Xã Long Định có 2 ngôi đình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia

15/08/2018 - 14:26

BDK.VN - Long Định (Bình Đại) là xã đầu tiên ở Bến Tre có hai ngôi đình Long Phụng và Long Thạnh được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia và 43 di tích cấp tỉnh.

Đình Long Thạnh.

Đình Long Thạnh.

Đình Long Thạnh, xã Long Định, huyện Bình Đại được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ký, ban hành Quyết định số 2329/QĐ-BVHTTDL ngày 20-6-2018 về việc xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Đình Long Thạnh có tổng diện tích 2.580m2. Đình được xây dựng lại, gồm các hạng mục: cổng, bức bình phong, 2 ngôi miếu Thổ thần và Ngũ hành và các nhà: Võ ca, Tiền điện, Chánh điện, nhà Khách và nhà Tiên sư. Kiến trúc chung là 3 gian 2 chái kết cấu cột, kèo bằng gỗ, nền lát gạch tàu, mái lợp ngói âm dương và ngói vải cá, vách gỗ, cửa gỗ.

Đình được sắc phong đầu tiên, gồm: 2 sắc Đại càn quốc gia Nam Hải và Bổn cảnh thành hoàng vào ngày 27 tháng 11 năm Thiệu Trị năm thứ 5 (1845); đợt thứ hai cũng gồm 2 sắc như trên được sắc phong vào ngày 26 tháng 12 năm Thiệu Trị năm thứ 5 (1845); đợt thứ ba cũng là 2 sắc như trên được sắc phong vào ngày 8 tháng 11 năm Tự Đức năm thứ 3 (1850) (đình có tất cả 6 sắc phong).

Các đồ án trang trí trên các công trình điêu khắc gỗ cộng với các hiện vật còn lưu giữ như: bao lam, khánh thờ, hoành phi, long trụ, long đình, câu đối... đã nâng cao giá trị nghệ thuật cho ngôi đình. Các đồ án trang trí này thể hiện sự độc đáo, sắc sảo, tài hoa của những người thợ thủ công bậc thầy qua các đề tài: dơi, hoa mẫu đơn, cuốn thư, chuột, chim, tứ quý (mai - lan - cúc - trúc), tứ linh (long - lân - qui - phụng), tùng - lộc, mai - hạc...

Hiện tại, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật gỗ có niên đại hàng trăm năm, rất có giá trị, tiêu biểu như: 4 cuốn thư, 2 cặp long trụ, 1 long đình, 10 hoành phi, 2 bộ lỗ bộ, 4 đôi liễn áp cột, 6 sắc phong, 6  hương án, 5 khánh thờ, 3 bao lam... Các liễn áp cột, hoành phi, câu đối, khánh thờ, long trụ, long đình... được trang trí công phu, sống động và đều được sơn son thếp vàng.

Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật, tập trung nghệ thuật điêu khắc: chạm nổi, chạm ẩn, chạm lộng, chạm hai lớp, đục, chạy chỉ, tiện,... ở một trình độ kỹ thuật cao của nghề chạm khắc gỗ Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. Ngoài ra, Quyết định cũng yêu cầu UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Trần Hoàng Huấn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích