Độc đáo thanh âm của 13 bộ đàn đá

15/01/2021 - 07:07

BDK - Trong nhiều ngày qua, Công viên Bến Tre (Công viên An Hội, tọa lạc tại phường An Hội, TP. Bến Tre) trở nên nhộp nhịp vào mỗi buổi chiều tối. Trong khí trời mát mẻ, không gian thoáng đãng giữa thành phố quê dừa tươi xanh, những thanh âm vui tai, rộn rã đã vang lên từ 13 bộ đàn đá vừa được lắp đặt. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 61 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 -17-1-2021) và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII năm 2021 do Nghệ nhân - Kỷ lục gia Trương Đình Chiếu tài trợ hoàn toàn. Công trình sẽ được khánh thành vào ngày 16-1-2021.

Nghệ nhân Trương Đình Chiếu trình diễn âm nhạc trên bộ đàn đá vừa được lắp đặt.

Nghệ nhân Trương Đình Chiếu trình diễn âm nhạc trên bộ đàn đá vừa được lắp đặt.

Công trình văn hóa

Nghệ nhân - Kỷ lục gia Trương Đình Chiếu được giới nghệ thuật và công chúng biết đến là một người nghệ nhân có tài chơi được nhiều loại nhạc cụ (ông có thể chơi được 100 loại nhạc cụ và phối khí cùng lúc 10 loại nhạc cụ khác nhau). Ông đã được Trung tâm UNESCO Văn hóa thông tin truyền thông công nhận là người có thể biểu diễn cùng một lúc nhất Việt Nam (năm 2012). Ông sinh ra và lớn lên ở TP. Hồ Chí Minh, là Trung úy ngành Công an. Ông đam mê âm nhạc từ nhỏ và kiên trì đeo đuổi theo thời gian cho đến nay.

Với trái tim cháy bỏng cùng âm nhạc dân tộc, ông không chỉ chơi đàn mà còn chế tác đàn đá và trao tặng nhiều nơi để đưa vào phục vụ công chúng. Đến nay, ông đã làm hơn 300 bộ đàn. Trong đó, ông đã trao bộ đàn đá 20 tấn cho Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng tại sóc Bom Bo thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; tặng cho nhiều nhà thiếu nhi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trường học, thiền viện ở nhiều tỉnh, thành… với mong muốn gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Riêng bộ đàn đá tại Bến Tre cũng đang được Tổ chức xác lập kỷ lục Việt Nam đang tiến hành xem xét, thẩm định để xác lập kỷ lục về công trình văn hóa công cộng có nhiều bộ đàn đá nhất Việt Nam. Ông chia sẻ: “Công trình này là tất cả tâm huyết của tôi với tình cảm dành cho quê hương xứ Dừa. Tôi đã dành sự đầu tư lớn hỗ trợ cho công trình này, với mong muốn không chỉ bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, tạo điều kiện để cộng đồng, quần chúng nhân dân tiếp cận, thụ hưởng và là những người sẽ làm cho văn hóa dân tộc Việt Nam phát triển”.

Nghệ nhân - Kỷ lục gia Trương Đình Chiếu diễn giải thêm, mỗi bộ đàn có hình dáng như một chiếc ghe (hình ảnh vùng sông nước). Trên hai đầu ghe có biểu tượng như hình trái dừa. 13 bộ đàn hình thành như một đoàn ghe của quê hương xứ Dừa hướng đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và hướng đến sự phát triển về sau. Đây cũng sẽ là một trong những điểm đến tham quan du lịch của du khách khi đến với Bến Tre. Bến Tre sở hữu bộ đàn đá này sẽ là điểm nhấn văn hóa tại địa điểm công cộng (công viên) mà chưa có nơi nào trên toàn quốc có như tương tự.

Gần gũi, dễ thực hành

Bộ đàn đá hiện đã cơ bản được lắp đặt hoàn thiện. Trong những ngày qua, hầu như chiều tối nào cũng có nhiều người dân đến tham quan, trải nghiệm bộ đàn đá trong không khí vui tươi, sôi nổi. Bản thân nghệ nhân Trương Đình Chiếu cũng đã có nhiều lần trình diễn phục vụ bà con đến xem. Ông đã trình diễn bài nhạc như: Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Dáng đứng Bến Tre… được gõ nhịp nhàng, sôi động, tạo cảm xúc hào hứng vui tươi cho người nghe.

Nghệ nhân - Kỷ lục gia Trương Đình Chiếu chia sẻ: Bộ đàn được thực hiện bằng loại đá núi lửa (đá hiếm), được chế tác trở lại thành bộ đàn với nhiều thanh đá (mỗi thanh đá là một nốt nhạc riêng). Bộ đàn đá này có thể chơi được cho tất cả các bài nhạc, kể cả dàn nhạc giao hưởng. Trong tất cả các loại nhạc cụ, đàn đá là loại nhạc cụ dễ chơi, dễ học. Vì thế, từ các em thiếu nhi đến người cao tuổi đều có thể học và chơi được. Đây là loại nhạc cụ mang nét riêng biệt, khác hẳn những tính năng của các loại nhạc cụ khác. Đặc biệt, âm thanh rất độc đáo. Khi biểu diễn âm nhạc bằng đàn đá, người nghe sẽ cảm nhận âm thanh “rất đầy”, rất liền lạc với tiếng vang của đá.

Trong mấy ngày vừa qua, tại khu vực lắp đặt đàn đá, nhiều em thiếu nhi chỉ độ 4 - 5 tuổi được ba mẹ chở đến tham quan, vui chơi, cũng đã có thể tự gõ chơi được. Em Phan Như Thi - Học sinh lớp 8/3 Trường THCS Thành phố Bến Tre bày tỏ: “Em đã được thầy cô giáo ở trường giới thiệu biết qua thông tin về đàn đá, nhưng chưa thấy trên thực tế. Bản thân em rất thích âm nhạc nên em cảm thấy rất thích khi được trực tiếp trải nghiệm. Tiếng đàn nghe rất hay và thú vị”.

Cùng với việc thực hiện tiến độ công trình, Nghệ nhân - Kỷ lục gia Trương Đình Chiếu vừa tổ chức dạy cho nhiều giáo viên âm nhạc của các trường học trên địa bàn TP. Bến Tre và một số diễn viên Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. Đây sẽ là nguồn lực để hướng dẫn, phục vụ về sau cho các hoạt động biểu diễn đàn đá tại tỉnh. “Chúng tôi đã được thầy Trương Đình Chiếu hướng dẫn hơn một tuần qua thực hành đàn đá với bài Dáng đứng Bến Tre. Tôi đã biết thông tin về đàn đá nhưng đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm trên đàn đá. Tôi cảm thấy rất hào hứng khi tham gia tập chơi đàn trên bộ đàn đá này. Bộ đàn cũng rất dễ chơi và có thể thực hành được ngay khi thầy hướng dẫn”, cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Giáo viên âm nhạc, Trường THCS Phú Hưng, TP. Bến Tre chia sẻ.

Nghệ nhân Trương Đình Chiếu gửi gắm: “Tôi đã đặt cả tâm huyết để trao tặng cho quê hương Bến Tre bộ đàn đá này, cũng giống như tôi đã gửi gắm “những đứa con” của tôi lại đây. Vì vậy, tôi rất kỳ vọng, bộ đàn đá sẽ góp phần cho âm nhạc dân tộc ngày càng phát triển ra cộng đồng. Nếu được, tỉnh có thể xem xét đưa vào chương trình giáo dục học đường, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho các em học sinh để các em được tiếp cận và hiểu thêm về đàn đá dân tộc”.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN