Xã nông thôn mới: Đôi điều cảm nhận

26/01/2019 - 21:39

BDK - Thành thật mà nói, tôi rất bỡ ngỡ, lúng túng và không khỏi ái ngại khi khởi thảo cho bài viết về hai xã Mỹ Thạnh An và Bình Phú từ lúc được biết cả hai đang “chạy nước rút” xây dựng xã nông thôn mới (NTM). Giữa mênh mang bao sự việc, sự tình biết nói gì bây giờ? Bởi tôi biết đây là chủ trương lớn và không hề dễ dàng đối với nhiều địa phương khi bắt tay vào thực hiện.

Một khách sạn được thiết kế với không gian mở ở xã Bình Phú vừa đi vào hoạt động vào đầu năm 2019.  Ảnh: V. Lưu

Một khách sạn được thiết kế với không gian mở ở xã Bình Phú vừa đi vào hoạt động vào đầu năm 2019.  Ảnh: V. Lưu

Tự thân vươn lên

Thời điểm cuối năm, công việc ở xã như càng bề bộn hơn khi Mỹ Thạnh An và Bình Phú ngoài các công tác hàng ngày phục vụ bà con, còn luôn phải liên tục cố gắng thu xếp tổ chức nhân sự xuống cơ sở để đôn đốc thực hiện các việc còn tồn đọng, kiểm tra những phần việc đã làm xong và tiếp đoàn kiểm tra về thẩm định công nhận. Được gặp gỡ các anh chị mang trọng trách trong Ban chỉ đạo, Ban quản lý để tìm hiểu về quá trình xây dựng NTM ở từng địa phương giữa thời điểm này quả là kỳ công của…“Chuyện hẹn hò”!

Tiếp chuyện với tôi, bên cạnh sự thúc bách của bao nhiêu công việc trước mắt, còn đó là nét mặt của anh Võ Văn Sang ở Bình Phú và chị Trần Thị Chọn ở Mỹ Thạnh An. Hình như trong anh chị vẫn còn vương đọng đâu đây nỗi ưu tư, phiền muộn và trăn trở khi bắt đầu khởi sự xây dựng xã NTM hai năm về trước.

Trong số mười chín tiêu chí yêu cầu phải thực hiện, những phần việc “xương xẩu” nhất vẫn là có dính dáng trực tiếp tới người dân. Làm sao để thay đổi cho được nếp suy nghĩ giản đơn, thói quen sinh hoạt tự cấp tự túc tạm bợ manh mún… Nhưng bằng sự kiên trì thuyết phục, khéo léo vận động mà những con đường liên xóm ấp, liên xã khang trang, sạch đẹp như hiện nay lần lượt hình thành. Những đống rác giữa ngã ba, ngã tư không còn nữa. Không những vậy, Bình Phú còn xây dựng một trạm trung chuyển rác, theo tôi là quy mô và vận hành khá tốt hiện nay.

Nhưng vì sao tôi lại chọn Bình Phú, Mỹ Thạnh An để nói đến nhân dịp đầu xuân mà không phải là những nơi khác? Để tỏ rõ vấn đề chúng ta cần quay lại chừng mười năm trước. Lúc bấy giờ, trong việc chỉnh trang và mở rộng đô thị, TP. Bến Tre đã bước đi những bước dài và thật ấn tượng. Những khu dân cư khang trang, tươi tắn mọc lên. Cùng với các cây cầu mới, những quốc lộ, tỉnh lộ được khai sinh, nâng cấp và mở rộng. Chúng đã “ngang nhiên” luồn thẳng vào ao hồ, vườn dừa, ruộng lúa… của các xã. Như những cô thôn nữ còn mơ màng giấc điệp, Bình Phú, Mỹ Thạnh An bỗng bừng thức. Đời sống đô thị nhanh chóng đua theo những con đường xuyên ngang dọc phủ khắp làng quê. Dù muốn hay không thì cũng phải đổi thay. Yêu cầu đổi mới ở đây vừa là yêu cầu khách quan vừa là một đòi hỏi tự thân của từng địa phương nhằm tương thích để bền vững phát triển.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là chủ trương lớn. Sau thời gian thí điểm, Nhà nước đề ra mười chín tiêu chí cơ bản. Nghe có vẻ đơn giản, chỉ có con số mười chín thôi mà… Nhưng khi “đổ” xuống từng xã, chúng vụt tràn ra hàng trăm công việc có tên lẫn không tên! Công tâm mà nói, để đạt được thành quả như ngày hôm nay không thể không nhắc đến nền tảng văn hóa của người dân ở hai xã. Chính từ căn cốt văn hóa mang đậm tính duy mỹ, như một hằng số bất biến ấy của đa số bà con, chúng đã nhanh nhạy nhu thuận trở mình, kịp thích nghi để hòa quyện vào cái vạn biến từ làn gió mới đang ào ạt lùa về nông thôn.

Cần một “Thương hiệu”

Đời sống kinh tế ở đây cũng chưa phải là nổi trội so với nhiều xã khác. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ yếu chỉ là lao động phổ thông ở các lò kẹo, thạch dừa, bánh phồng mì. Trong lúc hoạt động thương mại dịch vụ còn mỏng mảnh và phong trào Đồng khởi khởi nghiệp vẫn còn trong giai đoạn ban  đầu. Nhìn trước ngó sau, trông lên cúi xuống chẳng thấy cây trái nào, con cái gì có thể đẻ ra tiền, ngoài… “con - đất”! Nhưng bình tâm, tỉnh táo nhìn lại thì tiền ngay từ trái dừa xiêm, trái dừa khô, trái sơ ri, trái bưởi da xanh… quanh đây chớ đâu xa. Vậy chớ thử hỏi vì sao quýt Úc 100 ngàn đồng/6 trái, dưa lê Hàn Quốc cỡ nắm tay như trái dưa gang của mình 80 ngàn đồng/2 trái, tàu lá chuối tươi ở Hoa Kỳ 5 đô la/tàu… Vì sao cây trái đặc sản quê mình không “lên đời” được?

Ai ai trong chúng ta cũng biết đã qua rồi cái thời làm ăn tập thể chiếu lệ. Nhưng vấn đề đã từng bước được minh định và nhìn nhận lại một cách nghiêm túc trên một phương vị khác. Không hợp tác là không thể xoay chuyển được tình hình, nếu không muốn nói là “chết”. Thực tế chúng ta đã từng “chết” với thịt heo 100 ngàn đồng/4 ký, dừa khô 2 ngàn đồng/trái, cam 3 ngàn đồng/ký… Không khéo tính toán có thể sẽ còn “giải cứu” nữa.

Những ngày trung tuần tháng mười một vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Bến Tre đã về kiểm tra xã Bình Phú. Dù đạt 34/34 phiếu bầu chọn như Bình Phú hay bao nhiêu đi nữa thì sự công nhận ấy cũng chỉ dừng lại ở sự công nhận ban đầu. Nó giống như đứa học trò được cho chuyển cấp vậy, còn có học hành được hay không lại là chuyện khác…

Nhìn con số 23 xã viên của Bình Phú vừa được hình thành trên cơ sở lắp ghép với Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Mỹ Thạnh An (tiền thân là HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An) tôi thật sự xúc động và thương cảm cho người nông dân của quê mình. Con số hơn 130 xã viên hiện hữu của Mỹ Thạnh An giờ được ké thêm 23 triệu đồng nữa để nâng tổng số vốn góp vào lên hơn 210 triệu đồng. Đúng là “Lá lành đùm lá rách”. Những tổ hợp tác, HTX trên địa bàn Bình Phú, Mỹ Thạnh An đang từng bước được khai sinh, củng cố rồi trưởng thành và phát huy năng lực để dựng nên các thương hiệu chẳng thua kém gì những trái quýt Úc khô khào, dưa lê Hàn Quốc chẳng mấy gì là thơm ngon mà có lần tôi đã được dùng thử kia… Nhưng sở dĩ người ta “làm trời” được bởi hàng hóa người ta có đai có đẳng. Người ta sản xuất có quy trình, tiêu chuẩn… Dư lượng hóa chất kích thích tăng trưởng và bảo vệ động vật, thực vật trong thương phẩm của họ không quá dư thừa xâm hại sức khỏe người tiêu dùng. Xây dựng được chiến lược phát triển, không ăn xổi ở thì, hám lợi trước mắt. Mong mỏi như vậy để rồi tôi tự hỏi, không biết bao lâu nữa cây trái của mình được dán tem điện tử để từ London, Paris… “thượng đế” dùng smartphone truy xuất nguồn gốc để biết trái bưởi giá 10 đô la này, hộp sơ ri 5 đô la kia là giống nào, ở vườn của xã viên nào thuộc HTX Bình Phú, Mỹ Thạnh An…

Dĩ nhiên sẽ có rất nhiều cách để làm sai và chúng ta đã từng vô tư như vậy, nhưng chỉ có một hai cách làm đúng. Với bạn hàng quốc tế, người ta chỉ nhìn nhận cách làm đúng. Điều đó không chỉ để khôi phục lòng tin của người dân và xã viên HTX, mà còn là để mang lại sự ấm no, thịnh vượng dài lâu cho rất nhiều bà con nông dân. Chúng ta chờ đợi và đặt niềm tin này vào hai xã Bình Phú, Mỹ Thạnh An, vào các HTX Mỹ Thạnh An, Bình Phú vào một tương lai không xa, khi đó có thêm lý do tự hào về thành phố mình đang sống.

Cái Cối, tháng 11-2018

Bút ký của Từ Phạm Hồng Hiên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN