Vinh danh Làng nghề truyền thống “Bánh tráng Mỹ Lồng - Bánh phồng Sơn Đốc”

25/03/2019 - 07:14

BDK - Làng nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh) và bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng) huyện Giồng Trôm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2018. Vừa qua, lễ công bố và đón nhận tấm bằng vinh dự nêu trên đã được tổ chức trọng thể tại hai địa phương của làng nghề. Đây là niềm vui và vinh dự của bà con làng nghề, của tỉnh nói chung, đồng thời, cũng đặt ra những trọng trách trong việc gìn giữ và phát triển làng nghề để xứng tầm với danh hiệu ấy.

Đại biểu tham quan quy trình làm bánh phồng.

Đại biểu tham quan quy trình làm bánh phồng.

Nổi danh, xứng danh và được vinh danh

Bánh tráng, bánh phồng thì ở đâu cũng có thể có, nhưng hễ nhắc đến bánh ngon thì người am hiểu về ẩm thực Bến Tre sẽ nhắc ngay đến “bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc”. Mà chẳng phải mới đây, danh tiếng ấy đã có gần 100 năm qua, được những người thợ làm bánh làng nghề gìn giữ, lưu truyền cho nhiều thế hệ con cháu. Đã có người nói vui sau khi đã dùng thử bánh làng nghề rằng: “Ai đã từng ăn nhiều loại bánh rồi mà không biết qua bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc thì phí… nửa đời người”. Điều đó chẳng phải cường điệu bởi thực tế, sau khi dùng thử thì nhiều người đã muốn “ăn thêm” và “ăn nữa”, đồng thời mua biếu tặng, giới thiệu người thân bạn bè cùng thưởng thức. Những chiếc bánh tròn xinh, béo thơm từ gạo nếp và đậm đà hương vị từ nước cốt dừa của chính quê hương được mệnh danh là “thủ phủ dừa” của cả nước đã làm say lòng bao thực khách.

Để đáp ứng nhiều khẩu vị khác nhau, hai làng nghề đã cho ra đời nhiều loại bánh phong phú hương vị khi sáng tạo kết hợp cùng nhiều loại trái cây và thực phẩm khác. Cụ thể như bánh tráng nem, bánh tráng dừa,  bánh phồng nếp truyền thống, bánh phồng sữa, phồng mì dán chuối... Bánh sau khi nướng, có hương thơm nhẹ dịu và giòn khi ăn. Ở điều kiện tốt, bánh (chưa nướng) có thể được bảo quản khá lâu và có thể dùng trong mọi thời điểm, trong các buổi mọi người quây quần bên những tách trà thơm, nước mát.

Để có những nét riêng ấy, không thể bỏ qua chuyện cái tâm của những người làm nghề nơi đây. Anh Nguyễn Thanh Huy - một hộ làm nghề bánh tráng ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh chia sẻ: “Người làm nghề bánh tráng Mỹ Lồng chúng tôi đã kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực của cha ông làm hành trang mang theo mình trên bước đường lập thân, lập nghiệp trên quê hương thời kỳ mới. Chúng tôi đến với nghề bằng cái tâm của người làm bánh là luôn trăn trở việc làm sao để duy trì và nâng cao giá trị chiếc bánh”. Đúng như lời anh Huy nói, dẫu qua bao thăng trầm, người dân làng nghề vẫn ngày ngày đốt lò nhóm lửa, xay bột, tráng bánh... bền bỉ đi cùng năm tháng. Cái chất mộc mạc, thủy chung của người làm nghề, của chiếc bánh vẹn nguyên hương vị quê dừa đã làm nét văn hóa ẩm thực quê dừa, hoàn toàn xứng đáng được vinh danh là làng nghề di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

hướng về phía trước

Hai làng nghề không chỉ mang về giá trị kinh tế cho địa phương, tạo việc làm cho hơn 700 lao động tại chỗ mà còn đang phát triển gắn với du lịch. Ông Nguyễn Minh Trung - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Hai làng nghề đã thu hút du khách đến tham quan, khám phá, trải nghiệm, đặc biệt là khách quốc tế, góp phần tạo thêm điểm đến trong phát triển du lịch tỉnh nhà. Du khách tận mắt chứng kiến những nét độc đáo của làng nghề truyền thống, từng công đoạn làm nên sản phẩm, trực tiếp thưởng thức bánh nóng, bánh nướng tại chỗ...

Không dừng lại việc thỏa mãn với danh hiệu, để phát triển hai làng nghề, huyện đã có hướng đi phù hợp với xu thế phát triển chung của tỉnh. Trong đó, chú trọng khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, cải tiến bao bì mẫu mã, nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong quy trình sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới... “Đây không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là sứ mệnh của chúng ta đối với một phần di sản quan trọng và thiêng liêng đã được trao truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác” - Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Trung nhấn mạnh khi nói về việc phát triển làng nghề sau khi được công nhận danh hiệu nêu trên.

Phía hai địa phương cũng đã nhận diện và thể hiện trách nhiệm với sự phát triển của làng nghề truyền thống quê hương mình. Ông Ngô Tấn Quyền - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh bày tỏ: Đây không chỉ là niềm vinh dự, phấn khởi cho cả hệ thống chính trị và bà con làng nghề mà còn là động lực để duy trì và phát triển làng nghề ngày càng bền vững gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương trong thời gian tới. Làng nghề sẽ quan tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm dần sức lao động của con người và không phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Đồng thời, tổ chức lại hình thức sản xuất mà đặc biệt là thành lập lại hợp tác xã theo hướng hợp tác xã kiểu mới để làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm và quảng bá thương hiệu làng nghề vươn xa.

“Hiện trên địa bàn huyện có 5 làng nghề được khôi phục và phát triển mạnh: bánh tráng Mỹ Lồng, kềm kéo (xã Mỹ Thạnh), bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng) và 2 làng nghề đan giỏ cọng dừa Phước Long, Hưng Phong. Hàng năm, các làng nghề này tạo ra sản phẩm đạt doanh thu gần 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 4 ngàn lao động tại địa phương. Riêng hai làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc vừa được huyện tổ chức lễ công bố và đón nhận bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Địa phương sẽ hướng đến việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn, gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.

(Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Văn Bé Sáu)

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN