Nguyễn Đình Chiểu - nhìn từ thế kỷ XXI

07/09/2020 - 06:36

BDK - LTS: Tỉnh ủy vừa tổ chức Hội thảo khoa học về Hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách tổ chức kỷ niệm vào năm 2022 nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 - 1-7-2022). Tại hội thảo, PGS.TS.Đoàn Lê Giang - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh có bài tham luận “Nguyễn Đình Chiểu - nhìn từ thế kỷ XXI”, Báo Đồng khởi xin giới thiệu cùng bạn đọc.

PGS.TS. Đoàn Lê Giang - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.  Ảnh: Ánh Nguyệt

PGS.TS. Đoàn Lê Giang - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.  Ảnh: Ánh Nguyệt

Hai năm nữa - năm 2022 là tròn 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888). Các cơ quan chức năng đang chuẩn bị làm hồ sơ gửi lên UNESCO để đề nghị kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu trên thế giới như một danh nhân văn hóa. Từ thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình, phát triển, thế kỷ xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, hợp tác hữu nghị với các dân tộc, nhớ đến Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta thử kiểm điểm lại những giá trị mà cụ Đồ đã góp cho hành trang của chúng ta, cho con cháu hôm nay và mai sau. Trong những giá trị tốt đẹp ấy, những gì có thể giới thiệu với bạn bè năm châu để góp vào hành trang đi tới của nhân loại?

Theo tôi chúng ta có thể nhấn mạnh 4 phương diện sau đây về Nguyễn Đình Chiểu, coi đó như những di sản quý báu mà ông đã đóng góp cho dân tộc và nhân loại.  

1. Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ lớn của nhân dân Việt Nam

Nói đến thơ Nguyễn Đình Chiểu, trước hết nói đến tác phẩm Lục Vân Tiên, theo tôi có bốn giá trị lớn sau đây.

Thứ nhất, Lục Vân Tiên đề cao tình nghĩa ở đời: tình cha con (Vân Tiên với cha mẹ), tình vợ chồng (Vân Tiên - Nguyệt Nga), tình bạn bè (Vân Tiên - Hớn Minh, Tử Trực), tình thầy trò (Vân Tiên - tiểu đồng, Nguyệt Nga - Kim Liên)… Tình nghĩa là căn cốt của tâm hồn Việt Nam, của tính cách Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Đó cũng là giá trị mà Việt Nam có thể mang ra thế giới, một thế giới đang bị khủng hoảng những giá trị nhân văn, những giá trị trong quan hệ giữa người với người. 

Thứ hai, Lục Vân Tiên đề cao tinh thần nghĩa hiệp (trọng nghĩa khinh tài) thông qua hình tượng Vân Tiên đánh cướp, Vân Tiên giúp nước giúp dân… Đó là tinh thần xả thân giúp cộng đồng mà xã hội nước ta hiện nay, cũng như UNESCO đang đề cao.

Thứ ba, Lục Vân Tiên thể hiện ước mơ của người bình dân về công lý trong cuộc sống: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo - kẻ ác phải bị trừng phạt. Đó cũng là ước mơ về một xã hội bình đẳng, công bằng và văn minh mà Việt Nam cũng như UNESCO đề cao.  

Thứ tư, Lục Vân Tiên là truyện thơ viết bằng chữ Nôm, viết bằng tiếng nói bình dân, kể chuyện cho dân nghe, rất được dân chúng ưa thích. Sự ưa thích Lục Vân Tiên ở Việt Nam chỉ thua mỗi Truyện Kiều, mà hơn hẳn Truyện Hoa Tiên, Truyện Nhị độ mai, kể cả Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc.

Ảnh hưởng trong nước của Lục Vân Tiên hết sức sâu rộng: Từ Lục Vân Tiên có “Hậu Vân Tiên”; có truyện thơ Nguyệt Nga, có điển cố về Vân Tiên, Nguyệt Nga, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm trong văn học. Lục Vân Tiên được chuyển thể thành những loại hình nghệ thuật khác như: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống về Lục Vân Tiên, tuồng Lục Vân Tiên, phim Lục Vân Tiên, nhạc kịch về Lục Vân Tiên (vở Tiên Nga của Thành Lộc công diễn năm 2019)… Đây là điều mà ngoài Truyện Kiều ra thì chỉ Lục Vân Tiên có được.

Lục Vân Tiên là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng, nên được nhiều độc giả nước ngoài biết đến. Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Pháp: bắt đầu từ bản của G.Aubaret (1864), sau đó có bản dịch của Abel des Michels (1883), E.Bajot (1886), Nghiêm Liễn (1927), Dương Quảng Hàm (1944), Lê Trọng Bổng (1997)… có ít nhất 6 bản tiếng Pháp. Năm 1985, Lục Vân Tiên còn được dịch ra tiếng Nhật với bản dịch của Giáo sư Takeuchi Yonosuke. Năm 2016, Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Anh với bản dịch của ÉricRosencrantz. Với 3 thứ tiếng và 8 bản dịch, Lục Vân Tiên là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra ngoại ngữ nhiều thứ ba sau Truyện Kiều (21 thứ tiếng, hơn 70 bản dịch), Nhật ký trong tù (khoảng 16 thứ tiếng, 20 bản dịch)… Như vậy, về mức độ ảnh hưởng ra nước ngoài, trừ Truyện Kiều, không có tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam nào có thể sánh với Lục Vân Tiên, kể cả thơ Hồ Xuân Hương, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc.

2. Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ nhân đạo - thân dân, yêu hòa bình

Tình cảm nhân đạo, thân dân, yêu hòa bình thể hiện chủ yếu ở văn tế, thơ của Nguyễn Đình Chiểu sáng tác sau khi Pháp xâm lược.

Nguyễn Đình Chiểu là tác giả hàng đầu Việt Nam về thể loại văn tế: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế sĩ dân Lục tỉnh trận vong và thơ điếu liên hoàn: Thơ điếu Trương Định, Thơ điếu Phan Tòng, Thơ điếu Phan Thanh Giản… Ngoài ra còn thơ và tập truyện thơ Nôm Ngư Tiều y thuật vấn đáp. Các tác phẩm ấy thể hiện một lòng yêu nước thiết tha, một khát vọng về quyền tự quyết của dân tộc. Với tinh thần ấy, các tác phẩm ấy đã đưa Nguyễn Đình Chiểu lên vị trí hàng đầu trong các nhà thơ yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX và cũng chính là một nhà thơ tiêu biểu trong phong trào “phi thực dân hóa” của các dân tộc Á Phi - một phong trào được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận tiến bộ trên thế giới, phù hợp với hiến chương Liên hiệp quốc, trong đó có Tổ chức UNESCO. 

Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với chủ nghĩa nhân đạo, thân dân, với tinh thần yêu hòa bình truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong các tác phẩm của mình Nguyễn Đình Chiểu luôn phản ánh số phận của nhân dân: nhân dân là nạn nhân đầu tiên của chiến tranh, trong đó Nguyễn Đình Chiểu đặc biệt chú ý đến phụ nữ, trẻ em - những nhóm người yếu thế nhất trong xã hội. Những câu văn sau đây thể hiện một tình cảm nhân đạo - nhân văn cao vời vợi mà không dễ tìm trong các tác phẩm khác: “Phạt cho đến kẻ hèn người khó, thâu của quay treo; Tội chẳng tha con nít đàn bà, đốt nhà bắt vật. Trải mười mấy năm trời khốn khó, bị khảo, bị tù, bị đày, bị giết, già trẻ nào nghe xiết đến tên; Đem ba tấc hơi mọn bỏ liều, hoặc sông, hoặc biển, hoặc núi hoặc rừng, quen lạ thảy đều rơi nước mắt” (Văn tế sĩ dân Lục tỉnh trận vong).

Hay những người mẹ già, vợ yếu mất con, mất chồng trong khi cuộc chiến còn chưa nguôi thuốc súng: “Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; Não nùng thay! vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).

(Còn tiếp)

PGS.TS.Đoàn Lê Giang - Trường ĐH KHXH&NV- ĐHQG - HCM

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN