Nguyễn Đình Chiểu với đạo trừ gian

31/05/2012 - 17:02
Hàng năm cứ vào ngày 1-7, Ngày truyền thống Văn hóa của tỉnh, tại Khu đền thờ Cụ Nguyễn Đình Chiểu thường diễn ra nhiều trò chơi dân gian thu hút khách tham quan. Ảnh: T. Long

Năm nay, kỷ niệm lần thứ 190 Ngày sinh của Cụ Nguyễn Đình Chiểu diễn ra cùng lúc với kỷ niệm lần thứ 20 Ngày hội truyền thống Văn hóa tỉnh nhà (1-7-2012).

Nhắc đến Cụ Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta nhắc đến vị thiên sứ đạo đức nổi tiếng với câu tuyên ngôn bất hủ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Trọn cuộc đời, Nguyễn Đình Chiểu đã chọn con đường sống, chiến đấu bằng ngòi bút, với cái tâm trong sáng, với lập trường trước sau như một: “Đã vì nước phải đứng về một phía”, “Thà chết mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ”.

Đối với Nguyễn Đình Chiểu, chữ ĐẠO như một “cứu cánh” vĩnh hằng, như một anh linh bất tử, như một trụ cột chính yếu chi phối mọi hoạt động sáng tạo nghệ thuật của Cụ.

Cũng như các nhà Nho đương thời, Cụ đã từng nhắc đến quan điểm “Văn dĩ tải đạo”, nhưng quan niệm của Cụ về ĐẠO khác với các nhà Nho đương thời và cũng khác với quan niệm văn chương phổ biến lúc bấy giờ.

Nho gia chính thống cho rằng “Đạo là của Trời” (“Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”), nhưng đối với Nguyễn Đình Chiểu “Đạo trời nào phải ở đâu xa, gẫm ở lòng người mới thấy ra.” Vậây là, từ “lòng người” mà suy ra để thấy “Đạo Trời”, từ “lòng người” mà “Đạo làm người” được xác lập và tỏa sáng, “Đạo làm người” là một thực tế của quá trình rèn luyện.

Phải chăng, cái ĐẠO mà Nguyễn Đình Chiểu quyết đề cao, quyết cổ xúy, quyết củng cố, quyết bảo vệ, và thuyền của cụ quyết chở, không hề sợ khẳm… chính là ĐẠO Trung - Hiếu - Tiết - Nghĩa, là đạo “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc”, là đạo “Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt, ông cha không thờ”, là đạo “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”, là đạo của những Tiểu đồng, ông Quán, ông Tiều, Hớn Minh, Tử Trực…, là đạo ngày đêm ấp ủ, mưu lược giúp nghĩa quân đánh giặc… mà người đời sau, khi đề cập việc này, thường ca ngợi Cụ bằng câu: “Văn chương trang thể ngoại, thao lược uẩn hung trung” (tài thao lược giấu trong bụng).

Còn cái GIAN mà Nguyễn Đình Chiểu cật lực lên án, căm ghét tột độ, muốn tiêu diệt nó, muốn dùng ngòi bút chính khí đâm nó… vẫn không tà, đó không ai khác là giặc xâm lược Pháp, là lũ tay sai phản động (như nhóm Tôn Thọ Tường), là lũ sâu dân mọt nước, là bọn nhũng nhiễu, tham quan ô lại, bọn đối lập với nhân dân, với đất nước; trong văn học, đó là bọn giặc dữ Ô Qua, là Võ Công, Võ Thế Loan, là Cốt Đột, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm...

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ Việt Nam đầu tiên khắc họa thiên anh hùng ca bất tử của những nông dân nghĩa sĩ. Qua đó, cho thấy cái ĐẠO của Nguyễn Đình Chiểu rất gần gũi với nhân dân lao động, ca ngợi những người anh hùng dù bị thất thế, bị tổn hại nhưng rất dũng cảm, bất khuất, hiên ngang...

Đối với Nguyễn Đình Chiểu, cuộc chiến đấu để giữ ĐẠO, vì ĐẠO với cuộc trừng trị kẻ gian ác, phản động... có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Muốn bảo vệ được ĐẠO, làm cho ĐẠO càng vinh, càng sáng chỉ khi nào đè bẹp lũ gian manh và phản động!

Hiện nay, cả hệ thống chính trị và nhân dân ta đang triển khai học tập chuyên đề “Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”, thiết nghĩ, nếu chúng ta “lấp vô” khái niệm ĐẠO và GIAN - mà Nguyễn Đình Chiểu đề cập - bằng những nội dung thuật ngữ xác thực cho việc xây và chống theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” thì việc học và làm theo Bác chẳng những có thêm nội dung, ý nghĩa thiết thực, cụ thể, mà còn mang nhuệ khí chiến đấu vừa nóng hổi, vừa sâu sắc để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý, bảo vệ sự sinh tồn và con đường phát triển của dân tộc.

Nguyễn Quang Trị

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN