Vị tướng miền sông nước một đời dấn thân

01/07/2019 - 06:19

BDK - Tướng Nguyễn Văn Thạnh đã qua đời lúc 6 giờ 30 ngày 30-6-2019 (tức 28-5 âm lịch) tại nhà riêng, hưởng thượng thọ 97 tuổi. Mặc dù biết Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh (chú Mười Thi) tuổi cao, sức yếu nhưng khi nghe tin Chú Mười qua đời đã gây ra một khoảng trống, một khoảng lặng cho những người thuộc thế hệ lớn lên trong chiến tranh...

Chú Mười Thi trò chuyện với tác giả nhân buổi lễ kỷ niệm “50 năm chiến thắng Tết Mậu Thân 1968”.

Chú Mười Thi trò chuyện với tác giả nhân buổi lễ kỷ niệm “50 năm chiến thắng Tết Mậu Thân 1968”.

“Cây đại thụ” miền Tây

Thế hệ ông là thế hệ vàng - những con người xuất thân từ những môi trường danh giá, vinh hoa phú quý ở quê hương Bình Đại, xứ dừa Bến Tre đang chào đón, lại từ bỏ tất cả để tham gia cách mạng, sẵn sàng chấp nhận tù đày, chết chóc, dấn thân vào gian khổ, hy sinh. Cũng vì lòng yêu nước cao độ.

Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh sinh năm 1923, quê quán xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Với vốn tri thức thuộc gia đình nho giáo yêu nước và thực tiễn cách mạng phong phú, sau này ông trở thành một tướng lĩnh quân đội, Trung tướng, nguyên Tư lệnh phó Quân khu (QK) 9. Mặc dù là tướng lĩnh quân đội nhưng ông rất thông thái vì đọc nhiều, sống nhiều, dấn thân và chấp nhận trả giá cho con đường mình chọn lựa, nên tôi hiểu vì sao từ trong chiến tranh đến ngày thống nhất đất nước, ông lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ như: Tham gia phong trào Việt Minh năm 1944, từ những ngày tiền khởi nghĩa. Sau đó, ông được cử làm Chính trị viên Đội Tuyên truyền võ trang huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre năm 1945. Cuối năm 1947, ông là một trong số thanh niên đầu tiên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1954, ông là Bí thư thị trấn Bình Đại, rồi Bí thư Huyện ủy Bình Đại. Năm 1968, ông là Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Bến Tre. Đến năm 1972, ông là Khu ủy viên - Phó chính ủy về chính trị QK8, kiêm Chính ủy Sư đoàn 8 Bộ binh. Sau ngày miền Nam giải phóng, QK8 và QK9 sáp nhập, ông được điều về làm Chính ủy - Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang, rồi sau đó ông được bổ nhiệm Tư lệnh phó về chính trị QK9 - Bí thư Đảng ủy Quân khu, kiêm Chính ủy Mặt trận 979 (CPC)...

Thật cảm động khi một con người được xem là cây đại thụ của lực lượng vũ trang miền Tây, uyên bác và chức vụ cao như thế khi gặp tôi đã chủ động nắm tay tôi, nở nụ cười thân thiện và cất lời động viên tôi. Ông nói: “ Chú đã đọc tập bút ký “Ký ức người lính”, Truyện ngắn “Kỷ vật để lại” của cháu và nhiều cuốn sách nói về truyền thống dân tộc như: Đồng khởi Bến Tre, Nam Kỳ khởi nghĩa, Ấp Bắc anh hùng... của nhiều tác giả khác. Đúng là chúng ta còn mắc nợ rất nhiều đối với lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ, những người được gọi là rường cột nước nhà, là nhân tố quyết định cho vận mệnh đất nước sau này”. Đó là điều rất lạ, mặc dù ông là vị tướng quân đội nhưng ông rất quan tâm đến mảng báo chí, văn học, nghệ thuật. Có lần tôi gặp và trò chuyện với ông tại lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Mậu Thân năm 1968 vừa qua, ông ân cần nhắc đi, nhắc lại: “Rất cần những cây bút có tâm, có tài để khơi dậy truyền thống dân tộc, truyền thống quân đội ta. Cần có nhiều tác phẩm báo chí, văn học, điện ảnh, sân khấu vinh danh những đảng viên, những con người yêu nước, những anh hùng liệt sĩ. Trách nhiệm ấy trao lại cho những người trẻ, còn sức viết. Thế hệ của chú là nhân chứng, biết nhiều nhưng giờ già yếu rồi. Cháu hãy tiếp tục, có cần tìm hiểu tư liệu gì hãy tranh thủ đến gặp chú!”.

Tận hiến, tận lực với đời

Tôi gặp ông nhiều lần khi tham gia viết cuốn hồi ký “Cuộc đời và kỷ niệm” của ông. Bao giờ ông cũng dành cho tôi nụ cười rất tươi, rất hiền, cái nắm tay rất chặt, rất ấm. Tôi rất cảm động khi ông chịu khó đọc nhiều quyển truyện ký viết về những bà mẹ Việt Nam anh hùng, về đề tài phụ nữ. Ông còn kể cho tôi nghe chuyện vợ và hai con của ông bị B52 Mỹ đánh bom trúng hầm chết hết vào đêm 25 rạng 26-5-1968. Năm ấy, ông đang công tác ở Khu 8.

Đau buồn không kể xiết, ống lấy tấm ảnh của vợ và hai con ghi mấy dòng thơ mộc mạc phía sau ảnh: “Lệ Thủy, Út Hiền ơi, Mẹ nó; Tôi còn đây sao vội ra đi; Đau lòng thảm cảnh biệt ly; Căm thù giặc Mỹ khắc ghi ngàn đời!”.

Không phải riêng tôi, ông còn chịu khó đọc nhiều bài báo, tác phẩm văn học của các tác giả trẻ và luôn có những nhận xét, đánh giá rất cụ thể, chi tiết. Tôi cảm động vì tuy tuổi già, sức yếu nhưng ông đã dành cho chúng tôi sự quan tâm, sự truyền lửa mà giá trị của nó thật vô giá. Nhờ đó, chúng tôi thấy mình luôn được động viên, được truyền cảm hứng, thấy nỗ lực lao động nghề nghiệp của mình được trân trọng, thấy tâm huyết của mình được chia sẻ, được tiếp sức…

Chú Mười Thi, một vị tướng miền sông nước đã sống rất trọn vẹn, hết mình với những người mà ông gần gũi, kính trọng. Những năm cuối đời dù phải chống chọi với bệnh tật nhưng ông vẫn dành thời gian để đọc sách báo, quan tâm đến thời cuộc, đến sự phát triển và khó khăn của quê hương, đất nước. Thế hệ vàng của Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh đã giải quyết được nhiều chuyện khó cho các lực lượng vũ trang Quân khu trong các thời kỳ và cho cả quê hương miền Tây. Dù đã lui về hậu trường nhưng những chuyện khó ngày nay như chủ quyền đất nước, tham nhũng, lợi ích nhóm, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vấn đề Biển Đông, vấn nạn ô nhiễm, biến đổi khí hậu… vẫn khiến ông trăn trở rất nhiều. Mỗi lần gặp tôi, sau cái nắm tay thật chặt cùng nụ cười rất hiền, tôi đôi lần lại nghe được những tiếng thở dài đầy trăn trở của ông.

Trong Quân đội lẫn cuộc đời, Trung tướng Nguyễn Văn Thạnh - Chú Mười Thi luôn nhận được nhiều lời khen tặng. Song, với tất cả đóng góp to lớn, tận hiến, tận lực, ông chỉ mong nhận được những gì giản dị nhất: tình yêu thương! Cảm ơn cái nắm tay rất chặt, nụ cười rất hiền của ông đã dành cho những người cựu chiến binh chúng tôi. Xin vĩnh biệt ông! Vị tướng miền sông nước - Một đời dấn thân!...

          Lê Hồng Lâm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN