Những thắng lợi trong công tác đấu tranh chính trị của đảng bộ, dân và quân tỉnh nhà (kỳ 2)

20/11/2020 - 07:10

Đại biểu dự họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam. Ảnh: Thu Huyền

Đại biểu dự họp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam. Ảnh: Thu Huyền

Quán triệt chỉ đạo của Tỉnh ủy, công tác đấu tranh chính trị được tăng cường các cấp, bám sát quần chúng. Đưa phong trào phá ấp chiến lược ngày càng đi vào thực chất, có những ấp chiến lược, ban đêm quần chúng và cơ sở tại chỗ giành được để làm chủ, tạo điều kiện cho cán bộ từ bên ngoài vào hoạt động thuận lợi, an toàn. Những cuộc nổi dậy từ bên trong của các ấp chiến lược đã thu được kết quả. Đồng thời, kết hợp với tấn công vũ trang phát triển mạnh mẽ đã thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của cán bộ Mặt trận, những cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng diễn ra liên tục với nội dung chống địch khủng bố, bắn giết, chống bắt lính, chống rải chất độc hóa học...

Sau sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” ngày 2 và 4-8-1964, ngụy tạo ra cớ cho máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, ngày 7-2-1965, đế quốc Mỹ chính thức gây ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân trên toàn miền Bắc. Tiếp đó, từ ngày 8-3-1965, Mỹ bắt đầu đưa quân viễn chinh và sau đó cùng quân đồng minh ồ ạt đổ vào miền Nam Việt Nam, chính thức chuyển từ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Trên chiến trường Bến Tre, mức độ đánh phá của địch vào vùng giải phóng tăng lên cả về quy mô và cường độ, bom đạn Mỹ - ngụy đã gây ra nhiều vụ thảm sát đối với nhân dân. Tháng 4-1965, Tỉnh ủy họp đánh giá: “Địch đã thật sự leo thang, đưa chiến tranh lên một bước mới, nhưng dù có tình huống nào xảy ra, với lực lượng ba mặt ở cả ba vùng như hiện nay, ta nhất định có khả năng thực hiện được những nhiệm vụ của cấp trên đề ra”... Tỉnh ủy chủ trương: “Nhanh chóng xây dựng lực lượng, xây dựng vùng giải phóng, chuẩn bị mọi điều kiện cùng toàn miền xông lên tiến công địch giành thắng lợi khi có thời cơ”; “Đẩy mạnh tấn công địch bằng ba mặt, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, uy hiếp mạnh vùng yếu, thị xã, thị trấn, giữ và mở rộng vùng giải phóng, chuẩn bị tư thế sẵn sàng đánh phủ đầu quân Mỹ”.

Thực hiện quyết tâm dám đánh và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tiếp tục đưa cách mạng miền Nam vào thế tấn công mới, tháng 5-1965, Trung ương Cục miền Nam ra chỉ thị “Phát động nông dân vùng giải phóng đoàn kết sản xuất kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Thực hiện chỉ thị trên, Tỉnh ủy quyết định mở đợt sinh hoạt chính trị, chú trọng phát động tư tưởng, nâng cao giác ngộ chính trị cho nông dân với ba mục tiêu “đoàn kết, sản xuất, giết giặc”. Sau đợt sinh hoạt chính trị, trong Đảng bộ và từ chi bộ mở rộng ra quần chúng, phong trào toàn dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ đã thật sự chuyển động. Thông qua sự vận động tích cực của cán bộ Mặt trận, phong trào thanh niên tham gia du kích, gia nhập bộ đội, đi thanh niên xung phong, thoát ly gia đình tham gia chiến đấu diễn ra sôi nổi... Hàng ngàn thanh niên ở thị xã, thị trấn, vùng yếu tìm mọi cách trốn ra vùng giải phóng xin gia nhập bộ đội giải phóng. Hội Phụ nữ đã dấy lên phong trào thi đua “5 tốt”, phong trào đăng ký đảm đang việc nước, việc nhà để chồng con tòng quân giết giặc. Lực lượng nữ thanh niên hăng hái đi dân công làm công tác tải lương thực, vũ khí từ hậu phương ra mặt trận. Trong năm 1965, ngoài phần bổ sung cho lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, Bến Tre còn đưa hàng vạn tân binh và thanh niên xung phong cho chiến trường Khu và Miền.

Trước âm mưu leo thang của đế quốc Mỹ, ngày 20-7-1965, kỷ niệm 11 năm ký kết Hiệp định Geneve, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân chống Mỹ, cứu nước: ... “Dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”. Đáp lời kêu gọi của Bác, ngày 30-7-1965, Ủy ban Trung ương MTDTGP miền Nam Việt Nam ra tuyên bố: “Quân và dân miền Nam quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trong bất kỳ tình thế nào, quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ bất kỳ chúng mở rộng chiến tranh ở mức nào”. Tỉnh ủy quyết định mở đợt chỉnh huấn trong toàn Đảng, toàn quân và đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong quần chúng, chỉ rõ yêu cầu: “Cuộc chỉnh huấn này phải được triển khai trong nhân dân thành một cuộc tuyên truyền vận động đẩy mạnh các mặt đấu tranh và xây dựng một cách cụ thể ở xã, ấp, gắn liền quyền lợi thiết thân của quần chúng với quyền lợi cách mạng, củng cố đội ngũ đấu tranh, đả phá triệt để các luận điệu chiến tranh tâm lý của địch, nâng cao quyết tâm chiến đấu và khí thế cách mạng quần chúng, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tuyên bố của Ủy ban Trung ương MTDTGP miền Nam Việt Nam”...

Qua cuộc vận động của Mặt trận và Hội Nông dân các cấp, khoảng 95% nông dân vùng giải phóng trong tỉnh đã tham gia học tập chính trị, nâng cao trình độ giác ngộ giai cấp, tình đoàn kết trong nội bộ nông dân được củng cố. Thời gian này, công tác binh vận trong tỉnh đã thúc đẩy phong trào đấu tranh trong binh sĩ địch lên mạnh. Ở nhiều xã, ấp, cán bộ Mặt trận đã lãnh đạo nhân dân tổ chức đại hội gia đình binh sĩ để nắm lại số người còn đi lính hoặc làm việc cho địch, tìm cách vận động kêu gọi binh sĩ trở về với cách mạng... Cán bộ binh vận và quần chúng đã dùng nhiều hình thức để tuyên truyền, tổ chức học tập, phổ biến chính sách của Đảng cho gia đình binh sĩ, gửi thư, tranh thủ những dịp binh sĩ về phép hoặc về ăn Tết, tuyên truyền, đặt quan hệ xây dựng thành cơ sở nội tuyến. Các khẩu hiệu như “hầm chông chống Mỹ, binh sĩ đừng đi”, “súng Mỹ lòng ta”, “Mỹ thua về Mỹ, binh sĩ về đâu?” đã có tác dụng làm cho kẻ thù bị phân hóa sâu sắc.

Một thế trận mới được thiết lập, nhân dân tỉnh nhà ổn định tư tưởng, quyết tâm bám trụ địa bàn. Công tác binh vận đã thúc đẩy phong trào đấu tranh phản chiến của ngụy quân lên mạnh. Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác binh vận nhằm khai thác triệt để mâu thuẫn trong nội bộ địch, để tạo nên sự chuyển biến chính trị trong hàng ngũ quân ngụy. Ra sức làm tan rã một bộ phận quan trọng quân ngụy, vận động cách mạng mạnh mẽ trong binh sĩ, thúc đẩy hành động tiêu cực chiến đấu thật rộng rãi, gây một phong trào đấu tranh phản chiến từ lẻ tẻ đến tập thể; phát triển hơn nữa hành động đồng tình ủng hộ phong trào đấu tranh của quần chúng, lôi kéo rộng rãi binh sĩ cùng nhân dân đấu tranh cho quyền lợi dân sinh, dân chủ. Những thắng lợi trên cả ba mặt: vũ trang, chính trị và binh vận là tiền đề rất quan trọng để Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà cùng quân dân, toàn miền bước vào Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương Cục miền Nam về “khẩn trương chuẩn bị chiến dịch Đông Xuân 1967 - 1968” (còn gọi là Nghị quyết Quang Trung), toàn tỉnh với tinh thần thừa thắng xông lên, quyết giành thắng lợi to lớn hơn. Quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ “phát huy truyền thống của quê hương Đồng khởi, với tư tưởng tự lực, tự cường, Đảng bộ, quân và dân Bến Tre đoàn kết một lòng, tập trung cao độ cùng với quân và dân toàn miền Nam tổng công kích và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”. Với quyết tâm “dồn tất cả lực lượng lấy cho được thị xã khi bước vào tấn công, rồi từ thị xã tỏa ra giải phóng nông thôn”, Tỉnh ủy Bến Tre chỉ đạo “toàn bộ vùng nông thôn, các nơi phải chớp thời cơ chung mà tự lực tấn công, phải dành mọi ưu tiên cho thị xã, khi thị xã cần gì thì kể cả cán bộ, vũ khí và mọi phương tiện khác, thì các nơi phải sẵn sàng và phải chấp hành nghiêm chỉnh”.

Ngày 10-1-1968, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị gồm các đồng chí cán bộ chủ chốt tỉnh, huyện cùng các ban ngành, cán bộ mặt trận các cấp, lấy tên hội nghị là “Đông Xuân khởi nghĩa” để quán triệt Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị, đồng thời mở nhiều hội nghị để thảo luận nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch tấn công. Đúng 2 giờ 30 phút ngày 31-1-1968 (mồng 2 Tết Mậu Thân) các mũi tiến công của ta đồng loạt nổ súng. Lực lượng dân công, lực lượng hậu cần, lực lượng chính trị... vượt sông Bến Tre tiến vào thị xã Bến Tre. Ở các xã, ấp ngoại ô, du kích cùng với quần chúng bao vây bức hàng hầu hết các đồn bót, truy lùng ác ôn, phá các hình thức kìm kẹp, vùng giải phóng của ta ngày càng mở rộng hơn.

Tháng 10-1968, Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam tổ chức hội nghị du kích chiến tranh toàn miền Nam, với những chiến công của mình, Bến Tre đã được Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam tặng thưởng cờ danh dự mang 8 chữ vàng “Anh dũng đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy” và được công nhận là một trong ba ngọn cờ đầu của phong trào nhân dân du kích chiến tranh ở miền Nam. Niềm vinh dự đó đã khẳng định tinh thần kiên cường, bất khuất của Đảng bộ và quân dân Bến Tre đã phát huy truyền thống Đồng khởi, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, biết phát huy và vận dụng phương châm “hai chân, ba mũi”. Đảng bộ và quân dân Bến Tre đã giữ vững thế cách mạng tiến công, thực hiện được quyết tâm đánh Mỹ, diệt ngụy ở địa phương, góp phần cùng cả nước đánh bại chiến tranh cục bộ, buộc đế quốc Mỹ phải thay đổi  chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tuyên bố chấm dứt chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, rút quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, địch tập trung thức hiện kế hoạch “bình định cấp tốc”. Dựa vào tiềm lực quân sự còn mạnh và ưu thế về cơ động, Mỹ - ngụy tăng cường càn quét lấn chiếm, tình hình chiến trường diễn ra vô cùng ác liệt. Dưới sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, với quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và dân Bến Tre, sự lãnh đạo trực tiếp của cán bộ Mặt trận các cấp, phong trào chống Mỹ, đánh Mỹ diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt. Phát huy sức mạnh ba thứ quân, kết hợp ba mũi: chính trị, quân sự, binh vận, mở nhiều chiến dịch tổng hợp ở các khu vực điểm; kết hợp tấn công và nổi dậy để đánh bại cơ bản kế hoạch bình định của địch, tiêu diệt địch, giành dân, giữ dân, giành quyền làm chủ. Từ năm 1969 - 1975, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn quân, nhân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, phát huy thế tiến công, tận dụng thời cơ xông lên giải phóng tỉnh nhà, góp phần cùng cả nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Có thể khẳng định, Đồng khởi 1960 ở Bến Tre với tính chất là cuộc khởi nghĩa đồng loạt, đồng bộ, đồng lòng của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo tinh thần Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mở đầu cho cuộc tiến công nổi dậy toàn miền Nam, tạo điều kiện chín muồi, tất yếu cho sự ra đời của MTDTGP miền Nam Việt Nam. Đồng thời, mở đầu và khẳng định cách đánh địch bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn phương châm hai chân (chính trị, quân sự), ba mũi (chính trị, binh vận, vũ trang). Đó cũng chính là sự kết hợp liên tục giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy với tiến công, đẩy Mỹ - ngụy lâm vào khủng hoảng triền miên, đi từ  thất bại này đến thất bại khác, đưa phong trào cách mạng miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, kết thúc bằng cuộc tổng tiến công thần tốc mùa Xuân 1975, đến Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Sau ngày thống nhất đất nước, từ ngày 31-1 đến 4-2-1977, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung ương tổ chức đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận của hai miền Nam - Bắc với tên gọi chung là “Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam”, đồng thời đánh giá vai trò lịch sử của MTDTTN nói chung và vai trò của MTDTGP miền Nam Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xác định vai trò đại đoàn kết của Mặt trận trong giai đoạn cách mạng mới. Từ đó đến nay, MTTQ Việt Nam tỉnh đã trải qua 9 kỳ đại hội, hệ thống MTTQ Việt Nam tỉnh luôn phấn đấu và ngày càng trưởng thành về mọi mặt, vị trí và vai trò của MTTQ Việt Nam tỉnh trong hệ thống chính trị từng bước được khẳng định và nâng cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp không ngừng lớn mạnh, đủ phẩm chất và năng lực thực hiện vai trò và trách nhiệm được giao, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân.

Phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong thời gian tới, hệ thống MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội. Vận động quần chúng nhân dân chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia hưởng ứng và có những đóng góp thiết thực cho các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua “Đồng khởi mới”. Tập hợp và huy động tốt các nguồn lực cho mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.

Hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh phải luôn xứng đáng với vai trò trung tâm, thực sự là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030. 

Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN