Như dòng Hàm Luông đầy ắp phù sa

05/02/2012 - 16:34
Đồng chí Hà Thanh Niên (bên trái) - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đến dự đêm thơ. Ảnh: THANH VŨ

Không ồn ào sôi động như ở các thành phố lớn, các trung tâm văn hóa của cả nước, dòng thơ của các tác giả Bến Tre vẫn lặng lẽ cuộn chảy như dòng Hàm Luông mát lành vẫn ngày đêm cần mẫn chuyên chở phù sa. Không có những phát ngôn to tát, bày tỏ quan điểm này nọ về thơ, song các tác giả thơ Bến Tre những năm gần đây đã biểu lộ những quyết tâm mới, tự làm mới thơ để theo kịp đà phát triển của thơ ca trong khu vực và cả nước.

Cùng với sự kiện những chiếc cầu - niềm mong đợi bao đời của người dân Bến Tre - được xây dựng - những người làm thơ cũng đã mạnh dạn tự tin thể hiện mình, để góp mặt thường xuyên trên các báo, tạp chí chuyên về văn học trên cả nước, trong đó phải kể đến các tờ báo, tạp chí có uy tín cao như: báo Văn nghệ, báo Văn nghệ Trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam), Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh… với các tác giả đã định danh và tạo được phong cách sáng tạo riêng đang viết chậm lại như muốn tự soi mình để tìm hướng đi mới vừa giữ được bản sắc riêng vừa phù hợp với giọng thơ chung của cả nước. Bên cạnh đó đã nổi lên một số tác giả có sức sáng tạo linh hoạt, sức viết mạnh mẽ, sự khao khát thể hiện cá tính… tạo cho thơ Bến Tre một bước phát triển mới không thể không ghi nhận. Đó là các tác giả Đình Thu, Cát Hoàng, Trần Văn Nguyền, Phạm Bội Anh Thuyên, Nguyễn Đăng Khương… Không bị lệ thuộc vào các hệ qui tắc bất thành văn, không quá khó tính trong cách viết, không chịu nô lệ cảm xúc một cách máy móc, khuôn cứng…, họ đã mạnh dạn tự đổi mới thơ mình, không ngừng tìm tòi cách nói mới gần gũi với đời thường - đó cũng là xu hướng của thơ hiện đại - mạnh mẽ bộc lộ tư duy trong thơ, họ đã mang đến cho thơ Bến Tre những năm gần đây một sức sống mới, trẻ trung đầy triển vọng… Với sự hỗ trợ của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Đình Chiểu thông qua Quỹ tài trợ sáng tạo VHNT của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các tác giả đều được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để in các tập thơ… nhanh chóng khẳng định tiếng nói riêng và sự góp mặt của mình trong làng thơ Bến Tre, được giới thiệu rộng rãi qua các bài điểm sách, phê bình trên các báo và tạp chí của tỉnh, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Ưu điểm quan trọng và cũng là thế mạnh của các tác giả thơ Bến Tre những năm gần đây là có kiến thức sâu rộng, được thường xuyên giao lưu với nhiều bạn thơ ở các vùng miền khác nhau, không bị các vấn đề muôn thuở của thơ như vần điệu, loại thể bó buộc, tự do bày tỏ chính kiến đôi khi trực tiếp trong thơ… Họ sẵn sàng tiếp nhận nhiều ý kiến đánh giá khen chê mà không hề vướng bận nhưng vẫn ghi nhận để từng lúc điều chỉnh thơ mình cho phù hợp hơn. Điều quan tâm cốt lõi là giữ được phong cách sáng tạo riêng và quả thực, mỗi người nhanh chóng tạo được dấu ấn riêng, được - trước nhất là người trong giới sáng tác thơ và sau đó là người yêu thơ - ghi nhận. Một số tác giả bước đầu được các báo, tạp chí văn học ở Trung ương lưu ý và hỗ trợ bằng cách giới thiệu thường xuyên tác phẩm, bài giới thiệu, như Cát Hoàng, Phạm Bội Anh Thuyên. Khác biệt giọng thơ truyền cảm thông thường, thơ Nguyễn Đăng Khương có giọng nói khác mà không phải người đọc nào cũng thẩm thấu được. Đây quả là một bước đi chênh vênh, một cách đi trên dây không phải ai cũng có thể thực hiện. Đó là thơ thể nghiệm. Sự thành công đến mức nào chưa thể nói trước, song, đã tạo được dấu ấn riêng và được Tạp chí Văn nghệ Quân đội quan tâm. Hoặc như Đình Thu, từ giọng thơ nặng về tâm tình, tràn trề xúc cảm… tác giả đã tự chuyển đổi thơ mình dần dần sang giọng thơ suy nghiệm thế sự… Cát Hoàng bộc trực trong ý thơ, phóng khoáng trong cách viết, sáng tạo câu chữ, nắm bắt nhanh nhạy ngôn ngữ và ý tưởng đời sống nên thơ có nhiều gợi mở tiềm ẩn, tầng nghĩa sâu… Trần Văn Nguyền, Phạm Bội Anh Thuyên đã sớm bộc lộ khuynh hướng về việc chia sẻ, nắm bắt và thể hiện những nghịch cảnh, những phận người…

Điểm qua những cây bút thơ có nhiều đóng góp cho việc hình thành chất thơ Bến Tre những năm qua, có thể coi là những gương mặt thơ tiêu biểu của Bến Tre, như thế ắt chưa đủ. Bởi, còn nhiều tác giả thơ ở các lớp tuổi cao niên, các tác giả thơ còn đang nỗ lực sáng tác, những tác giả mới xuất hiện, cả các nhà văn có làm thơ… Đó là một dòng chảy liên tục, tuy lặng lẽ, âm thầm nhưng luôn gắn kết và trăn trở với cuộc sống.

Có thể nói, thơ Bến Tre trong những năm qua đã có bước phát triển, song hành cùng thơ cả nước, được bạn đọc quan tâm và chờ đợi. Vì thế, chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng…

KIM BA

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN