Kiểm soát hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính

22/07/2019 - 06:47

BDK - Năm 2018, xã Định Trung (Bình Đại) đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính (MCBGT) khi sinh cao nhất tỉnh. Với nhiều nỗ lực, trong 6 tháng đầu năm 2019, xã giảm sự chênh lệch và kiểm soát hiệu quả tình trạng MCBGT khi sinh.

Hoạt động truyền thông nhóm nhỏ về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Ảnh: Hoàng Oanh

Hoạt động truyền thông nhóm nhỏ về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Ảnh: Hoàng Oanh

50 bé trai/23 bé gái

Chị Hồ Trần Phương Thảo - Viên chức Dân số Trạm Y tế xã Định Trung cho biết, năm 2018, MCBGT trên địa bàn xã chênh nhau 27 bé, với tỷ số giới tính khi sinh là 50 bé trai/23 bé gái. Qua khảo sát, 73 cặp vợ chồng sinh con trong năm 2018 trên địa bàn đều cho rằng mình sinh tự nhiên, không có sự chọn lựa giới tính. Thực tế, có cặp vợ chồng ham con gái nhưng vẫn sinh con trai; trường hợp có 2 con trai hoặc 2 con gái/cặp vợ chồng.

Đơn cử vợ chồng chị Võ Thị Bé Hòa ở Ấp 2, đã có trước đó 1 bé trai và mong muốn lần sinh thứ 2 là bé gái để có nếp có tẻ nhưng lần cấn thai sau cũng là bé trai. Chị Bé Hòa cho hay: “Dù rất ham con gái nhưng gia đình chị không chọn lựa giới tính khi sinh, bởi việc sinh nở thời này khó khăn, sinh con ra khỏe mạnh bình an là hạnh phúc, trai hay gái cũng là con mình”.

Theo đánh giá của Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Bình Đại, đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa các cặp vợ chồng. Mặc dù vậy, để kiểm soát tình trạng MCBGT, huyện và xã đã tích cực triển khai, tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhóm, lồng ghép nội dung sinh hoạt của các tổ nhân dân tự quản tại các địa phương để vận động người dân từng bước thay đổi nhận thức và tư tưởng về sinh con trai, con gái. Đồng thời, hướng dẫn các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2019, xã Định Trung đã cải thiện được đáng kể tình trạng MCBGT khi sinh. Hiện, tỷ số giới tính khi sinh của xã bằng nhau trong 92 thai phụ được quản lý tại Trạm Y tế xã. “Bên cạnh sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể thì sự đồng thuận, ủng hộ từ phía người dân có vai trò rất quan trọng để xã tiếp tục thực hiện hiệu quả việc giảm thiểu MCBGT khi sinh. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm an sinh xã hội”, chị Hồ Trần Phương Thảo cho hay.

Phấn đấu không vượt mức 108 bé trai/100 bé gái

Thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGT khi sinh năm 2019, huyện Bình Đại phấn đấu giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính dưới mức 108 bé trai/100 bé gái vào năm 2020. Phó trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Bình Đại Nguyễn Quốc Phong cho biết, để thực hiện mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, huyện đẩy mạnh các hoạt động truyền thông như tổ chức nói chuyện chuyên đề, truyền thông nhóm nhỏ. Ngoài ra, trung tâm cũng đã phối hợp với ban, ngành, đoàn thể huyện tổ chức nói chuyện chuyên đề cho đoàn viên, hội viên nhằm cung cấp thông tin công tác dân số trong tình hình mới; nguyên nhân và hệ lụy của MCBGT khi sinh; những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi.

Huyện đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông về MCBGT khi sinh và mở rộng phạm vi truyền tải đến từng đối tượng. Từ đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể có liên quan trong công tác phối hợp đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới cũng như hiểu giá trị con trai, con gái như nhau.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh trong những năm gần đây của tỉnh luôn dao động và có chiều hướng tăng trên mức bình thường. Một số địa phương có tỷ số giới tính số bé trai/100 bé gái khi sinh ở mức cao như: Bình Đại (123 bé), Thạnh Phú (116), Mỏ Cày Bắc (114), Châu Thành (111). Để kiểm soát MCBGT, chi cục đã tập trung nhiều giải pháp tuyên truyền. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGT khi sinh tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu đề án phấn đấu đến năm 2020, đưa tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh không vượt mức 108 bé trai/100 bé gái sinh ra.

 “Chi cục đã hướng dẫn các huyện, thành phố tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về nguyên nhân, hệ lụy của MCBGT khi sinh. Đặc biệt là các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Qua đó, phê phán tình trạng trọng nam, khinh nữ, nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội cũng như góp phần khống chế tình trạng MCBGT”, Phó giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ tỉnh Đỗ Thị Kiên Trinh cho biết.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN