Lời dặn dò của chú Hai Nghĩa với lực lượng Công an Bến Tre

24/02/2021 - 07:40

BDK - Còn nhớ, cách đây gần 2 năm, nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Công an tỉnh Bến Tre tổ chức chương trình giao lưu, kể chuyện truyền thống với chủ đề “Ký ức mùa xuân đại thắng”, chú Hai Nghĩa đã đến dự và có bài phát biểu, mà theo chú chỉ là để trao đổi, nhưng với lực lượng Công an tỉnh, đó là những lời căn dặn, chỉ bảo hết sức chân tình, đầy tình thương và trách nhiệm của người đi trước.

Chú Hai Nghĩa phát biểu và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Công an Bến Tre các thời kỳ và các khách mời tham dự buổi giao lưu “Ký ức mùa xuân đại thắng”. Ảnh: Thanh Trúc

Chú Hai Nghĩa phát biểu và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Công an Bến Tre các thời kỳ và các khách mời tham dự buổi giao lưu “Ký ức mùa xuân đại thắng”. Ảnh: Thanh Trúc

Hôm ấy, chú Hai rất vui vì thấy lực lượng Công an tỉnh đã có bước phát triển rất lớn. Chú nói: Trước đây, tôi biết Công an Bến Tre khó khăn lắm, mọi thứ từ nơi ăn, ở đến phương tiện công tác đều thiếu thốn. Các lực lượng đóng quân phân tán nhiều nơi, việc đi lại rất khó khăn. Giờ đây, cơ ngơi của các đồng chí tương đối khang trang, đó là điều tôi rất vui và cũng mong các đồng chí cố gắng làm sao duy trì cơ sở vật chất này, giữ cho nó đẹp mãi. Vì để có được điều kiện làm việc tốt như hôm nay là do tiền của của nhân dân, do đó chúng ta phải trân quý, giữ gìn, các đồng chí phải sử dụng nó cho thật có ý nghĩa, sử dụng nó để phục vụ nhân dân. 

Khi nhắc đến công tác giáo dục truyền thống, chú Hai lưu ý: “Trước hết cần phải chuẩn bị kỹ về nội dung, sao cho thật có ý nghĩa và phải đi vào lòng người, để khơi dậy tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong lớp trẻ hôm nay, góp phần xây dựng con người mới vừa hồng, vừa chuyên, làm sao để qua những lần học tập truyền thống thì người tốt càng tốt hơn, người chưa tốt lắm trở thành người tốt. Có như vậy thì xã hội ta, đất nước ta mới phát triển tốt đẹp được. Chúng ta có rất nhiều sự kiện cần phải tuyên truyền, cần phải khơi gợi và chuyển tải đến thế hệ trẻ. Ngay bây giờ, các đồng chí phải cố gắng nắm lại đầy đủ các sự kiện, nếu không mai mốt các đồng chí lão thành cách mạng yếu hết, thì rất khó thu thập thông tin. Các đồng chí phải ghi lại đầy đủ những sự kiện đó, mà đặc biệt là phải thống nhất về ngày giờ, địa điểm, kể cả những con người cụ thể liên quan đến sự kiện đó cũng phải có sự thống nhất, chính xác. Vì đó là lịch sử, để các thế hệ sau còn nghiên cứu, học tập. Đối với các đồng chí lên kể chuyện truyền thống không nên kể một chiều, mà cần phải nói nhiều chiều, kể cả nói lên những cái khó, cái mất mát, hy sinh của ta trong chiến tranh để cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được cái giá của hòa bình, độc lập, thống nhất là rất to lớn, phải quyết tâm gìn giữ”.

Khi nói về truyền thống của quê hương Bến Tre, chú Hai rất phấn chấn và xúc động. Chú bộc bạch: “Đất và người Bến Tre mình hay lắm, có nhiều chuyện để nghiên cứu, soi rọi và suy ngẫm. Sở dĩ anh em Bến Tre ở đâu cũng lập được nhiều thành tích tốt, theo tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân sâu xa là do ảnh hưởng truyền thống đặc biệt của vùng đất này. Nhà giáo Võ Trường Toản, là người ở Gia Định, chết chôn ở đất Gia Định, thì chính Phan Thanh Giản đã cùng với các bạn của ông lên lấy cốt cụ Võ Trường Toản, đem về chôn ở Ba Tri. Người ta nói Ba Tri là mảnh đất linh thiêng, là mảnh đất nhân hậu, mảnh đất sống có nghĩa, có tình, nên Phan Thanh Giản mới đem cụ Võ Trường Toản về chôn. Thời kỳ đó, có nhiều nhân vật nổi tiếng mà chúng ta không thể nào quên được, như cụ Phan Văn Trị. Lúc giặc Pháp vào xâm chiếm nước ta thì Tôn Thọ Tường ôm chân Pháp, giằng xéo lên ông bà tổ tiên của chúng ta, Phan Văn Trị có nói một câu mang tính nhân sinh quan cách mạng là: “Chớ cậy hơi hùm rung nhát khỉ / Lòng ta sắt đá há lung lay”. Câu thơ đó như một lời hịch, tuyên bố cho Tôn Thọ Tường biết rằng, các người đừng có hống hách, nói cho thiên hạ biết rằng trong nhân gian này còn rất nhiều người yêu nước. Những câu thơ đó về sau này đã thấm vào lòng những người cán bộ, đảng viên, giúp họ giữ vững khí tiết và tinh thần chiến đấu.

Chúng ta đều biết, cụ Nguyễn Đình Chiểu không phải là dân Bến Tre mà là người miền Trung. Cụ rời quê hương, sống ở nhiều nơi nhưng rồi lại chọn Bến Tre là nơi dừng chân cuối cùng của cuộc đời mình. Cụ Nguyễn Đình Chiểu sống rất nhân hậu và đầy khí phách. Cái nhân cách của cụ, cái khí phách của cụ thể hiện rất rõ trong từng tác phẩm văn chương mà tiêu biểu nhất là mấy câu thơ để đời, rất mộc mạc, chất phác: “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ”; “Dầu đui mà khỏi danh nhơ/ Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình”.

Và trước khi chết, cụ Nguyễn Đình Chiểu còn căn dặn: “Khi tôi chết hãy đặt chân tôi về hướng Tây, để con cháu sau này thấy rằng, một người mù như tôi sống đạp đầu Tây, chết cũng đạp đầu Tây”. Khí phách đó không phải một sớm một chiều mà có được, nó phải được hun đúc, nuôi dưỡng trong suốt một thời gian dài, từ khi cụ còn rất trẻ, nó chỉ xuất phát từ những người có tinh thần yêu nước, thương đồng bào và căm thù quân cướp nước mạnh mẽ như cụ. Khi cụ mất, nhân dân Ba Tri chít khăn tang trắng đi rợp cả cánh đồng để đến đốt nén hương tiễn cụ. Đối với cụ Phan Thanh Giản, tuy trước nay có nhiều đánh giá khác nhau nhưng gần đây người ta bắt đầu hội thảo nghiên cứu và đã có nhiều ý kiến đánh giá rất hay về cụ. Một nhà thơ đương đại đã viết về cụ như sau: “Phan Thanh Giản nuốt hờn pha thuốc độc/ Bởi xâm lăng bắt nhượng nước non này”.

Bến Tre là vậy đó, đất Bến Tre đã vun đắp, tôi luyện cho người Bến Tre thành nhân, thành tài và người Bến Tre đã góp phần làm rạng rỡ thêm cho mảnh đất Bến Tre kiên cường”.

Nói về công tác tư tưởng trong lực lượng công an, chú Hai nhấn mạnh: Công tác tư tưởng thời nào cũng rất quan trọng. Ngày xưa, vào những năm tháng chiến tranh ác liệt, lúc đó đi theo cách mạng là kể như hy sinh, tham gia lực lượng vũ trang như: an ninh, quân sự thì chuyện chết chóc xảy ra hàng ngày nhưng mà nhờ những câu thơ, những điệu nhạc, những bài ca đầy khí thế hào hùng đã thúc giục thanh niên hăng hái tham gia và sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Đó chính là sức mạnh và tầm quan trọng của công tác tư tưởng. Vì vậy, cấp ủy và chỉ huy các cấp của Công an Bến Tre phải củng cố lực lượng làm công tác tư tưởng trở thành một lực lượng sắc bén, tiên phong và phải xem công tác tư tưởng là một mặt trận, nghĩ như vậy và phải hành động quyết liệt thì chúng ta mới giữ vững được trận địa tư tưởng, còn nếu không, để ai muốn nói gì nói là không được.

Chú Hai cũng lưu ý lực lượng Công an Bến Tre về công tác cán bộ: “Trên đời này ít có ai mà toàn diện cả. Một đại danh hào của Pháp nói một câu rất đơn giản nhưng tôi thấy rất có ý nghĩa, đại ý là: Nhìn con người phải như nhìn ngọn hải đăng, nên thấy luồn ánh sáng lan tỏa của nó, chứ đừng nhìn bóng tối bao quanh. Tiếc là nhiều khi chúng ta nhìn anh em cán bộ mình toàn nhìn bóng tối bao quanh không thì khó lắm. Trong cuộc đời, ai cũng sẽ có lần vấp ngã. Lỡ té, bị chấn thương, uống thuốc rồi cũng sẽ hết nhưng trong lãnh đạo, nếu lỡ một lời nói không tốt với cấp dưới, với lực lượng trẻ là khó lắm. Chúng ta cố gắng đối nhân xử thế cho tốt, quan hệ giữa người trên kẻ dưới phải thận trọng. Khi nhận xét, đánh giá hay nói về một người nào đó, nên lựa chọn từ ngữ hay thì hãy nói chứ còn nói như xát muối vào mặt người ta, xát muối vào vết thương của người ta thì ai chịu nổi, cái đó không nên, mà phải nói sao cho êm, thấm vào lòng người như từng giọt nước rơi chậm chậm, thấm từ từ vào lòng người để dần dần người ta thấu hiểu và hối cải, lúc đó người ta sẽ quý, phục mình hơn”.

Chú Hai Nghĩa thân thương của lực lượng Công an Bến Tre giờ đây đã đi xa, nhưng những tình cảm và sự quan tâm của chú đối với lực lượng Công an tỉnh nhà vẫn còn mãi. Cán bộ, chiến sĩ Công an Bến Tre nguyện sẽ noi gương chú và xin hứa sẽ ghi nhớ và thực hiện nghiêm túc những lời chỉ huấn của chú, để xứng đáng là người con của quê hương Bến Tre Đồng Khởi anh hùng, luôn sống trọn nghĩa, vẹn tình với dân, với nước như chú hằng trông đợi.

Trong một lần dự buổi sinh hoạt truyền thống với tuổi trẻ Công an tỉnh, chú Hai đã ân cần căn dặn:

“Nói đến tuổi trẻ thì phải gắn liền với ước mơ, hoài bão nhưng muốn đạt được ước mơ và hoài bão thì tuổi trẻ cần phải có nghị lực. Nên tôi mong lực lượng trẻ chúng ta hôm nay, muốn vươn lên thì phải có nghị lực; mong các đồng chí có nghị lực cao hơn. Tôi có đọc một vài quyển sách, người ta tổng kết trên đời này có nhiều thứ quý lắm, trong đó có nghị lực. Khi có nghị lực thì chúng ta mới vượt qua gian nan, trở ngại.

Trên đời này có nhiều thứ quý, nhưng quý nhất là con người. Trong con người thì quý nhất là sức khỏe. Mỗi người phải tự rèn luyện cho mình có sức khỏe tốt. Có sức khỏe tốt thì mới tính đến chuyện bồi dưỡng và nâng cao năng lực công tác, phát huy khả năng tư duy.

Thứ hai là mình phải có trí tuệ, không có trí tuệ thì làm việc không được, nên chúng ta phải ráng học, học ngày, học đêm, học như Bác Hồ dạy là: Học tập, học tập và học tập; học như Lênin là: Học, học nữa, học mãi. Thanh niên phải cố gắng học để có kiến thức, học để làm người, để công tác tốt hơn. Lực lượng công an, đặc biệt là các đồng chí trẻ là phải học, bớt chơi lại, tranh thủ thời gian rảnh để học và tự học, phải cố gắng đọc nhiều sách, làm sao phải có những quyển sách đầu giường.

Thứ ba là thời gian. Thời gian qua nhanh lắm, nên nếu muốn làm việc gì đó thì phải tranh thủ, phải chạy đua với thời gian, không nên bê trễ. Các đồng chí trẻ phải biết tận dụng quỹ thời gian còn nhiều của mình để tranh thủ học tập, làm việc và cống hiến. Nói vậy không có nghĩa là bắt các đồng chí suốt ngày phải làm việc, rồi học mà không được vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, chúng ta vui chơi phải có chừng mực, chúng ta cũng phải dành thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức lực. Khi còn trẻ, chúng ta phải tranh thủ học thật nhiều, phải nghiên cứu nâng trình độ mình lên, để cống hiến cho xã hội nhiều hơn, thanh niên hiện đại là phải thư thế”.

Thanh Liêm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN