Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Ðề cao tính tiên phong, gương mẫu trong công tác, cuộc sống

09/04/2018 - 07:06

BDK - Qua gần 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cùng nhiều địa phương trong tỉnh, huyện Ba Tri đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong học tập và làm theo Bác. Từ đó, góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện.

Một việc làm bằng trăm lần nói

Nhắc đến ông Phạm Thành Trung - Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp An Quí 1, xã An Hòa Tây, người dân trong ấp đều biết đến ông với biệt danh “Trung lì” nhưng không ngơi lời biểu dương, thán phục.

Từng là cá nhân không đồng tình chuyện hiến đất làm giao thông nông thôn, nhưng được ông Phạm Thành Trung vận động, thuyết phục, anh Trần Văn Tấn tự nguyện hiến 300m2 đang cho thuê nuôi tôm cùng chính quyền địa phương thi công tuyến lộ Tổ nhân dân tự quản (NDTQ) số 6 của ấp. Theo anh Tấn, ông Trung là người rất “lì”, nhưng cái “lì” của ông đáng kính vì ông luôn kiên trì vận động người dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn. Nhờ tính chịu khó, nhẫn nại, ông Trung đã đủ sức thuyết phục gia đình anh góp 300m2 đất xây dựng đường.

An Quí 1 là ấp xa trung tâm xã, nằm ven sông Hàm Luông, điều kiện giao thông vô cùng khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thủy triều dâng cao. 637 hộ dân với 2.720 nhân khẩu trong ấp phải chịu cảnh đường lầy lội mỗi khi mùa mưa tới. Trong những năm qua, với vai trò Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, ông Trung luôn quan niệm “một việc làm bằng trăm lần nói”, ông luôn ý thức và đi đầu trong mọi phong trào của địa phương. Nhờ đó, ông đã tạo uy tín, niềm tin và thuyết phục được người dân cùng tham gia.

Bản thân ông đã vận động gia đình, người thân đóng góp 130m2 đất để mở rộng tuyến đường tổ NDTQ số 6 và đóng góp 80 triệu đồng tiền mặt. Tính tiên phong của ông Trung đã góp phần dấy lên phong trào tình nguyện hiến đất trong đông đảo người dân. Từ đó, thông qua các cuộc vận động, đều nhận sự đồng thuận cao của nhân dân. Cụ thể, ông vận động người dân đóng góp ngày công lao động, hoa màu và đất để xây dựng giao thông nông thôn, tổng giá trị trên 100 triệu đồng. Nhiều trường hợp, hoàn cảnh đau bệnh trong ấp ông sẵn sàng cho mượn tiền điều trị.

Chia sẻ việc làm của mình, ông Nguyễn Thành Trung cho hay: “Tôi như bao người dân khác, được làm việc có ích cho dân đó là quyền, nghĩa vụ và cũng là niềm vui. Trong công tác vận động, tôi luôn ý thức tinh thần trách nhiệm và điều quan trọng trước tiên là nêu gương, thuyết phục người dân bằng sự chân thành nhất”.

Với tinh thần trách nhiệm trong công tác, ông Trung đã đi đến từng gia đình để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và khó khăn, vướng mắc để cùng chia sẻ. Ông Trung cũng tuyên truyền, vận động trong gia đình thực hiện tốt quy ước ấp văn hóa, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bản thân ông không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và tư tưởng chính trị. Nhờ vậy, ông luôn là trung tâm đoàn kết, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào tại địa phương.

Vì lợi ích toàn dân

Tôi đến ấp An Thạnh, xã An Ngãi Trung đúng vào thời điểm chính quyền đang giải tỏa hành lang mở rộng tuyến đường ĐX 01, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn. Tuyến đường ĐX 01 được khởi công từ tháng 10-2016 với thiết kế chiều dài 3km, rộng 3,5m, kinh phí xây dựng được Nhà nước hỗ trợ nằm trong dự án mở rộng nâng cấp tuyến đường ĐX 01. Việc triển khai và vận động nhân dân góp công sức để xây dựng được hầu hết người dân đồng thuận, nhưng khi giải phóng mặt bằng, do ảnh hưởng quyền lợi cá nhân nên một số hộ kiên quyết không hiến đất để mở đường.

Nhận thức được mục đích và ý nghĩa của việc xây dựng giao thông nông thôn, ông Cao Văn Ngon - người dân ấp An Thạnh đồng thời là hội viên Hội Nông dân xã đã tự nguyện cắt 15 cây dừa đang cho trái và đóng góp 133m2 đất trồng cây lâu năm, ước tính trị giá trên 74 triệu đồng, để bàn giao mặt bằng cho xã mà không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào.

Theo ông Cao Văn Ngon, mặc dù thời điểm đó dừa là nguồn thu nhập của gia đình nhưng để tạo điều kiện cho bà con trong xóm có điều kiện đi lại dễ dàng nên ông sẵn sàng đóng góp. “Thấy con cháu đi học khó khăn trong mùa mưa, tôi xót lắm. Từ đó, vợ chồng tôi bàn nhau góp đất cùng địa phương nâng cấp mở rộng lộ làng, giúp các cháu học sinh thuận lợi đến trường”, ông Ngon cho biết.

Bỏ qua lợi ích của bản thân, ông Cao Văn Ngon đã góp phần cùng ban, ngành, đoàn thể xã giải phóng mặt bằng nhằm tạo thuận lợi cho việc thi công tuyến đường. Từ việc làm của ông Ngon, nhiều hộ dân ven đường cảm phục, tự nguyện tháo dỡ các công trình nhà cửa và chặt bỏ dừa, xoài để làm đường. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Ông Cao Văn Ngon là cá nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn, đồng thời gương mẫu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông sống rất giản dị, tích cực tham gia và chấp hành tốt mọi chủ trương của địa phương.

Ngoài ra, ông Ngon cùng chính quyền vận động, kêu gọi các hộ dân tham gia chung tay xây dựng giao thông. Hiện tại, trên tuyến đường ĐX 01 còn 1 hộ chưa đồng thuận nên việc giải tỏa còn gặp khó khăn. “Tinh thần vì cộng đồng của ông Cao Văn Ngon sẽ là gương sáng ở ấp An Thạnh nhằm cổ vũ, khích lệ người dân thực hiện tốt các phong trào của địa phương trong thời gian tới”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa hy vọng.

Niềm vui khi được cho đi

Cùng nằm trên tuyến đường ĐX 01 của xã An Ngãi Trung, đất và vườn với trên 600m2 của bà Phạm Thị Kim Phượng - ấp An Nhơn thuộc vùng giải tỏa mở rộng nâng cấp tuyến đường. Mặc dù thu nhập hàng tháng chưa tới 1 triệu đồng từ thù lao công tác xã hội và chăn nuôi nhưng bà Phạm Thị Kim Phượng không ngần ngại đóng góp đất, hoa màu để xây dựng giao thông.

Là người nông dân, bà Phượng xác định phải bám đất, bám làng. Mặc dù các con của bà ở Đồng Nai có ý định đón bà về ở chung, nhưng bà vẫn kiên quyết ở lại quê nhà để lao động. Khi xã phát động phong trào hiến đất làm giao thông nông thôn, bà Phượng là một trong số cá nhân tiên phong ký tên chấp thuận hiến đất.

Bà Phượng chia sẻ: “Sống biết bao nhiêu mà đủ. Vui là khi còn sống và cống hiến”. Theo suy nghĩ của bà, phần diện tích đất của gia đình bà mất đi nhưng được lợi cho nhiều người thì xứng đáng. Qua việc làm của bà Phượng, các hộ lân cận đồng thuận, thống nhất hiến đất làm đường, góp phần giảm đáng kể kinh phí trong xây dựng tuyến đường trên địa bàn, đồng thời thúc đẩy phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn trên toàn xã An Ngãi Trung.

Từ những suy nghĩ đẹp đến hành động đẹp và ý nghĩa trong cộng đồng, những tấm gương ấy đã tạo sức lan tỏa rộng khắp, góp phần tác động tích cực đến việc rèn luyện, học tập theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác ở huyện Ba Tri thời gian qua. Kết quả, đến nay, huyện Ba Tri có 158 gương điển hình học tập và làm theo Bác.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN