Tìm nhà in để in Báo Đồng Khởi

09/11/2014 - 18:00

Đồng hương Bến Tre ở tỉnh An Giang xem Báo Đồng Khởi, tìm hiểu thêm tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội quê nhà. Ảnh: H. vũ

Từ những ngày đầu tháng 9-1976, Ban Biên tập Báo ráo riết chuẩn bị manchette “Đồng Khởi”. Anh Huỳnh Năm Thông đi đặt hàng với các họa sĩ để có chữ “Đồng Khởi”, sau đó còn xin ý kiến đóng góp của các anh từng lãnh đạo Báo như anh Hai Châu Nguyễn, anh Mười Sinh, anh Lê Hà, anh Lê Chí Nhân… và thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Kế đó, chúng tôi lo tìm nơi in Báo. Sau ngày giải phóng đến lúc đó, Báo Chiến Thắng in Typo tại nhà in Chiến Thắng, thời gian phải mất đến 3 ngày kể từ khi đưa bài đến nhà in. Báo in chỉ có 2 màu, hình ảnh có cải tiến nhưng không sắc nét.

Anh em trong Ban Biên tập bàn nhau đi Sài Gòn in Báo Đồng Khởi. Nhưng lúc này tòa soạn mới từ trong trại Quang Trung dời ra đây (tòa soạn hiện nay) chỉ có một căn nhà, căn nhà bên cạnh còn là nhà thuốc tư nhân, bàn ghế cho anh em ngồi viết còn chưa đủ nói chi đến xe với cộ. Bàn nhau đi xe đò nhưng đến bến xe rồi đi tìm nhà in bằng phương tiện gì, đường sá không rành nữa, bàn tới tính lui cuối cùng anh Năm Thông đề nghị lấy xe tôi đi. Lúc này tôi có chiếc Vespa Standard 150cc. Tôi mới biết chạy và chạy vòng vòng trong thị xã chứ chưa dám chạy xa. Phương Đông giới thiệu chú Nguyễn Văn Sinh (Hai Sinh) - em bà con ở chợ Ngã Năm biết chạy xe và biết đường ở Sài Gòn, anh Năm Thông nhờ chở tôi đi.

Sáng ngày 15-10-1976, anh em chúng tôi lên đường trực chỉ về Sài Gòn. Qua phà Rạch Miễu mất hơn 1 tiếng đồng hồ, anh em chúng tôi vui như mở cờ trong bụng, cho xe lao vun vút trên đường. Xe đổ dốc cầu Bến Lức nghe o o, bất ngờ máy xe rống lên tiếng è… Tôi giật thót người, Hai Sinh nhanh tay lách vào lề cỏ, xe khựng lại nằm lỳ, hai anh em tôi chúi nhủi; phía sau có một chiếc xe đò 50 chỗ ngồi vút qua “mát” cả người. Anh em tôi mặt tái xanh, cắt không còn chút máu, đứng ngơ ngác bên chiếc xe. Hơn 30 phút sau tỉnh hồn, lúc đó máy xe cũng vừa nguội, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.

Vào Sài Gòn, tôi ngắm nhìn đường phố giống như Hai Lúa. Chú Hai Sinh chạy vòng vèo, tôi đọc không hết tên đường. Đến ngay trụ sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy nằm trên đường Trần Hưng Đạo, chú dừng lại, tôi đi dọc theo phố tìm nhà in. Đến con đường nhánh ngang chừng 3m, thấy bảng nhà in Báo Nhân Dân cơ sở 2, tôi mừng vô kể. Vào nhà in gặp anh Vinh, anh Tra và mấy anh nữa đều từ trong chiến khu ra. Vợ chồng anh Tư Tra quê ở Ba Tri, nên việc hợp đồng in Báo Đồng Khởi chẳng những không gặp khó khăn mà còn rất vui vẻ, thân tình, hứa hẹn số Báo Đồng Khởi đầu tiên phát hành ngày thứ năm 11-11-1976 chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần I sẽ in đẹp, với nội dung mới, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Trưa một ngày tháng 10, trời Sài Gòn nắng không gay gắt lắm, tôi và Hai Sinh phấn khởi trở về. Xe chạy ra khỏi An Sương, tôi thấy trước mặt có chiếc xe tải chở hàng cồng kềnh, liền nói với Hai Sinh: “Chạy từ từ thôi, không việc gì gấp”. Nói vừa dứt chưa lâu, Hai Sinh đã rồ ga vọt lên, qua mặt chiếc xe tải được hơn 100m, nó lại rú lên một tiếng rồi nằm lỳ bên lề, may mà không có xe nào lao tới, chớ không thì tôi với Hai Sinh đã “đi đời nhà ma”.

Tôi nói với Hai Sinh: “Thôi, không có “nhất quá tam” nghen. Về còn phụ lo nội dung báo để trước ngày 11-11-1976 trở lên in nữa chớ cha nội”. Hai Sinh cười và tiếp tục cho xe chạy.


Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN