Hội thảo khoa học “Hoạt động và ảnh hưởng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Bến Tre”

15/12/2020 - 19:35

BDK - Ngày 15-12-2020, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Huyện ủy Mỏ Cày Nam và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoạt động và ảnh hưởng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Bến Tre”, tại chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, nhân kỷ niệm 91 năm ngày mất của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (27-11-1929 - 27-11-2020) và khánh thành Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại chùa Tuyên Linh.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến, các đồng chí lãnh đạo về hưu, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà Phật học đã đến dự.

Chủ trì hội thảo, từ trái qua: Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến, Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thích Nhựt Tấn. Ảnh: H.Hiệp

Chủ trì hội thảo, từ trái qua: Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến, Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thích Nhựt Tấn. Ảnh: H.Hiệp

Hội thảo quy tụ, tập hợp được 36 tham luận với nhiều ý kiến khác nhau của các học giả, nhà nghiên cứu, nhà Phật học trong và ngoài tỉnh, nhất là ở những tỉnh mà cụ Phó bảng từng đặt chân đến, là những nhà nghiên cứu am tường về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cơ bản đáp ứng yêu cầu kế hoạch đề ra. Hội thảo là nơi tập hợp kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học kết hợp điền dã về thời gian hoạt động và ảnh hưởng của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong phong trào yêu nước và phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ trong hai thập niên đầu của thế kỷ XX. Hội thảo khái quát chung nhất về: cuộc đời, sự nghiệp và hoạt động trên vùng đất Nam kỳ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; hoạt động yêu nước và ảnh hưởng của cụ ở Bến Tre; bảo tồn, phát huy giá trị Di tích chùa Tuyên Linh và Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Nguyễn Sinh Sắc - Người cha của vĩ nhân Hồ Chí Minh trong lòng người dân Nam Bộ.

Theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến, hội thảo còn có ý nghĩa quan trọng là “Ôn cố để tri tân”, làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa quốc gia chùa Tuyên Linh gắn với Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vừa mới hoàn thành. Đảng bộ và nhân dân Bến Tre rất mong hội thảo có những kiến giải sâu sắc, khách quan, toàn diện về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong thời gian hoạt động và ảnh hưởng trực tiếp của cụ đến phong trào yêu nước, trong đó có phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bến Tre để đúc kết thành bài học lịch sử, văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước tại địa phương. Đồng thời, đề xuất những giải pháp khoa học, khả thi để gìn giữ, phát huy những giá trị vật chất, tinh thần quý giá ấy, đặc biệt là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia chùa Tuyên Linh và Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong giai đoạn hiện nay và cả mai sau.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Nguyễn Thị Hồng Nhung đã nêu: Đảng bộ và nhân dân huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam) rất vinh dự và tự hào khi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chọn vùng đất Mỏ Cày, chùa Tuyên Linh làm nơi hoạt động yêu nước. Lòng yêu nước, nhân cách, nghĩa cử cao đẹp, gần gũi, thân thương của cụ cùng với tinh thần Đồng Khởi năm 1960 đã góp phần hun đúc, bồi đắp nên tinh thần, truyền thống tốt đẹp của con người Mỏ Cày, Bến Tre. Khánh thành Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc và hội thảo là việc làm thiết thực và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa để tôn vinh các bậc tiền bối có công với quê hương, đất nước, vừa để làm bài học quý giá cho các thế hệ mai sau, đồng thời để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích trong thời gian tới.

Hòa thượng Thích Như Niệm - Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Pháp Hoa, TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ nội dung với chủ đề “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - người cha của vĩ nhân Hồ Chí Minh trong lòng người dân Nam Bộ”. Trong đó, có đề cập cuộc trò chuyện giữa cụ Phó bảng và con trai Nguyễn Tất Thành với chi tiết: Thấy sức khỏe của cha ngày càng suy giảm, Nguyễn Tất Thành rất đau lòng, nhưng cũng chỉ bộc bạch được cùng cha vài câu ngắn ngủi trước lúc chia tay: “Cha đã hy sinh cho con suốt bao năm dài, nuôi dưỡng, dạy dỗ, dìu dắt con từng bước đường đời. Nay đã từng tuổi này, chưa kịp báo quả thực là bất hiếu, con ra đi mà chưa yên lòng”. Nghe con chia sẻ, cụ Phó bảng tuy vô cùng xúc động nhưng vẫn kìm lòng, nhẹ nhàng động viên con: “Nước mất thì lo mà cứu, con chỉ có một việc đó phải làm, cứu nước tức là hiếu với cha rồi đó. Con hãy mạnh dạn lên đường, cha chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn này để trông tin con”. Khi biết tin Nguyễn Tất Thành đã sang Pháp, cụ Nguyễn Sinh Sắc yên tâm với nghề dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cứu người ở đất Nam kỳ lục tỉnh để ngày đêm ngóng tin con báo về. Cụ đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử đấu tranh yêu nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Đồng Tháp nói riêng và Nam Bộ nói chung trong sự nghiệp kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Ngữ chia sẻ thêm, thế hệ hôm nay không phải là nhân chứng lịch sử mà là những người cảm thụ về lịch sử, đó là niềm vinh dự cho thế hệ hôm nay. Thật quý giá biết bao dấu chân người xưa còn in lại trên mảnh đất Tuyên Linh. Nơi đây, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cùng Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã nhen lên bếp lửa hồng thắp sáng lòng yêu nước, đề ra những triết lý và gửi thông điệp rộng rãi cho mọi người, mọi thế hệ chấn hưng nền Phật giáo Việt Nam. Ông Trần Công Ngữ bày tỏ: “Chúng ta có quyền tự hào về lòng dân Bến Tre với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chùa Tuyên Linh từ khi xây dựng đến nay đã được 159 tuổi. Trải qua bao phong ba bão táp và khắc nghiệt của chiến tranh, những dấu ấn lịch sử đã để lại cho ta vô cùng quý giá, nơi đây đã tỏa ra một loại hào quang đặc biệt, đó là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần chấn hưng Phật giáo Việt Nam”.

Các ý kiến tham luận đều thống nhất cụ đến Bến Tre chủ yếu thông qua mối giao tình và người gặp trước tiên là sư Khánh Hòa, trụ trì chùa Tiên Linh (Tuyên Linh) để đàm đạo và bàn về việc chấn hưng Phật giáo. Ngoài địa điểm chính là chùa Tiên Linh, cụ sang Ba Tri viếng mộ cụ Đồ Chiểu. Có tác giả còn cho là cụ cũng từng đến viếng mộ cụ Võ Trường Toản. Cụ từng cùng Trần Hữu Chương, đảng viên Tân Việt cách mạng Đảng đến chùa Tiên Linh để gầy dựng cơ sở cách mạng, mở lớp học cho thanh niên và cả những người trong tổ chức hội kín Nguyễn An Ninh. Ngoài ra, thời gian ở Bến Tre, cụ cũng đến làng An Hội (nay là TP. Bến Tre) để gặp và hàn huyên với chí sĩ Nguyễn Quyền trong thời gian bị Pháp “an trí” ở Bến Tre. Lúc ở chùa Tiên Linh, cụ sinh sống, dạy học, xem mạch, hốt thuốc cho dân nghèo.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng cho rằng, các tham luận đều thống nhất là cần tiếp tục quan tâm phối hợp giáo dục truyền thống yêu nước với truyền thống “tốt đời, đẹp đạo” của các tôn giáo yêu nước, trong đó có đạo Phật. Cấp ủy địa phương có hướng bảo tồn, phát huy Di tích chùa Tuyên Linh và Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, xem đây là một trong những điểm nhấn trong phát triển du lịch của Mỏ Cày Nam nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, bảo tồn, định hướng phát triển du lịch, trong đó có du lịch tâm linh, xây dựng một số tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh gắn với chùa Tuyên Linh và Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Biểu diễn văn nghệ ca ngợi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: A. Nguyệt

Biểu diễn văn nghệ ca ngợi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: A. Nguyệt

Tại hội thảo, có tác giả mạnh dạn đề nghị đưa chùa Tuyên Linh vào chương trình dạy học lịch sử. Các trường cao đẳng, trường chính trị ngoài việc đưa vào nội dung giảng dạy, bên cạnh các “địa chỉ đỏ” cần thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, về nguồn gắn với Di tích chùa Tuyên Linh và Khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc để tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần đạo pháp đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo qua các thời kỳ.

“Hội thảo khép lại nhưng còn nhiều chỗ chưa thống nhất cần tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được các kiến giải, phát hiện mới về cuộc đời và hoạt động liên quan đến cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đặc biệt là trên vùng đất Bến Tre để làm rõ, tường minh những vấn đề mà hội thảo còn tồn nghi... Trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, chư tôn đức, chức sắc, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị đã quan tâm dành thời gian đến dự, tham gia tham luận góp phần vào sự thành công của hội thảo” - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng phát biểu.

Nguyễn Sinh Sắc là một nhân vật lịch sử sinh ra, trưởng thành trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm chiếm và từng bước biến nước ta thành thuộc địa nửa phong kiến. Cụ không phải là người hoàn toàn thất chí, chạy trốn thực tại mà luôn tích cực hoạt động yêu nước theo cách riêng của mình. Và trên hành trình truân chuyên đi tìm hồn của nước ấy, cụ đã đặt chân và tích cực hoạt động trên vùng đất Bến Tre mà các tác giả đã tích cực tìm tòi, tra cứu các nguồn sử liệu để đóng góp cho hội thảo những thông tin quý báu, xác đáng. Từ hội thảo có thể thấy về cuộc đời, sự nghiệp và hành trang của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Cụ là một nhà nho khoa bảng, một nhà giáo, một thầy thuốc có nhân cách, thương người, một nhà Phật học uyên thâm và là một nhà hoạt động yêu nước dấn thân theo cách của mình.

Hữu Hiệp - Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN