Ngày giỗ của Đốc binh phan Ngọc Tòng

04/12/2020 - 06:58

BDK - Năm 1999, nhân kỷ niệm 132 năm trận đánh Pháp ở Giồng Gạch (xã An Hiệp), Huyện ủy và UBND huyện Ba Tri chủ trương xây đền và dựng bia lưu niệm tại khu vực “Gò Trụi” xã An Hiệp để tưởng nhớ tấm gương bất khuất của Đốc binh Phan Ngọc Tòng cùng nghĩa sĩ kháng Pháp năm xưa. Từ đó đến nay, đặc biệt là từ tháng 1-2009, khi UBND tỉnh ra Quyết định số 193/QĐ-UBND công nhận Khu lưu niệm Đốc binh Phan Ngọc Tòng là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh, hàng năm, cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, chính quyền và nhân dân Ba Tri nói chung, xã An Hiệp nói riêng đều tổ chức lễ kỷ niệm và nghĩ rằng đây là ngày giỗ hội của Đốc binh Phan Ngọc Tòng và các nghĩa sĩ.

Phan Ngọc Tòng, còn gọi là Phan Tòng. Nhân dân tôn kính gọi Phan Công Tòng hay Phan Công (Công có nghĩa là Ông).

Căn cứ vào câu thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu (trong 10 bài thơ “Điếu Ba Tri Đốc binh Phan Công trận vong”): “Sinh năm mươi tuổi ăn chơi mấy/ Quan bảy, tám ngày sướng ích chi”, ta có thể đoán được ông sinh năm 1818 (năm Mậu Dần), tại thôn An Bình Đông, tổng An Bảo, huyện Tân An (sau đổi tên là huyện Bảo An; sau này là xã An Đức, huyện Ba Tri; hiện nay là thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).

Theo lịch sử Nam kỳ kháng Pháp, Phan Ngọc Tòng là Hương giáo ở làng An Bình Đông, vốn là người có học vấn và đạo đức, được nhân dân kính trọng. Trong Hợp tuyển văn thơ yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX1 có in một bài thơ của Phan Ngọc Tòng - bài thơ “Giã vợ” trước khi ông đảm nhận vai trò chỉ huy nghĩa quân do nhân dân đề cử: “Từ thuở vương mang mối chỉ hồng/ Lòng nầy ghi tạc có non sông/ Góc trời khuấy phá ba thằng giặc/ Mối nợ đền bồi một tấc công/ Cơ tạo phỉnh phờ duyên thục nữ/ Máy binh ràng buộc khách anh hùng/ Phơi gan đắp lũy ba giềng nặng/ Xin hãy an tâm vẹn chữ tòng.”2

Trở lại bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, sau khi Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ (tháng 6-1867), Kinh lược Đại thần Phan Thanh Giản uống thuốc độc tử tiết3, quân Pháp từ trung tâm tỉnh Vĩnh Long mở rộng hành quân lấn chiếm các cù lao của ta thuộc phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long (nay là đất Bến Tre).

Tại huyện Bảo An (nay là Ba Tri), các con của cụ Phan Thanh Giản phát động nhân dân nổi dậy chống Pháp. Đó là Phan Liêm và Phan Tôn (con trai thứ ba và thứ năm của cụ Phan Thanh Giản). Phan Ngọc Tòng là người tham gia nghĩa quân của hai ông, được cụ Nguyễn Đình Chiểu và nhân dân cử làm Đốc binh, chỉ huy trận đánh tại Giồng Gạch, làng An Lái (nay là xã An Hiệp).

Trận đánh Giồng Gạch còn gọi là trận giặc “hè”, được ghi lại trong sách Quân dân Nam Kỳ kháng Pháp như sau: Ngày 15-11-1867, pháo thuyền Pháp từ Bến Tre kéo xuống Ba Tri, theo dòng sông Hàm Luông. Bốn giờ chiều, địch đổ bộ lên ấp An Thới, làng An Lái. Hai trinh sát nghĩa quân ngồi trên xuồng theo dõi cuộc đổ bộ bị lộ, địch rượt bắn phải bỏ xuồng nhảy lên bờ. Đổ bộ xong, các tàu ra cửa sông Hàm Luông trở về Bến Tre, qua ngã sông Ba Lai.

Lần này, Thiếu tá Ansart chỉ huy 200 lính Pháp, Quản Tấn (tức tên Việt gian Huỳnh Văn Tấn) chỉ huy lính mã tà Gò Công (lính người Việt), De Champeaux chỉ huy 20 mã tà, Pottier chỉ huy 20 mã tà. Sau khi đổ bộ lên ấp An Thới (làng An Lái), địch hành quân theo đường đất qua ấp An Lợi, ấp An Phú và đến Giồng Gạch…

Đêm xuống, địch đóng quân ngoài trời. Khoảng nửa đêm trời bắt đầu mưa. Đến 2 giờ khuya, nghĩa quân ào ào tấn công địch khắp cả bốn hướng. Tiếng trống xung trận nổi lên, tiếng hô “hè”, khẩu lịnh của Đốc binh, tiếp theo là hàng ngàn tiếng “hè” của nghĩa quân vang rền khắp nơi xông vào giữa vùng đóng quân của địch. Càng khuya, càng đông, càng hăng hái, nghĩa quân đông đến nổi bụi rậm, gốc cây, bờ ao, vũng nước nào cũng có nghĩa quân, những người dân ấp, dân lân, mình trần, chân đất, liều sống chết với quân thù. Địch hoảng sợ đồng loạt nổ súng bắn trả, chúng dùng cả sơn pháo (Canon 75 ly) bắn vào đội hình nghĩa quân. Bên phía nghĩa quân lên tiếng kêu gọi lính mã tà người Việt hãy trở súng bắn lại bọn Pháp. Trận chiến cực kỳ ác liệt cho đến trời gần sáng, nghĩa quân yếu thế vì chỉ có vũ khí thô sơ nhưng quyết đánh tới cùng.

Nhà bia lưu niệm Đốc binh Phan Ngọc Tòng. Ảnh: A.Nguyệt

Nhà bia lưu niệm Đốc binh Phan Ngọc Tòng. Ảnh: A.Nguyệt

Rạng sáng 16-11, chung quanh gò đất nơi đóng quân của địch, rất nhiều thi thể của nghĩa quân còn nằm tại đó, trong tay vẫn nắm chắc giáo, gươm, gậy gộc. Người chỉ huy - Đốc binh Phan Ngọc Tòng đã hy sinh trong đám nghĩa quân này.

Theo lời kể của Paulin Vial (Giám đốc Nội vụ Nam Kỳ), người chỉ huy các cuộc đàn áp nghĩa quân chống Pháp ở Nam Kỳ, người có mặt trong cuộc hành quân tại huyện Bảo An4  thì: “… Lối nửa đêm (15-11-1867), một đám mưa nhỏ khởi sự rơi. Đến 2 giờ khuya, tiếng la to “cầm súng lên”, phóng ra do miệng của nhiều binh lính gác hô một lượt, kế đó là lối 12 tiếng súng bắn, đồng thời người ta nghe bốn hướng tiếng trống đổ mau và tiếng la của nhiều người hiệp lại. Người ta bị một khối khổng lồ quân phiến loại bao vây và công kích tất cả các mặt. Súng bắn ngay đám đông, bọn công hãm rút lui khỏi chiến trường chừng vài khoảng trong bụi lùm, rồi chúng hiệp nhau, trở lại vây hãm nữa… Đến rạng sáng, một hàng thi thể đầy máu me nằm dài…, vài người tới gần đầu lưỡi lê của ta thì ngã gục, tay còn cầm giáo hoặc gậy gộc. Người ta không thể nào không công nhận lòng can đảm của những người đáng thương kia đang liều chết xáp lại gần chống quân binh ta đã dày dạn trên chiến trường và có súng ống đáng ghê sợ…”.

Trận đánh đêm 15 rạng 16-11-1867, khoảng 200 nghĩa quân ta vừa hy sinh, vừa bị thương tại trận. Nơi nghĩa quân anh dũng hy sinh, về sau có tên gọi thành danh là “Gò Trụi” (ý nói phần lớn nghĩa quân đã bị tiêu hao, không còn sống mấy người).

Cảm kích trước sự hy sinh oanh liệt này, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã làm 10 bài thơ liên hoàn, trong đó có những câu rất hào hùng và xúc động:

- “Thương ôi người ngọc ở Bình Đông,

Lớn nhỏ trong làng thảy mến trông …”

- “… Một trận trải gan trời đất thấy,

So xưa nào thẹn tiếng anh hùng”

- “… Tinh thần hai chữ phau sương tuyết

Khích phách ngàn thu rỡ núi non …”

Năm 1999, trên bia thờ tại Khu lưu niệm Đốc binh Phan Ngọc Tòng, nhà nghiên cứu văn hóa Huy Khanh - Nguyễn Văn Châu (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bến Tre) viết:

“Trận giặc hè Đinh Mão năm xưa, bao thế hệ đều nhớ về Gò Trụi,

Nay đất nước quân thù sạch bóng, đất Ba Tri còn mãi tiếng anh hùng.

Suối vàng thỏa nguyện Phan Công,

Muôn thuở lưu danh hậu thế.”

Như vậy, căn cứ vào tư liệu của ta và của Pháp, ngày tháng năm mất của Đốc binh Phan Ngọc Tòng đã rõ. Đó là khoảng giờ Sửu5, ngày 21 tháng 10 năm Đinh Mão, nhằm 16-11 năm 1867. Tức Đốc binh Phan Ngọc Tòng hy sinh sau ngày mất của cụ Phan Thanh Giản 3 tháng 16 ngày (tính theo âm lịch, cụ Phan Thanh Giản mất vào nửa đêm mùng 5 tháng 7 năm Đinh Mão).

Đối chiếu với Địa chỉ Bến Tre6, ngày hy sinh của Phan Ngọc Tòng được ghi là “đêm 6 rạng 7 tháng Giêng, Mậu Thìn, tức ngày 30 tháng 11 năm 1868”. Sự nhầm lẫn đáng tiếc này khiến cho việc khắc nội dung trên bia mộ của ông cũng bị sai lệch và đã được chỉnh sửa lại, sau khi phát hiện sai.

Theo nhà nghiên cứu Trúc Giang, từ kỳ cúng “Chiêu hồn” diễn ra trong đêm mùng 6 rạng mùng 7 tháng Giêng năm Mậu Thìn (nhằm 30 rạng 31 tháng 1 năm 1868) thì có lệ “cứ đến ngày khai hạ, tức mùng 7 tháng Giêng, dân làng có lễ chiêu hồn đơn bạc giữa cánh đồng từ An Điền đến An Lái, trên khoảng gò phía mặt”7.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Thảo cũng đưa ra chi tiết: “Mỗi năm cứ vào ngày 7 tháng Giêng, từ tờ mờ sáng đến chiều tối, cánh đồng này tấp nập người lui tới, thơm nức mùi hương trầm … Dân làng làm lễ chiêu hồn rất đơn bạc cho Phan Công và nghĩa binh ngã xuống trong trận giặc “hè” năm Đinh Mão. Làm riết, lễ chiêu hồn đã thành lệ của dân làng An Lái mà không làng nào trong tổng Bảo An có”8.

Theo phong tục của người Việt, từ xa xưa, ngày mùng 7 tháng Giêng được xem là ngày “Hạ nêu” hay “Khai hạ”, ngày cúng tạ năm mới, ngày cúng vong linh  con người, kết thúc Tết, tiễn linh hồn về cõi âm …

Đốc binh Phan Ngọc Tòng và những nghĩa quân không tiếc máu xương, vì dân, vì nước, hy sinh một cách oanh liệt, nên người dân địa phương chọn ngày “Khai hạ” để cúng “Chiêu hồn” cho các ông là phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đây là dịp người sống hướng về người đã khuất để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn và cầu mong cho linh hồn họ được siêu thoát.

Thiết nghĩ, ngày lễ “Chiêu hồn” mà nhân dân ta thường gọi là giỗ hội đã trở thành lễ hội, là một tập tục tốt, ta nên tiếp tục duy trì để thỏa nguyện tâm linh người đang sống cũng như người đã khuất. Những nghĩa sĩ, liệt sĩ nào rõ tên họ, có thân nhân cũng nên tổ chức kỵ cơm đúng với ngày hy sinh. Theo đó, ngày 21 tháng 10 âm lịch năm Canh Tý (nhằm ngày 5 tháng 12 năm 2020), cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã An Hiệp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) lần đầu tiên tổ chức kỵ cơm cho cụ Phan Ngọc Tòng và những nghĩa sĩ hy sinh cách đây 153 năm, theo nghi thức giỗ truyền thống của dân tộc.

Đó là cách tốt nhất để bày tỏ lòng biết ơn Phan Công và các anh hùng, nghĩa sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự bình an của nhân dân, vì sự trường tồn của quê hương, đất nước.

Trên cơ sở thống nhất giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Di sản Văn hóa Bến Tre và UBND huyện Ba Tri, bài viết này nhằm đưa ra những cơ sở để xác định ngày giỗ chính thức và ngày “Cúng lệ” - lễ “Chiêu hồn” cho Phan Công và nghĩa sĩ được tổ chức hàng năm vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch.

Nguyễn Quang Trị - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh


1 (NXB Văn học Giải phóng, TP. Hồ Chí Minh, 1976)

2  - Hai câu thơ đầu trùng ý với hai câu trong bài thơ “Ký nội” của cụ Phan Thanh Giản. Không biết có phải là ý của tác giả, hay do người đời sau nhầm lẫn?

- “Máy binh” (ý nói việc quân cơ)

- “Ba giềng”: tức tam cương (quân thần, phụ tử, phu thê)

- “Tòng” trong “tam tòng”

3 Ngày mùng 5-7 năm Đinh Mão (4-8 năm 1867)

4 Căn cứ vào tài liệu dịch trong quyển Les premières années de la Cochinchine của Paulin Vial.

5 Giờ Sửu (từ 1 giờ đến 3 giờ sáng). Theo âm lịch, một ngày được chia làm 12 giờ, gọi tên theo 12 con giáp. Ví dụ: giờ Tí (từ 11 giờ đêm đến 1 giờ - giữa đêm), kế đó là giờ Sửu …

6 Địa chí Bến Tre, NXB Khoa học - Xã hội, Hà Nội 2001, trang 1.155

7 Nguyệt san Kiến Hòa, Bộ mới, số 1, ấn hành tháng 2, 3-1959, trang 15 và trang 21, 23.

8 “Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh” (truyện lịch sử) NXB Phụ nữ, 1996, tr.9.

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN