Hoàn thành phục hồi di tích Nơi ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn

19/08/2020 - 07:09

BDK - Nhà ông Nguyễn Văn Trác, tại Ấp 8, xã Hiệp Hưng (nay là xã Hưng Lễ), huyện Giồng Trôm từng là nơi ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn (từ tháng 11-1955 đến 3-1956). Nơi đây đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (ngày 7-5-1997). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã hỗ trợ kinh phí cho Bến Tre phục hồi lại di tích Nơi ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn, đến nay đã hoàn thành.

Đại biểu đến tham quan công trình mới.

Đại biểu đến tham quan công trình mới.

Dấu ấn lịch sử về Tổng Bí thư Lê Duẩn

Đồng chí Lê Duẩn là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1976 - 1986). Ông sinh ngày 7-4-1907, tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là một trong những người học trò lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã cống hiến trọn đời mình cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Cái duyên với Bến Tre của đồng chí Lê Duẩn được ghi dấu vào thời điểm 1955. Khi ấy, Mỹ - Diệm trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Cách mạng miền Nam lúc bấy giờ ở trong tình thế dầu sôi lửa bỏng. Với cương vị là Bí thư Xứ ủy, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã đi tìm hiểu tình hình cách mạng ở một số tỉnh miền Nam, trong đó có Bến Tre.

Ở Bến Tre, đồng chí Lê Duẩn đã đi nhiều nơi, có lúc giả dạng người bị câm điếc, có lúc giả dạng làm người đi câu cá trên sông liên tục nhiều ngày để tránh địch càn quét. Trong thời gian ở Bến Tre, nhà ông Nguyễn Văn Trác (ông Mười Trác) là nơi đồng chí Lê Duẩn ở và làm việc lâu nhất. Nhà ông Mười Trác nằm trong vườn dừa, thuận tiện cho việc thoát thân khi gặp nguy hiểm. Bản thân ông Mười Trác thuộc gia đình trung nông, là Bí thư Chi bộ Đảng bí mật. Gia đình ông Mười Trác cùng một số cán bộ cách mạng đã bảo vệ an toàn cho đồng chí Lê Duẩn.

 Trong thời gian ở tại đây, đồng chí Lê Duẩn đã soạn thảo đề cương cách mạng miền Nam và triển khai nhiều cuộc họp quan trọng. Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Lê Duẩn có trở về thăm nơi này và đã cho xây tặng ông bà một ngôi nhà mới thay thế ngôi nhà cũ đã hư hỏng nhiều. Sau khi được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (năm 1997), gia đình đã đồng ý để Bảo tàng Bến Tre sử dụng ngôi nhà làm nơi trưng bày, giới thiệu về Tổng Bí thư Lê Duẩn (gia đình ở ngôi nhà cạnh bên).

Di tích đã được Bộ VHTT&DL hỗ trợ kinh phí hơn 13,4 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, phục hồi theo ngôi nhà nơi ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn thời điểm ấy. Hạng mục chính gồm ngôi nhà chính (3 gian, 2 chái), bao lam kiến trúc Huế, được xây dựng bằng chất liệu truyền thống với gạch, đá, gỗ, ngói… Nhà kích thước 14,4x15m; hầm bí mật được đặt trong phòng làm việc đồng chí Lê Duẩn; nội thất trong nhà (tủ quần áo, tủ thờ, bàn làm việc, giường ngủ…) và các hạng mục phụ: sân, hàng rào, cây xanh…

Bảo tồn giá trị lịch sử

Công trình do Sở VHTT&DL tỉnh làm chủ đầu tư, được khởi công vào ngày 30-9-2019, hoàn thành vào cuối tháng 3-2020 (sớm hơn dự kiến gần 10 ngày). Đây là công trình mang ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 60 năm Đồng khởi Bến Tre và chào mừng Đại hội Đảng các cấp. Việc phục hồi di tích nhằm bảo tồn dấu ấn lịch sử quan trọng, cũng như đáp ứng cho việc tham quan tìm hiểu của du khách.

Di tích Nơi ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn tại xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm.

Di tích Nơi ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn tại xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm.

Đại diện đơn vị thi công, ông Bùi Khắc Mùi - Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Phục chế công trình văn hóa (trụ sở tại Hà Nội) cho biết, cái khó trong quá trình thực hiện là công trình này không có hình ảnh gốc, chỉ có một mô hình được trưng bày tại di tích. Đơn vị thi công đã căn cứ vào mô hình ấy để tiến hành nghiên cứu. Đồng thời, thu thập thêm nguồn tư liệu từ con trai của ông Nguyễn Văn Trác, cũng như trao đổi xin ý kiến với Sở VHTT&DL, các nhà nghiên cứu lão thành của tỉnh. Từ đó, mới hình thành được bản thiết kế chính thức và tiến hành thực hiện.

Công trình được thực hiện bằng nguồn vật liệu có chất lượng cao, đảm bảo theo yêu cầu của Bộ VHTT&DL. Trong quá trình thi công, đơn vị thi công nhận được sự góp ý, đồng hành của bác Mười - con trai ông Nguyễn Văn Trác. Cho đến nay, công trình đã hoàn thành, tiến độ vượt kế hoạch. “Bản thân tôi có nhiều tình cảm với quê hương Bến Tre thông qua nhiều lần tôi có dịp làm việc tại Bến Tre khi thực hiện các công trình tại tỉnh”, ông Mùi chia sẻ.  

“Lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo Sở VHTT&DL rất quan tâm đến những công trình có ý nghĩa giáo duc truyền thống lịch sử cho các thế hệ sau. Đây là một điều rất đáng trân trọng. Xuất phát từ tấm lòng đối với Bến Tre cũng như trách nhiệm của mình đối với công trình này, chúng tôi đã dành trọn tâm sức để thực hiện công trình đạt chất lượng tốt nhất. Tôi kỳ vọng, công trình văn hóa - lịch sử này sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, về lịch sử quê hương cho các thế hệ. Đặc biệt, các cháu thanh thiếu niên hiểu hơn về truyền thống cách mạng của Bến Tre, về bác Tổng Bí thư Lê Duẩn”, ông Bùi Khắc Mùi bộc bạch.

Ngày 18-8-2020, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam đã đến tham dự nghiệm thu, bàn giao công trình phục hồi di tích quốc gia ngôi nhà ông Nguyễn Văn Trác, nơi ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn.

Phó bí thư Thường trục Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam cùng các đại biểu đã thắp hương bàn thờ đồng chí Lê Duẩn, tham quan di tích. Ông Nguyễn Văn Khinh - con trai ông Nguyễn Văn Trác đã bày tỏ niềm vui và cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo các cấp với di tích nhà cha ông. Ông Khinh cho rằng, việc phục dựng giống đến 99% ngôi nhà cũ.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam mong rằng ngành văn hóa, địa phương cùng gia đình tiếp tục bảo quản tốt, cũng như làm tốt công tác thuyết minh phục vụ du khách và phát huy giá trị di tích trong giáo dục các thế hệ.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN