Vai trò của đấu tranh chính trị trong phong trào Đồng khởi 1960 (kỳ 2)

16/12/2019 - 06:51

Đội quân tóc dài - lực lượng nòng cốt của phong trào Đồng khởi.  Ảnh tư liệu

Đội quân tóc dài - lực lượng nòng cốt của phong trào Đồng khởi.  Ảnh tư liệu

Từ năm 1962 trở về sau, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, phong trào của phụ nữ ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu. Địch khủng bố ngày càng ác liệt, các vụ thảm sát học sinh tại 2 trường Linh Phụng (Giồng Trôm) và Tân Bình (Mỏ Cày), rải chất độc hóa học, dùng B52 cày xới… càng làm cho quyết tâm chiến đấu của đồng bào, chị em lên cao hơn. Trước yêu cầu phải đấu tranh, bộ chỉ huy chuyên ngành của “Đội quân tóc dài” đã ra đời gồm: Ban Chỉ đạo bí mật, Ban Chỉ huy công khai từ cấp tỉnh đến huyện, xã. Tổ chức của lực lượng cũng chặt chẽ hơn có lực lượng thường trực, dự bị, khi cần đấu tranh, lực lượng biên chế thành tiểu đội, trung đội, đại đội có giao liên, trinh sát, hậu cần, cứu thương, kể cả ở nhà có các đội văn nghệ đón rước khi lực lượng đấu tranh trở về. Sau mỗi cuộc đấu tranh, Ban Chỉ đạo các cấp họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khen thưởng, phê bình, kỷ luật nghiêm túc.

Công tác chính trị, tư tưởng trong nội bộ lực lượng phụ nữ cũng được quan tâm chu đáo, chú trọng đấu tranh với những biểu hiện dao động trong chiến đấu kể cả tư tưởng cầu an, thiếu tin tưởng vào hiệu quả đấu tranh chính trị trong một số cán bộ lãnh đạo.

Ngoài các cuộc đấu tranh trực diện, liên tục, hết bãi thị, đình công đến đi chợ nhồi, chính vì vai trò đó góp phần tiêu hao sinh lực địch, làm chúng mất phương hướng tấn công. Do đó, phong trào đấu tranh chính trị của đồng bào và phụ nữ Bến Tre ngày càng phát triển vững mạnh. Quy mô lực lượng tham gia đấu tranh về sau càng tăng, có những đợt huy động 10, 25, 30 ngàn người tham gia. Cao điểm là chiến dịch Mậu Thân 1968 có tới 100 ngàn người tham gia, riêng điểm của tỉnh có 11 tiểu đoàn.

Với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”, chị em đã cùng với đồng bào kiên cường bám trụ. Địch rào hàng đắp lũy, đồng bào lại bạt lũy phá rào, có ấp chiến lược phá đi phá lại 40 - 50 lần. Đến năm 1964, không một ấp chiến lược nào do địch dựng còn nguyên vẹn. Trong phong trào đấu tranh chính trị, chị em có điều kiện tiếp cận binh sĩ, sĩ quan địch nên làm công tác binh vận rất hiệu quả, biến ác ôn thành lưng chừng, lưng chừng tiến tới giác ngộ cách mạng, tiếp tục làm nội tuyến liên lạc qua cán bộ mật giao kết hợp với lực lượng bên ngoài lấy đồn địch (điển hình là bót An Định (Mỏ Cày), Châu Hòa, Châu Phú (Giồng Trôm)...

Tuy nhiên, đội quân đặc biệt này hợp tan không cố định, không có trường huấn luyện, không có vũ khí, không có quân trang, thậm chí chỉ huy không biết chiến sĩ, chiến sĩ cũng không biết mặt chỉ huy… nhưng luôn tỏ rõ là một lực lượng hoạt động có tổ chức, khi cần vận động, điều quân cực kỳ nhanh chóng, đầy đủ và nghiêm quân lệnh. Đặc biệt, có sự hiệp đồng chỉ huy thực hiện chiến thuật nhịp nhàng trong tiến công cũng như gìn giữ, che chở, bảo vệ nhau khi đối mặt với quân thù mà tay không một tấc sắt. Địch hoang mang, núng thế thì chị em tấn công nâng thêm yêu cầu đấu tranh, kết hợp khéo léo tranh thủ binh sĩ địch. Khi gặp ác ôn, hung hăng, chị em lại chuyển hướng xoa dịu để bảo tồn lực lượng, chị em nắm vững phương châm đánh thắng từng trận một, kiên trì, bền bỉ tạo thế, nuôi dưỡng, phát huy phong trào khi thời cơ có lợi, huy động sức mạnh tổng hợp “2 chân và 3 mũi giáp công” bủa vây và áp đảo quân thù, giành thắng lợi.

Trong cuộc đọ sức “một mất, một còn” vô cùng chênh lệch về mọi mặt với địch, phụ nữ Bến Tre rất xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Đảng và Bác Hồ đã trao tặng cho phụ nữ. Có lẽ hiếm có nơi nào trong cuộc kháng chiến này, người phụ nữ phải chịu nhiều đau thương, mất mát đến như vậy. Nhưng cũng hiếm có nơi nào sức chịu đựng bền bỉ, phẩm chất anh hùng, bất khuất, kiên trung sắt son với Đảng, với cách mạng, tài trí thông minh, sáng tạo… của người phụ nữ lại được thể hiện mãnh liệt và tỏa sáng đến như vậy.

Trong tâm trí tôi, tình cảm của tôi vẫn không bao giờ phai nhạt hình ảnh của chị Ba Định, nữ du kích Tạ Thị Kiều (An Thạnh), Út Tuyết (Đa Phước Hội, Mỏ Cày) tay không đoạt đồn giặc; các chị Nguyễn Thị Hồng, Đoàn Thị E, Lê Thị Tranh, Huỳnh Thị Kiên… có tới hàng trăm lần đấu tranh với địch. Riêng chị Bảy Tranh (Thành Thới, Mỏ Cày) đã tham gia đến 300 cuộc đấu tranh trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn ác liệt, vừa phải gánh vác việc nhà, việc làng nhưng cứ trung bình 3 ngày 1 lần chị lại xuất hiện đương đầu với giặc. Chị đã bị địch đánh đập tàn nhẫn 20 lần, bị thương 5 lần, 1 lần gần chết, vậy mà vẫn khăng khăng cương quyết: “Cứ khiêng tôi đi tố cáo nó. Nếu tôi chết cũng đừng vội chôn, bà con có thương tôi thì cứ khiêng xác tôi đi đấu tranh đến cùng, dù rã thây cũng được!”. Đó là mẹ Kế đã chỉ thẳng vào mặt quân thù: “Chồng con tao ở trong trái tim tao, bây muốn kiếm thì moi tim tao mà lấy”. Đó là chị Út Hạnh bị tra tấn tàn bạo chết đi sống lại nhiều lần nhưng cố viết bức thư máu gửi về cho Tỉnh ủy: “Cô Ba và Tỉnh ủy cứ yên lòng, dù chết, tôi không một lời khai báo!”. Đó là đơn vị vũ trang Thu Hà (Bộ đội Thu Hà) trưởng thành từ đấu tranh chính trị, phát triển lên thành đội nữ vũ trang, nữ pháo binh, mưu trí, dũng cảm luồn sâu làm công tác tuyên truyền và phối hợp với các lực lượng vũ trang khác đánh địch rất hiệu quả. Chúng tôi không thể kể xiết được danh sách cá nhân, tập thể phụ nữ Bến Tre đã lập nên những chiến công kỳ diệu trong những năm tháng ấy.

Với những thành tích, cống hiến, hy sinh lớn lao đó, phụ nữ đã góp phần cùng với Đảng bộ, quân và dân Bến Tre làm nên một Đồng khởi lịch sử, góp phần sáng tạo và hoàn chỉnh phương châm “2 chân, 3 mũi” trong đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đảng và Nhà nước đã ghi công của phụ nữ Bến Tre anh hùng trong thành tích chung của toàn dân tộc. Trong số những cá nhân, đơn vị anh hùng của tỉnh, có đến 8 người là phụ nữ. Tiếng vang của Đội quân tóc dài đã vượt qua biên cương Tổ quốc. Năm tháng rồi sẽ qua đi, song lịch sử cách mạng dân tộc luôn dành những trang vàng trân trọng để ghi công của phụ nữ…

Nguyễn Thị Khao

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN