Nâng cao trách nhiệm thực hiện các biện pháp tích cực để quản lý chặt chẽ đất công

24/07/2009 - 09:01
Bó láng vỉa hè đường Hùng Vương, phường 3, thị xã Bến Tre (ảnh minh họa). Ảnh: T.Mãi

Đất công là đất thuộc quyền sử dụng của các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng và đoàn thể chính trị xã hội. Đây là nguồn tài sản có giá trị lớn và giá trị ngày càng tăng. Đất công được sử dụng làm trụ sở cơ quan, để xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… phục vụ xã hội. Ngoài ra, trong những năm qua, một số thửa đất công Nhà nước không có nhu cầu sử dụng đã được chuyển quyền sử dụng cho các đối tượng thuộc các thành phần kinh tế khác để lấy tiền đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Do đó, diện tích đất công ngày càng giảm dần trong khi nhu cầu sử dụng đất công ngày càng tăng.

Bên cạnh đa số diện tích đất công được sử dụng đúng mục đích vì lợi ích chung, có một số diện tích đất công bị sử dụng sai mục đích, sai luật pháp và các quy định về quản lý đất đai, vì lợi ích riêng của một số người, làm thất thoát tài sản Nhà nước, gây bất công và bất bình trong nhân dân. Dạng sai phạm rõ nhất là lấn chiếm đất công. Do đất công chưa được cắm mốc ranh giới rõ ràng và không được quản lý chặt chẽ nên bị một số người ở giáp ranh lấn chiếm, chính quyền sở tại không kịp thời ngăn chặn, lâu ngày giải quyết rất khó khăn. Một số cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước sau khi giải thể, đất đai cũng bị chiếm dụng bất hợp pháp, như trường hợp một cá nhân ở thị trấn Ba Tri chiếm đất công của Xí nghiệp Hóa chất Ba Tri sau khi giải thể (bài đăng trên báo Đồng Khởi số ra ngày 17-7-2009). Dạng sai phạm khá phổ biến trước đây là do một số thửa đất công chưa được Nhà nước sử dụng nên chính quyền địa phương (cấp xã, cấp ấp) tạm cấp cho một số người sử dụng, trong đó có cả một số cán bộ. Việc tạm cấp này không đúng thẩm quyền, sai các qui định về quản lý đất đai qua các thời kỳ, gây dư luận, thắc mắc trong nhân dân. Dạng sai phạm thứ ba xảy ra ở một số nơi là cho mượn, cho mướn đất công để lấy tiền một phần dùng xây dựng các công trình giao thông nông thôn và một phần để cơ quan chi tiêu. Hồ sơ thủ tục, giá cả, thẩm quyền cho mượn, cho mướn đất công rất đơn giản, sơ sài, không đúng thẩm quyền, không đúng qui định. Phần lớn các thửa đất công do xã, ấp tạm cấp hoặc cho mượn, cho mướn không được hợp thức hóa. Tuy nhiên, cũng có một số thửa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) gây thắc mắc trong những người cùng được tạm cấp đất.

Các dạng sai phạm về quản lý đất công diễn ra trong quá trình lâu dài từ sau ngày giải phóng đến nay, nhiều nhất là thời kỳ hậu tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân do trước đây giá trị đất đai còn thấp, các qui định của Nhà nước về quản lý đất công chưa đầy đủ và còn một số sơ hở, không phù hợp thực tế. Nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, do quản lý đất công của chính quyền các cấp và của ngành quản lý đất đai còn lỏng lẻo. Một số ít cán bộ lợi dụng chức quyền xà xẻo đất công.

Để quản lý đất công tốt hơn, cần ngăn chặn các sai phạm mới đang xảy ra, đồng thời từng bước khắc phục các sai phạm trước đây. Đối với một số thửa đất Nhà nước không có nhu cầu sử dụng, cần được hóa giá, chuyển nhượng nhanh nhưng phải làm đúng các qui định về thủ tục thanh lý tài sản Nhà nước. Đối với các thửa đất công còn lại, phải được cắm mốc ranh giới rõ ràng, chắc chắn và phải bảo quản cột mốc lâu dài. Tập trung giải quyết, xử lý nghiêm các trường hợp cá nhân lấn chiếm đất công theo đúng trình tự và các qui định của pháp luật. Đối với các thửa đất do tập đoàn sản xuất nông nghiệp, chi bộ, chính quyền cấp xã, cấp ấp giao cấp cho cá nhân vượt quá thẩm quyền (gọi là đất cấp sai thẩm quyền, đất vi phạm Chỉ thị 77 của Hội đồng Bộ trưởng ngày 9-3-1992) cần giải quyết đúng theo chủ trương của UBND tỉnh tại Công văn số 1004 ngày 11-4-2006. Các trường hợp trước đây giao cấp đất có diện tích từ 300m2 trở xuống thì nay giao quyền sử dụng đất (đất nông nghiệp) không thu tiền sử dụng đất. Nếu chuyển mục đích sử dụng đất thì thu tiền sử dụng đất. Các trường hợp trước đây giao cấp đất có diện tích trên 300m2 cũng được tiếp tục giao quyền sử dụng cho người đang sử dụng nhưng có thu tiền sử dụng đất theo giá qui định hiện hành của Nhà nước đối với từng loại đất. Các trường hợp trước đây giao cấp sai thẩm quyền nay đã chuyển nhượng cho người khác sử dụng thì tiến hành giao đất và thu tiền sử dụng đất người đang sử dụng. Đối với các trường hợp chính quyền địa phương cấp xã, cấp ấp cho mượn, cho mướn đất công thì xem xét từng trường hợp cụ thể để xử lý hoặc thu hồi hoặc tiếp tục cho thuê nhưng cơ quan có thẩm quyền, phải làm lại đúng qui trình và thủ tục.

Phòng chống sai phạm và khắc phục hậu quả sai phạm trong quản lý đất công có thể bị mâu thuẫn với nguồn lợi riêng của một số ít cá nhân, tập thể. Nhưng vì lợi ích chung của mọi người, vì công bằng và để giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể, nhất là cấp xã, ấp phải quyết tâm thực hiện. Bên cạnh đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và cán bộ địa chính cấp xã phải đóng vai trò tham mưu tích cực cho UBND các cấp. Phải làm thống nhất, quyết tâm từ cán bộ đảng viên đến nhân dân, tiến hành tập trung, đồng bộ và dứt điểm từng trường hợp, đi đến giải quyết dứt điểm các sai phạm về quản lý đất công trong từng xã, ấp.

Hà Thanh Niên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN