ sinh. Hộ chú Nguyễn Văn Sáu cũng đang khởi công sửa nhà, xây dựng hố xí. Vợ chú nói: “Tháng trước nhà tôi được xã đến vận động xây dựng hố xí, tôi thực hiện ngay vì mình lớn tuổi rồi, vừa sạch sẽ, vừa để dưỡng già sau này, chứ đi ra vườn thì xa quá. Tôi tính làm nhà vệ sinh và hố xí mới cũng hết 12 triệu đồng”.

Hầu hết những hộ được đến vận động đều vui vẻ hưởng ứng phân loại rác và xóa bỏ cầu tiêu ao cá. “Ai cũng vậy, xã mình, ấp mình ai cũng làm thì mình làm thôi, thấy lợi ích nhiều cho mình nữa, vừa sạch sẽ, vừa an toàn cho gia đình”, chú Nguyễn Văn Sáu chia sẻ.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN