Khoảnh khắc 40 năm nghiệp báo tự hào bi - tráng, tự tin

23/10/2013 - 08:59
Tác giả trước một góc khu Cung điện mùa hè ở Hàng Châu (Trung Quốc).

KHOẢNH KHẮC 40 NĂM NGHIỆP BÁO (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2013) là tập sách thứ hai, sau “Đạo Dừa - Ông là ai?” của nhà báo Lê Minh Trí (Minh Trấn) vừa ra mắt bạn đọc.

Tập sách tập hợp nhiều bài báo với nhiều đề tài kinh tế, chính trị, xã hội… Và quan trọng hơn hết có lẽ là thông tin, những thông điệp cốt lõi từ đó. Theo tôi, nó có thể đọng lại nhiều trong người đọc những gì thuộc về niềm tự hào bi - tráng, niềm tin.

Thoáng mới đó mà đã bốn mươi năm.

Thoáng mới đó, bây giờ là kỷ niệm, là niềm nhớ…

Tôi nhớ từ những ngày đầu làm báo Đồng Khởi, anh Minh Trấn đã có nhiều bài viết tầm cỡ cùng với các cây bút chủ lực thời bấy giờ là Hà Thanh Niên, Phương Đông, Vũ Tấn… Văn chương chữ nghĩa của anh là sâu lắng, dạt dào tình cảm. Có lẽ vì là một “khoảnh khắc” của 40 năm thôi nên những bài viết từng tạo hiệu ứng mạnh một thời mang tên Minh Trấn, Trí Minh chưa thấy xuất hiện. Đó là bối cảnh hừng hực khí thế cách mạng “một ngày bằng ba mươi năm” khi cả nước vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến vệ quốc thần kỳ đã toàn tâm toàn ý dấy lên rầm rộ phong trào đồng khởi làm thủy lợi; tất cả cho sản xuất, tất cả để chiến thắng nghèo nàn lạc hậu… đã được anh cùng các nhà báo đương thời đưa lên mặt báo. Nói làm báo là biên niên sử, là làm lịch sử cũng xác đáng lắm. Với nhà báo Minh Trấn, chủ đề về lịch sử, đất nước, con người, tình yêu quê hương cố xứ càng đậm đà hơn trong “Khoảnh khắc 40 năm nghiệp báo”, khi mà phần lớn những bài viết của anh hướng mạnh về mảng đề tài này. Ba Tri đất và người; Những người mẹ xứ Dừa; Con người – lịch sử; Đại tá Phạm Ngọc Thảo… là những bài viết tiêu biểu. Tác giả còn có lúc đề cập sâu về đất nước, con người Bến Tre trong những tập sách khác như: Văn thơ Ba Tri, Du lịch xứ Dừa, Đạo Dừa – Ông là ai? Tôi nghĩ, anh sẽ còn có những tác phẩm “chất lượng cao” hơn nữa dưới góc nhìn của một thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

“Khoảnh khắc 40 năm nghiệp báo” như chỉ mới khái quát, tổng hợp một số sự kiện nổi bật từ những ngày khởi thủy công cuộc đổi mới đất nước và rõ nét hơn là từ những năm 1990 đến nay. Đa số là những bài viết ở thể loại phản ảnh, ghi chép có nêu chủ đích tác giả, có đề xuất giải pháp và định hướng sáng rõ. Ngôn ngữ rặt báo chí cho nên những câu chữ, ngữ nghĩa trong những trang viết của nhà báo Minh Trấn là ngồn ngộn thông tin, thông điệp.

“Khoảnh khắc 40 năm nghiệp báo” kéo người đọc về lại một thực tại đang còn đa đoan những vất vả và bon chen vì bởi đất nước đã phải đi qua mấy cuộc chiến quá khốc liệt dù là rất kiên cường. Những ảnh hình bi tráng đó như được khái quát, thu nhỏ qua Ký ức Điện Biên, Hành hương về Côn Đảo, Những người mẹ Xứ Dừa...

Tác giả “Khoảnh khắc 40 năm nghiệp báo” đã gợi mở ra một chân trời mới khoáng đạt, uy nghi khi giới thiệu trong tập sách của mình loạt ký sự đường xa, đặc biệt là Trung Quốc ký sự. Đó là một hình thái kinh tế mới, rực rỡ sắc màu, thiết thân với cuộc sống Á Đông, văn minh với thời hội nhập. Hay đó chính là một Trung Hoa tiêu biểu của nền văn minh Đông Phương, một Trung Hoa mới hình như đang trên đường đi tới “trung tâm của vũ trụ?”

Tác giả của tập sách như có ý động viên rằng, mọi người hãy cứ yên tâm về sự đổi mới và đi lên của non sông đất nước, bởi dân ta từ lâu vốn có truyền thống hiếu học, luôn biết vượt qua cảnh khổ để trở thành những bậc anh tài (Quê hương trong cõi vô thường).

Riêng loạt “Chuyện thật như bịa” dưới tựa đề Nhiều chức, Gà hay Cáo, Ôi! Tứ linh, Né tránh… là những tiểu phẩm cực ngắn nhưng là loại vũ khí cực hiểm, từng tuyên chiến với nhiều tường thành trì trệ, bảo thủ, lạc hậu thời mới đổi mới. Bằng ngôn ngữ châm biếm, tác giả đã phát giác, cảnh báo những tật xấu, những thoái hóa biến chất của các “ông quan cách mạng”, của phường phe phẩy quanh ta đã ngang nhiên bóc lột nhân dân, làm nghèo đất nước… (Chuyên mục “Chuyện thật như bịa” này ký tên là Mõ Tre).

Phải nói là anh Minh Trấn đã “sáng lập” ra chuyên mục “biếm” này, bởi vì anh viết đầu tiên và viết thường xuyên, và bởi hiệu ứng, tầm ảnh hưởng của “Mõ Tre” thì không chỉ riêng cho một thời mới đổi mới. Tôi nghĩ “Mõ Tre” là thằng Mõ (trong điển tích), còn ở đây là thằng Mõ riêng của vùng đất Bến Tre Đồng Khởi; nghĩa đen là cái mõ bằng tre, nó kêu thanh, vang vọng; Mõ Tre còn có nghĩa là M.T, là bút danh Minh Trấn.

Có lẽ trong “Khoảnh khắc 40 năm nghiệp báo”, nhà báo Minh Trấn chỉ mới “trình làng” một chút gì toát yếu, khái quát. Và anh, một nhà báo thâm niên công vụ, với 40 năm làm báo giàu “trận mạc”, hẳn phải còn nhiều sự kiện ly kỳ. Nói như nghiệp vụ chuyên môn báo chí, anh hãy còn nhiều tư liệu khô (chất liệu) quý hiếm, chất lượng cao, để có thể tận dụng cho lâu dài.

Chờ anh ở những tập sách mới.

Tháng 10-2013

Huỳnh Thanh Văn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN