Hình ảnh người mẹ trong thơ Việt Nam hiện đại

17/10/2011 - 07:42

Mỗi con người đều được sinh ra từ một mẹ. Tiếng mẹ vang lên bằng mọi thứ ngôn ngữ trên trái đất này thiêng liêng và thân thuộc biết bao. Người mẹ là mạch nguồn của sự sống, là nơi khởi đầu, là nguồn suối vô tận nuôi dưỡng tình yêu. Không gì có thể so sánh được với tình yêu thương của mẹ. Hình ảnh người mẹ hiện hữu trong các loại hình nghệ thuật, trong thơ ca, nhạc họa, là nơi tiềm ẩn của niềm tin và sức mạnh, là cội rễ của mọi di sản văn hóa thiêng liêng và tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Mẹ đâu chỉ là mẹ của riêng ta, Mẹ còn là Mẹ Tổ quốc, Mẹ nhân loại.

“Quê hương mỗi người chỉ một/ như là chỉ một mẹ thôi” (Đỗ Trung Quân). Chỉ một mẹ thôi mà biết bao ơn nghĩa sâu nặng. Nêu thiếu vắng tình yêu của mẹ thì cuộc sống của chúng ta sẽ bất hạnh và đau khổ biết chừng nào. Mẹ không chỉ là người “mang nặng đẻ đau” ấp ủ ta trong bào thai chín tháng mười ngày, mà còn là người nuôi dưỡng chở che ta trong suốt hành trình dài của cuộc đời: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” (Chế Lan Viên). Có thể nói người mẹ với những phẩm chất tuyệt vời: đảm đang, tần tảo, giàu đức hy sinh, thương yêu  chồng con đến quên cả bản thân mình… đã trở thành nguồn đề tài vô tận của thơ ca. Biết bao nhà thơ thuộc các thế hệ khác nhau đã làm thơ ca ngợi Mẹ. Tuy giọng điệu, ngôn ngữ, cách thể hiện… mỗi người một vẻ nhưng tất cả đều chung một cảm xúc. Đó là tình cảm yêu thương sâu nặng, lòng biết ơn chân thành tha thiết. Thật hạnh phúc khi được tiếp cận với mạch nguồn phong phú, đa dạng trong thơ viết về người Mẹ không ngừng tuôn chảy trong suốt chiều dài lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại. Điều đó cũng thật là dễ hiểu, bởi vì đã sinh ra làm người, ai cũng đều thấm thía công lao như trời biển của Mẹ: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Tiếng mẹ vang lên trong tiềm thức chúng ta như một tín hiệu thiêng liêng của tình mẫu tử, nơi chứa đựng và lưu giữ bao điều kỳ diệu của cuộc sống: “Đất quê ta mênh mông/ Lòng mẹ rộng vô cùng” (Bùi Minh Quốc) “Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn/ Bà ru mẹ/ Mẹ ru con/ Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?” (Nguyễn Duy). Các con còn nhớ chăng? Các con có biết chăng những nỗi niềm ấm lạnh, những đắng cay nhọc nhằn mà mẹ đã gánh chịu để nuôi dạy con khôn lớn thành người: “Bầm ra ruộng cấy bầm run/ Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non/ Mạ non bầm cấy mấy đon /Ruột gan bầm lại thương con mấy lần” (Tố Hữu) . “Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan” (Trần Đăng Khoa). Chúng ta hiểu điều ấy. Cho nên đã biết bao nhiêu bài thơ thể hiện niềm tri ân, sự thành kính yêu thương với các bậc sinh thành: “Đời mẹ như bến vắng bên sông/ Nơi đón nhận những con thuyền tránh gió/ Như trời xanh vẫn nhẫn nại sau mây/ Con đường nhỏ dẫn về bao tổ ấm/ Con muốn nói lời gì đằm thắm/ Ru tuổi già của mẹ tháng năm nay” (Ý Nhi). “Ngôi nhà mẹ là chiếc ga bé nhỏ/ Chúng con đến và đi trong suốt cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh).

Cũng bởi tình yêu đó nên dường như trong tâm tưởng mỗi con người khi đã khôn lớn trưởng thành đều canh cánh một nỗi niềm ân hận. Sự hối tiếc về những trò nghịch ngợm tuổi thơ khiến cho mẹ phải lo buồn: “Trên đời này chẳng có ai lo cho ta bằng mẹ/ Cũng chẳng ai cho ta làm khổ nhiều như mẹ của ta/ Mẹ ơi nếu được sống lại tuổi thơ/ Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học/ Sẽ chẳng bao giờ làm mẹ xót xa” (Lưu Quang Vũ). Có khi là một thoáng ân hận vì sự “vô tình” mãi chạy theo những cái phù phiếm mà xao lãng tình cảm đối với mẹ: “Con mê hoặc những cánh buồm phía bể/ Sau chân trời, chân trời khác càng xa/ Không biết sau lưng tóc mẹ sương nhòa/ Không biết đời người gang tay và công danh mây nổi” (Nguyễn Sĩ Đại). Và có lẽ sự dày vò lớn nhất là khi ta cảm thấy mình không xứng đáng với niềm mong chờ, hy vọng của mẹ: “Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/ Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ được hái/ Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh” (Nguyễn Khoa Điềm).

Trên cõi đời này có vô số những điều tốt đẹp, có trăm nghìn loài hoa, có nghìn vạn ngôi sao, nhưng mẹ ta “chỉ có một trên đời”. Chính vì vậy nên những bài thơ khóc thương khi người mẹ qua đời thường là những lời thơ gan ruột thấm thía nhất. Bao nhiêu bài thơ dâng Mẹ cũng không thể lấp đầy khoảng trống hụt hẫng khi đời ta không còn mẹ nữa. Nỗi đau chia biệt tình mẫu tử không gì sánh nổi, những câu thơ thấm đầy nước mắt với một nỗi nghẹn ngào, quặn thắt tâm can: “Làm sao tin có thể/ Mẹ đã hóa mây trời?/ Mẹ đã thành nấm đất/ Mẹ đã thành xa xôi?” (Phạm Quốc Ca). Tiếng con gọi mẹ không còn nghe thấy nữa. Mọi níu giữ đã trở thành bất lực. Ngay cả những lời cầu xin chân thành da diết nhất cũng đã tan vào hư vô: “Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió người không thấy về/ Xin người hãy trở về quê/ Một lần cuối/ Một lần về cuối thôi/ Con xin ngắn lại đường gần/Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi…” (Trúc Thông).

Mẹ đã hòa tan vào đất trời, cây cỏ, vào sự sống tươi xanh, hình bóng và tình yêu của mẹ lại tiếp tục được gieo trồng và gìn giữ trong lòng con cháu. Bởi vì:

“Dẫu khi tắt nghỉ cuộc đời

Trái tim mẹ giữa đất trời còn yêu” (Lâm Thị Mỹ Dạ)

Nguyễn Văn Thanh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN