Lọng sườn hay lọng sường?

15/06/2020 - 07:07

BDK - Thư ngỏ về việc vận động gây quỹ xây dựng tượng Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, của ngôi trường THPT duy nhất ở Bến Tre mang tên bà - Trường THPT Sương Nguyệt Anh, Phú Ngãi, Ba Tri, có nội dung ghi lại hai câu: “Lọng sườn dầu rách, còn kêu lọng/ Ô bịt vàng ròng vẫn tiếng ô!”.

Tác giả và ông Nguyễn Quang Trị - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bên bia mộ Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Ảnh: M.T

Tác giả và ông Nguyễn Quang Trị - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bên bia mộ Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Ảnh: M.T

Tôi thấy có điều gì đó chưa ổn. Dịp về xã An Đức (Ba Tri) mới đây, tôi cùng nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Quang Trị đến khu lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu, ghi nguyên văn câu chữ chạm khắc trên bia mộ nữ sĩ Sương Nguyệt Anh: “Lọng sường dầu rách, còn kêu lọng/ Ô bịt vàng ròng cũng tiếng ô”. Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, nhũ danh Nguyễn Ngọc Khuê. Hưởng thọ 58 tuổi. Từ trần ngày 12 tháng 12 năm Tân Dậu 1922”.

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (sinh năm 1864) khi mất được an táng chính nơi bà sinh ra tại xã Mỹ Nhơn (Ba Tri). Năm 1959, người thân, cháu và bà con địa phương cải táng, di dời về nằm bên cạnh mộ hai cụ thân sinh ở An Đức (Ba Tri) như hiện nay.

Tôi tìm quyển Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam, từ năm 1757 - 1945, xuất bản năm 1971, của học giả Nguyễn Duy Oanh, trang 314 ghi: “Lọng sườn dù rách, còn kêu lọng/ Ô bịt vàng ròng tiếng cũng ô”.

Năm 1988, kỷ niệm lần thứ 166 năm ngày sinh và 100 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, tác giả Nguyễn Nhị Hà (hiện là GS.TS Nguyễn Chí Bền) và Lê Minh Trí, đã sưu tập, biên soạn, xuất bản quyển Ba Tri và Thơ văn. Trang 36, tập sách này, bài thơ Cái Lọng cũng ghi: “Lọng sường dù rách, còn kêu lọng/ Ô bịt vàng ròng cũng tiếng ô”.

Vậy nên hiểu thế nào cho chính xác, chính nghĩa như nữ sĩ viết - Lọng sườn hay lọng sường - còn kêu lọng?

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, truyền nhân của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Là nữ sĩ, người phụ nữ làm chủ bút báo đầu tiên của Việt Nam, làm thầy thuốc, dạy học, cả việc mù lòa đôi mắt, cuộc đời biến động, thăng trầm nhưng đầy thanh cao, tiết hạnh. Lọng sườn (rách) kêu lọng; ô có bịt vàng ròng - đồng âm “ô”- ô dù, ô danh, ô trọc… cũng tiếng ô!

Dưới tựa bài thơ Cái Lọng, trong quyển Ba Tri và Thơ văn, chúng tôi mở đóng ngoặc câu: Trả lời một người trêu ghẹo sau khi chồng mất - người trêu ấy là ông thầy Bảy Nguyện ở Mỏ Cày, với bài tứ tuyệt thách lòng tiết liệt của nữ sĩ: “Ai về nhắn với Nguyệt Anh cô/ Chẳng biết lòng cô tính thế mô?/ Không phải vãi chùa toan đóng cửa/ Đây lòng gấm ghé bắc cầu Ô”.

Nữ sĩ họa lại tức thì: “Chẳng phải tiên cô cũng đạo cô/ Cuộc đời dâu bể biết là mô?/ Lọng sương dầu rách còn kêu lọng/ Ô bịt vàng ròng cũng tiếng ô/ Phải thời cô quả chịu thời cô/ Chẳng biết tuồng đời tính thế mô?/ Dòm thấy bụi trần toan đóng cửa/ Ngọc lành chi để thẹn danh ô”.

Trường THPT Sương Nguyệt Anh ghi “Lọng sườn”, cùng chữ với Nhà Bến Tre học Nguyễn Duy Oanh (lọng sườn). Tác giả sưu tầm, biên soạn quyển Ba Tri và Thơ văn chép “lọng sường” giống bia mộ của Nữ sĩ (lọng sường). Không ít sách, báo, tạp chí, trang điện tử “ghi nhằm” hay “tam sao thất bổn” về từ này.

Chính học giả Hồ Hữu Tường, người đầu tiên nhận biết, khẳng định đầy lý lẽ thuyết phục về lọng sườn, lọng sường - là lọng sương. Ông nêu ra câu ca dao tuyệt mỹ mà nữ sĩ chăm tỉa, gửi gắm nỗi niềm riêng, đó là: “Lọng che sương dầu sườn cũng lọng/ Ô bịt vàng dầu trọng cũng ô”.

Lọng sương dầu rách… chớ không thể lọng sườn (rách) dầu rách… là trùng từ, trùng ý… như câu ca dao trên, vẫn “Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Hai ngày đầu tháng 12-1972, phái đoàn sưu tầm tài liệu về Nguyễn Đình Chiểu về Ba Tri, do học giả Hồ Hữu Tường dẫn đầu, làm được nhiều việc lưu lại hậu thế, trong đó có việc trùng tu khu mộ Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng trên bia mộ nữ sĩ vẫn hai hàng dọc: “Lọng sường dầu rách còn kêu lọng/ Ô bịt vàng ròng vẫn tiếng ô”. Tác giả Nam Chi Bùi Thanh Kiên, trong Phương ngữ Nam Bộ (tập 2) ghi chép và chú giải, trang 1275, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, xuất bản cuối năm 2015 lại ghi: “Lọng che sương, dầu sườn cũng lọng/ Ô bịt vàng, dầu trọng cũng ô” và chú giải “(Sương Nguyệt Anh)”. Thật ra đây là câu ca dao như đã nêu trên.

Chuyện đâu phải đơn giản là ghi sai chính tả hay “tam sao thất bổn”… mà còn ở chỗ sự thấu cảm tuyệt nghĩa sâu xa, hồn cốt câu thơ rất tài danh của nữ sĩ.

Chắc ai cũng muốn ngay trên quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của nữ sĩ, lớp hậu sinh cần trân trọng, hiểu đúng, viết đúng những áng thơ văn, câu, chữ “khuôn vàng thước ngọc” của bậc tiền bối, danh nhân.

Minh Trấn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN