Tư vấn, xét nghiệm, giới thiệu điều trị dự phòng HIV tại trạm y tế

18/09/2013 - 08:27
Lấy mẫu xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại trạm y tế.

Khoảng trên 60% phụ nữ mang thai trong giai đoạn đầu của thai kỳ được tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện tại trạm y tế vào ngày 25, 26 hàng tháng khi đi khám thai cùng với chương trình tiêm chủng mở rộng tại 16 xã, phường của TP. Bến Tre và một số xã vùng sâu trong tỉnh (dưới sự tài trợ của Dự án Quỹ Toàn cầu) trong thời gian qua đã đưa tỷ lệ phụ nữ mang thai được tư vấn và xét nghiệm HIV lên cao.

“Hơn 90% phụ nữ mang thai đều được cán bộ trạm y tế xã quản lý và là người địa phương nên sự gần gũi, thấu hiểu hoàn cảnh và sự tương đồng về văn hóa, kinh tế làm cho việc tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai đạt hiệu quả hơn”, bác sĩ Nguyễn Trung Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cho biết.

“Ở trạm y tế, các cán bộ có tư vấn, hướng dẫn và lấy máu xét nghiệm HIV cho chị em chúng tôi. Sau khoảng 1 tuần là lấy kết quả tại trạm, chúng tôi mừng lắm vì khỏi lên huyện, lên tỉnh…” -  thai phụ N.T.H ở Bình Đại chia sẻ.

Nhưng, cùng là người địa phương nên tâm lý e dè cũng còn khá phổ biến. Có khá đông các thai phụ chọn phương án lên TP. Hồ Chí Minh hay lên các bệnh viện tuyến tỉnh xét nghiệm. Vì vậy, có khoảng dưới 20% số thai phụ không đồng ý xét nghiệm tại trạm y tế. 20% còn lại, theo y sĩ Châu Thị Ý - Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản của TP. Bến Tre, nhiều chị em sợ phát hiện mình bị bệnh, nên không dám xét nghiệm. “Tuy tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm HIV tại trạm y tế nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo theo quy trình của tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện và nguyên tắc bảo mật, khuyết danh của khách hàng được chúng tôi nghiêm túc thực hiện” - y sĩ Châu Thị Ý cho biết.

Từ những thành công bước đầu của tư vấn, xét nghiệm HIV tại trạm y tế cùng với chương trình tiêm chủng mở rộng, nhiều thai phụ đã nhận được sự an tâm về sức khỏe để chuẩn bị cho mình một thai kỳ thuận lợi.

Nếu được tư vấn và xét nghiệm, điều trị dự phòng sớm trong giai đoạn đầu của thai kỳ (khoảng tuần thứ 14) thì chỉ khoảng dưới 5% trẻ sinh ra có nguy cơ bị lây nhiễm HIV (thay cho trên 40%, nếu không can thiệp). Tại đây, các chị còn được hướng dẫn cách phòng bệnh, hoặc việc phát hiện sớm giúp chị em có quyết định nên sinh con hay không, hoặc có những can thiệp bảo vệ cho trẻ sơ sinh, đồng thời được theo dõi, chăm sóc và nhận được sữa thay thế cho trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi.

“Em được phát hiện nhiễm HIV khi đi đăng ký quản lý thai tại trạm y tế. Các anh chị ở đây giới thiệu em lên Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, được uống ARV và hướng dẫn chăm sóc bé và cho bé bú sữa công thức. Em và gia đình đã tìm lại hạnh phúc và niềm tin khi con em được 20 tháng tuổi và âm tính với HIV. Cảm ơn các y bác sĩ, cảm ơn ARV” - chị K, ở Mỏ Cày Nam tâm sự.

Trong thời gian tới, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS sẽ lên kế hoạch duy trì và nhân rộng mô hình này, kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức, các mạnh thường quân… “Mục đích của chương trình là giúp các thai phụ phát hiện HIV sớm, can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, hướng tới không còn người nhiễm mới HIV trong tương lai”. Đó là chia sẻ và hy vọng của thạc sĩ Nguyễn Trung Dũng.

Bài, ảnh: ANH THƯ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN