Trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng

13/03/2019 - 08:19

BDK - Tham gia cùng đoàn công tác của Hội Nhà báo tỉnh trong chuyến tham quan thực tế sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao từ ngày 5 đến 8-3-2019, tại tỉnh Cà Mau, phóng viên Báo Đồng Khởi có dịp trải nghiệm hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng của người dân địa phương. Mô hình du lịch tuy không mới với tỉnh nhưng có những cách làm và kinh nghiệm có thể học tập, nhân rộng.

Đoàn công tác Hội Nhà báo tỉnh tham quan thực tế tại Đất Mũi.

Đoàn công tác Hội Nhà báo tỉnh tham quan thực tế tại Đất Mũi.

Điểm đến là nhà

Chuyến tham quan thực tế đã khép lại nhưng hình ảnh đất và người ở nơi tận cùng cực Nam của Tổ quốc còn vương vấn. Không chỉ với tôi - lần đầu lạc cảnh thiên nhiên ngút ngàn với dải rừng tràm, đước dọc 2 bên đường mà nhiều người đã đôi ba lần đến Đất Mũi không khỏi trầm trồ trước bức tranh phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp này. Đáng nói nhất, cách làm du lịch của người dân nơi đây là điểm nổi bật thu hút du khách.

Với phương châm “điểm du lịch là nhà, khách du lịch là người thân”, điểm du lịch Homestay Đất Mũi Nguyễn Văn Nhuần luôn nhắc nhở nhân viên chú ý thái độ phục vụ, đón đãi khách như những người thân mới về. Bên cạnh đó, điểm du lịch tổ chức, hướng các hoạt động theo lối sống đặc trưng của địa phương như: bắt ốc, đặt lọp, câu cá, đi soi ba khía… để phục vụ khách tham quan. Điều thú vị là du lịch sinh thái cộng đồng tại Đất Mũi có nhiều hoạt động: thưởng ngoạn thiên nhiên, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn, thưởng thức các món dân dã thấm tình quê.

Lần thứ 2 trở lại Đất Mũi, anh Nguyễn Văn Thẻ - phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre chia sẻ: “Ngoài cảm giác rất gần gũi thiên nhiên, ấn tượng nhất ở Đất Mũi là thái độ phục vụ của người dân rất thân thiện và nhiệt tình. Cách làm du lịch của họ bài bản, từ khâu chào đón nồng nhiệt, chia tay tình cảm tạo cho tôi cảm giác như đang ở nhà của mình”.

Chiếc tắc ráng (cách gọi tên một loại thuyền có máy để di chuyển trên sông của người dân Cà Mau) đưa đoàn người len lỏi vào cánh rừng xanh và mát rượi cùng hệ sinh thái rừng ngập nước. Càng tiến sâu vào vườn quốc gia Mũi Cà Mau, sự trù phú, giàu có về rừng và biển càng hiện rõ. Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển có nhiều nét thiên nhiên, hệ sinh thái tương đồng với rừng ngập nước huyện Thạnh Phú của tỉnh. Có nhiều món đặc sản: cá thòi lòi nướng muối ớt, canh chua cơm mẻ hay canh chua trái giác với các loại thủy sản đặc trưng: cá ngát, lươn… Các món ăn từ thiên nhiên vừa ngon vừa dân dã “đúng điệu quê nhà!”.

Bà Lương Thị Phượng - chủ điểm du lịch Homestay Đất Mũi Nguyễn Văn Nhuần cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng tạo cảm giác thân thiện với tất cả du khách trong và ngoài nước vì đây là yếu tố để níu chân họ trong những lần du lịch tiếp theo”. Theo bà Phượng, gia đình bà làm du lịch được 5 năm. Ban đầu vào lĩnh vực du lịch, gia đình bà rất bỡ ngỡ nhưng nhờ sự hiếu khách, cầu thị ý kiến của thực khách, khâu tổ chức, phục vụ đi vào nền nếp, du khách thường xuyên ghé tham quan, kinh tế ổn định; thu nhập gia đình bà khấm khá hơn làm vuông tôm trước đó.

Trung bình mỗi tháng, điểm du lịch của bà Phượng có gần 1 ngàn lượt du khách đến tham quan. “Muốn phát triển du lịch cần quan tâm thái độ phục vụ, loại hình và giá cả dịch vụ. Sắp tới, để đáp ứng nhu cầu khách tham quan, gia đình tiếp tục đầu tư khu nhà nghỉ trên các con rạch phục vụ khách ở đêm”, bà Phượng chia sẻ.

Nhân rộng mô hình

Nhờ mạnh dạn khai thác tiềm năng đặc trưng thiên nhiên kết hợp với cộng đồng, những nông dân chân đất ở Đất Mũi đã vươn lên phát triển kinh tế trở thành ông, bà chủ làm hút lòng biết bao du khách khi đến tham quan. Không những tăng thu nhập cho gia đình, các điểm du lịch còn tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Bà Lương Thị Phượng cho biết thêm, vào mùa khách đông, ngoài 5 người con trong gia đình, bà phải thuê thêm nhân viên, tài công lái tắc ráng đưa khách tham quan các tour trong vuông và hướng dẫn ra bãi bồi.

Không có nhiều thời gian để trải nghiệm tất cả các hoạt động tại điểm du lịch homestay ở Đất Mũi nhưng phần nào cảm nhận sự liên kết, gắn bó hòa quyện giữa con người và thiên nhiên. Người dân phát triển du lịch nhưng không phá vỡ hệ sinh thái và môi trường thiên nhiên, mà ngược lại bảo vệ, không để bất kỳ tác nhân nào làm xâm hại thiên nhiên. Ở đây, ý thức khai thác, phát triển du lịch gắn với bảo vệ thiên nhiên của người dân rất cao, đồng nghĩa lợi ích của người dân tỷ lệ thuận với việc bảo vệ đó. Chính những hộ dân, những điểm du lịch ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là bờ rào chắc chắn bảo vệ môi trường cho khu vực đất ngập nước này.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia đồng bằng Danube, Romania Marian Tudor, việc đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng là cách để nhân loại khắc phục và bù đắp cho tác động xấu của con người đối với thiên nhiên. Nếu phát triển được, mô hình sẽ giúp bảo tồn hệ thống rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân, giảm áp lực xâm hại đến tài nguyên thiên nhiên.

Hiện nay, tỉnh nhà tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng. Đây được xem là hướng đi tất yếu để bảo vệ môi trường, một chiến lược phát triển bền vững. Trong điều kiện thiên nhiên khu vực rừng ngập nước ở Thạnh Phú và Đất Mũi có nhiều nét tương đồng, những bài học kinh nghiệm từ mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Đất Mũi có thể đúc kết để tham khảo, học tập nhân rộng.

“Năm 2013, Tổ chức SIDA Thụy Điển và Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Ban đầu, 4 hộ dân làm thí điểm, họ bắt đầu làm du lịch từ việc sửa chữa nhà ở, mua sắm trang thiết bị rồi cải tạo ao nuôi nhằm thu hút du khách tham quan. Đến nay, các hộ dân đã thí điểm thành công mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Chính quyền và người dân địa phương đã và đang chuyển sang phát triển thêm mô hình du lịch để bảo vệ Mũi Cà Mau - Khu dự trữ sinh quyển thế giới”.

(Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Dũng)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN