Những tiền đề cơ bản để phát triển đô thị văn hóa

15/08/2010 - 16:07
Mô hình Trung tâm thương mại thị trấn Bình Đại trong tương lai.

Những năm gần đây, công tác xây dựng và  phát triển đô thị trên địa bàn thị trấn Bình Đại đã đạt được một số thành tựu quan trọng: cơ cấu kinh tế ngày càng hoàn thiện và phát triển theo hướng thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và nông nghiệp; tỷ trọng GDP khu vực III và II  không ngừng tăng, tỷ trọng GDP khu vực I giảm dần; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân qua 5 năm trên 13%, thu nhập bình quân đầu người trên 20 triệu đồng/năm.

Đại hội Đảng bộ thị trấn Bình Đại (nhiệm kỳ 2010-2015) đã xác định mục tiêu “… Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị, xây dựng vững chắc đời sống văn hóa gắn với đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng… quyết tâm xây dựng thị trấn Bình Đại đạt chuẩn đô thị loại IV”.

Hiện nay, thị trấn Bình Đại đã đạt được một số thiết chế văn hóa quan trọng, hệ thống chính trị vững mạnh, đời sống nhân dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần: tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,5%, thấp hơn mức trung bình toàn huyện; có 98,76% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; các thiết chế văn hóa công cộng đều đạt chuẩn như: hệ thống đường phố đều được nhựa hóa, trên 80% trục đường chính được chiếu sáng, trên 80% nước thải, rác thải được thu gom đúng qui định; tất cả các cơ quan, trường học, nơi thờ tự trên địa bàn đều đạt danh hiệu cơ quan văn hóa, nơi thờ tự văn minh, 5/5 ấp, khu phố đều đạt ấp, khu phố văn hóa…

Bí thư Đảng ủy thị trấn Bình Đại Nguyễn Văn Khóa hồ hởi: “Chúng tôi xây dựng đô thị văn hóa có nhiều thuận lợi, nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy đều xác định Bình Đại sẽ phát triển thành đô thị loại IV trong tương lai. Và từ lâu, người dân địa phương đã quen sống trong môi trường đô thị. Mặt khác, việc xây dựng đô thị văn hóa vào năm 2015, thị trấn Bình Đại được sự đồng tình hưởng ứng cao của quần chúng nhân dân, phát huy được sức mạnh đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị”. Để xây dựng một thị trấn văn hóa, chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có đời sống ổn định và bền vững. Trong đó, Thị trấn chú trọng các mặt công tác như: đền ơn đáp nghĩa, từng bước nâng cao mức sống của gia đình chính sách lên ngang bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân sở tại; quan tâm công tác xóa nghèo, tạo điều kiện cho các hộ gia đình đều có nhà ở khang trang, ổn định; nâng cao dân trí, xây dựng ý thức tự giác của nhân dân về bảo vệ môi trường; hoàn thiện các thiết chế văn hóa gia đình, có giải pháp tích cực ngăn chặn và bài trừ các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn; tăng cường công tác xây dựng các thiết chế văn hóa công cộng khang trang, sạch đẹp.

 Những thành tựu đáng phấn khởi trong quá trình đầu tư và phát triển đô thị Thị trấn trong những năm qua, đã đưa thị trấn Bình Đại đạt và vượt các tiêu chí đô thị loại V vào năm 2010, đạt mục tiêu nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ huyện. Tiền đề của đô thị loại V và thị trấn văn hóa được hoàn thành là nền tảng vững chắc cho bước phát triển tiếp theo.

Chủ tịch UBND thị trấn Bình Đại Nguyễn Thanh Hồng cho biết: “Về kinh tế-xã hội, thị trấn Bình Đại là một đô thị phát triển tương đối nhanh và năng động, hạ tầng từng bước hoàn thiện sẽ thu hút được các nguồn lực trong, ngoài địa phương đến đầu tư. Đó là những thời cơ mà Đảng bộ và nhân dân thị trấn Bình Đại có được và cần phát huy trong tiến trình đi lên xây dựng và phát triển đô thị”. Để đạt được mục tiêu này, thị trấn Bình Đại đã tập trung thực hiện 6 giải pháp, đó là: Đẩy mạnh vai trò công tác lập quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của xã hội. Tạo dựng nguồn lực phát triển đô thị từ chính nội lực của đô thị; đặc biệt chú trọng việc đổi mới cơ chế, chính sách phát triển đô thị trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch, quản lý nhà, đất; quản lý đầu tư xây dựng, quản lý khai thác sử dụng công trình đô thị; tạo chính sách phù hợp  để huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư cho phát triển đô thị, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tiến trình nâng cấp chất lượng đô thị hóa. Đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước về đô thị đi đôi với việc nâng cao phẩm chất, năng lực và trình độ cán bộ quản lý đô thị từ huyện đến thị trấn; chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ bằng nhiều hình thức phù hợp. Chú trọng phát huy vai trò và trách nhiệm làm chủ của cộng đồng, của người dân đô thị trên địa bàn, tạo ý thức thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Huy động tổng hợp các nguồn vốn từ ngân sách, nhân dân, vốn doanh nghiệp, nguồn vốn mời gọi đầu tư. Trong đó, vốn ngân sách sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị như cầu, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, cảnh quan môi trường, phát triển hạ tầng xã hội; vốn nhân dân và doanh nghiệp dùng đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh, xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy hoạch đô thị; nguồn vốn mời gọi đầu tư tập trung để phát triển các khu đô thị mới, các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, có dây chuyền công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh công tác công bố, công khai quy hoạch đô thị và các dự án chuẩn bị đầu tư, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng từ trong nội bộ Đảng đến tận quần chúng nhân dân để nhân dân hiểu quy trình, cách làm để cùng đồng thuận và cùng thực hiện.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu và giải pháp trên, thị trấn Bình Đại đã chú trọng việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ đủ sức đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đại hội Đảng bộ Thị trấn (nhiệm kỳ 2010-2015) xác định giải pháp để kiện toàn hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh và xây dựng đội ngũ cán bộ, sẽ được hình thành từ 3 nguồn chính: nguồn nhân lực tại chỗ, được bồi dưỡng về trình độ, năng lực, nhận thức, tinh thần trách nhiệm; tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ kế thừa đúng chuẩn, chất theo qui định, trong đó đặc biệt quan tâm cán bộ trẻ, nữ; vận dụng linh hoạt, nhạy bén các cơ chế, chính sách, thu hút đội ngũ cán bộ, chuyên gia có tay nghề, được đào tạo, có kinh nghiệm trong xây dựng và quản lý đô thị.

Bài, ảnh: H. ĐỨC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN