Tươi thắm những bông hoa miệt vườn

21/06/2010 - 07:58

Thêm một Ngày hội Cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp nữa lại đến, Sở NN&PTNT cùng Hội Nông dân tỉnh lại phải đảm nhận một công việc cầm cân nẩy mực đảm bảo chính xác và khách quan để tìm ra 23 bông hoa tiêu biểu, tôn vinh sự sáng tạo trong vườn hoa của hàng chục nghìn nông dân trên địa bàn tỉnh. Mỗi huyện, thành phố có đặc điểm sinh thái khác nhau và thích ứng với từng chủng loại cây trồng, vật nuôi. Điểm vượt trội ở 23 nông dân này là sự cần cù, chịu khó học hỏi, linh hoạt vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn chăm sóc cây trồng vật nuôi để làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

1. Chợ Lách - vùng đất cây lành, trái ngọt nức lòng người thưởng thức và được cả nước biết đến, có 4 bông hoa tiêu biểu gồm: Bùi Văn Quang, Trần Hoàng Khiết, Phạm Đắc Linh và Cổ Thượng Lộc. Từng nhà vườn ở Chợ Lách có diện tích đất khá khiêm tốn nhưng biết khai thác triệt để làm giàu. Hộ ông Bùi Văn Quang, ở ấp Bình Tây đã gắn bó với nghề truyền thống sản xuất cây giống từ năm 1978. Từ 0,63ha đất, trung bình mỗi năm sản xuất cung cấp cho thị trường gần 50 ngàn cây giống sầu riêng, chôm chôm, măng cụt và sản xuất hoa kiểng tiêu thụ vào dịp Tết. Hàng năm, trừ chi phí còn tích lũy trên 300 triệu đồng. Ông Trần Hoàng Khiết, ở ấp Phú Đa, xã Vĩnh Bình tuy không phải là cha đẻ ra giống xoài tứ quý nhưng ông đã mạnh dạn chọn làm cây trồng chủ lực trên phần diện tích 0,73ha đất của gia đình. Trong quá trình gắn bó với cây trồng, ông Khiết kích thích cho cây ra trái vụ hai để bán được giá cao. Bên cạnh đó, ông cũng khá thành công trong trồng xen chanh bông tím trong vườn xoài. Hàng năm, trừ chi phí, cây trồng chính và cây trồng xen đã đem lại nguồn thu 160 triệu đồng. Ông Phạm Đắc Linh, ở ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định thành công trong việc nắm quy luật ra bông cho trái của cây chôm chôm và sầu riêng. Thông qua phương pháp đậy mủ, xiết nước để tạo hạn giả, ông Linh “bắt” cây trồng cho trái theo ý muốn và “né” chính vụ một ha đất trồng sầu riêng và chôm chôm thu hoạch trừ chi phí còn lãi 200 triệu đồng/năm. Còn ông Cổ Thượng Lộc, ở ấp Định Bình, xã Hòa Nghĩa thành công với cây bưởi da xanh. Hiện, ông đang từng bước hoàn thiện mô hình của mình để đến tháng 2-2011 ông được đề nghị công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP. Và khi đạt VIETGAP chắc chắn là 0,85 ha đất trồng bưởi đem lại lợi nhuận cao hơn con số như hiện tại là 130 triệu đồng/năm.  

2. Châu Thành có một phần diện tích đất rất thích hợp cho nhiều chủng loại cây trồng phát triển. Ông Phạm Phú Nhiên, Lê Phú Thạnh, Nguyễn Hoàng Quân và Phạm Quang Luật đã trở thành những bông hoa tiêu biểu được tôn vinh trong ngày hội lần này. Ông Phạm Phú Nhiên, ở ấp Phú Hội, xã Phú Túc có 1,5ha đất, ông trồng sầu riêng xen ca cao, bưởi da xanh. Đối với cây sầu riêng, ông kích thích cho ra hoa nghịch vụ bằng cách rút nước mương vườn, dùng cỏ tủ gốc giữ ẩm để kích thích cây cho trái. Hàng năm trừ chi phí, cây trồng đã đem lợi nhuận 450 triệu đồng. Ông Nguyễn Hoàng Quân, ở ấp Phước Hòa, xã Thành Triệu cũng bắt cây sầu riêng Monthoong cho trái nghịch vụ bằng kinh nghiệm đậy mủ, xiết nước, bón phân, xịt Baclor. Với phương pháp này, mỗi năm, 1 ha đất trồng sầu riêng cho trái bán trừ chi phí còn lãi 445 triệu đồng. Ông Lê Phú Thạnh, ở ấp Hòa Hưng, xã Giao Hòa sớm nghĩ đến việc tưới phân, kiềng nhánh, xử lý thuốc ra hoa để cây nhãn xuồng cơm vàng cho trái nghịch vụ, bán được giá cao. Ông cũng đã chọn ca cao làm cây trồng xen trong vườn nhãn. Với 1,77ha đất lợi nhuận 122 triệu đồng/năm. Ông Phạm Quang Luật, ở ấp An Bình, xã An Hiệp thành công trong áp dụng quy trình kỹ thuật IPM, bao trái thay cho việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để 1 ha đất trồng dừa, sầu riêng, cam bưởi cho trái sạch, mỗi năm đem lại nguồn thu cho gia đình hàng trăm triệu đồng.

3. Giồng Trôm, có 5 nông dân tiêu biểu được tôn vinh gồm: Hồ Xuân Quang, Lê Văn Cường, Ngô Ngọc Thành, Trần Văn Bảo và Nguyễn Văn Chắc. Những nông dân này sớm nhận diện các chủng loại cây như: dừa xiêm xanh, dừa xiêm đỏ, dừa xiêm vàng, cây có múi xen dừa xiêm thích nghi với vùng đất và cũng là cây trồng chủ lực của huyện. Qua chuỗi ngày gắn bó với cây trồng, các ông đã nghĩ ra nhiều ý tưởng và thành công trong việc nuôi kiến vàng thay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý cây ra trái nghịch vụ. Nông dân Hồ Xuân Quang, ở ấp 4, xã Bình Hòa đã tìm tòi học hỏi nghề ghép cây giống để nhân rộng cây trồng, không phải tốn chi phí mua cây giống. Ông Lê Văn Cường, ở ấp 2B, xã Thạnh Phú Đông, cung cấp dừa xiêm giống và bảo tồn được nguồn gen giống dừa truyền thống của tỉnh. Mỗi nông dân nắm quyền sử dụng từ 0,8-1,37 ha đất và hàng năm có được khoản tích lũy từ 86-172 triệu đồng.

4. Huyện Mỏ Cày Bắc, có hai nông dân tiêu biểu là Nguyễn Văn Sốt và Nguyễn Việt Hùng. Ông Sốt từ trồng nhiều chủng loại cây không có hiệu quả chuyển sang trồng bưởi da xanh, chế độ canh tác hợp lý để cây trồng không bị nhiễm sâu bệnh, đạt năng suất cao. Với 0,5 ha đất trồng bưởi da xanh tạo lợi nhuận 150 triệu đồng/năm. Còn ông Nguyễn Việt Hùng đã thành công trong khắc phục xì mủ trên trái măng cụt, áp dụng xiết nước kết hợp bón phân để cây bòn bon cho trái nghịch vụ, tự thụ phấn cho cây sầu riêng. 1,78 ha đất trồng cây, hàng năm thu lợi nhuận không dưới 150 triệu đồng.

5. Mỏ Cày Nam cũng có hai nông dân vượt trội là Mai Văn Hoài và Phan Văn Trinh. Ông Hoài với mô hình trồng ca cao xen vườn dừa, sản xuất cây giống ca cao để bán cho nhiều nông dân khác trong xã. 1,4 ha đất dừa trồng xen ca cao, cộng với sản xuất cây giống đem lợi nhuận 130 triệu đồng/năm. Nông dân Phan Văn Trinh có kinh nghiệm trong trồng cam sành. Ông áp dụng rải phân vào đầu mùa mưa, sử dụng phân chuồng (từ đàn heo nái 20 con nuôi trong gia đình) tăng thêm độ phì nhiêu cho đất, cây trồng đạt năng suất cao, bán vụ nghịch được giá. 1,5 ha đất trồng cây kết hợp chăn nuôi tạo lợi nhuận 310 triệu đồng/năm.

6. Thành phố Bến Tre đã xuất hiện hai bông hoa tiêu biểu là Huỳnh Văn Khoe và Nguyễn Hữu Ghi. Ông Khoe có 0,65 ha đất trồng ổi ruột hồng cho năng suất, chất lượng cao và bán được giá. Hàng năm, cây cho trái thu hoạch trừ chi phí còn lợi nhuận 200 triệu đồng. Ông Ghi trồng cây chủ lực là dừa xiêm xanh xen ca cao. Cây trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ông tự pha trộn phân bón theo kinh nghiệm để chăm sóc cây trồng. Với 0,73 ha đất, cây trồng chính và cây trồng xen lợi nhuận 80 triệu đồng/năm.

7. Ba Tri có nông dân Lưu Văn Em, nhiều kinh nghiệm trong trồng dưa hấu giống Super Hoàn Châu  đạt năng suất và chất lượng. Ông đã sáng chế dụng cụ gieo hạt, bón phân vừa tiết kiệm thời gian lao động, vừa giúp cây trồng phát triển tốt. 1 ha đất, mỗi năm trồng 3 vụ màu, trừ chi phí còn lãi 310 triệu đồng.

8. Bình Đại có nông dân Nguyễn Thị Hồng, Lê Văn Mà, Nguyễn Văn Quyết. Chị Hồng là một phụ nữ tiêu biểu trong việc mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Trong quá trình gắn bó với cây cam dây, chị có nhiều sáng kiến để cây cho năng suất cao và thời gian thu hoạch trái kéo dài. 1,5 ha đất trồng cam dây, trung bình mỗi năm thu lãi 130 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa như trước đây. Tương tự, ông Lê Văn Mà chuyển từ đất lúa sang trồng cây ăn trái (dừa, ổi ruột hồng, mận An Phước, mận da xanh). 2 ha đất trồng cây ăn trái, mỗi năm thu hoạch trái hàng trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Quyết đột phá trong trồng mít cho trái siêu sớm xen trong vườn bưởi da xanh và dừa xiêm để tăng thu nhập. 1 ha đất trồng xen cho trái thu lợi nhuận 110 triệu đồng/năm.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN