Vài ghi nhận về Lễ hội truyền thống văn hóa tỉnh năm 2009

03/07/2009 - 08:37
Hát múa dân ca tại lễ hội. Ảnh: T.Long

Trong những ngày này, nhiều hoạt động lễ hội truyền thống diễn ra sôi nổi, múa võ Vovinam, hát múa dân ca, giao lưu đờn ca tài tử, cải lương... tái hiện hình ảnh Lục Vân Tiên- Kiều Nguyệt Nga… 

Ngày 1-7-2009 tại khu di tích nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Sở VH-TT&DL, long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 187 năm ngày sinh, 121 năm ngày mất của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Cồn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thái Xây, cùng đại diện các ban, ngành trong, ngoài tỉnh.

 

Buổi sáng ngày 1-7, chúng tôi có mặt rất sớm tại đền thờ cụ Đồ Chiểu để chuẩn bị dự nghi lễ dâng hương. Đoạn đường dẫn vào khu vực đền thờ rợp bóng cờ ngũ sắc. Đại biểu từ các ban, ngành trong, ngoài tỉnh, huyện; bà con lân cận trên địa bàn các xã tụ họp về rất đông. Hôm nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Tri tổ chức thi mâm xôi, ngũ quả…

 

Trước khi bước vào nghi lễ chính là dâng hương, đại biểu và du khách được xem những màn biểu diễn khá ấn tượng của các võ sinh Teakendo - thuộc Sở VHTT&DL, vở hát bội Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga (được trích đoạn trong tác phẩm nổi tiếng của cụ Đồ - Lục Vân Tiên)  là một nét mới được đưa vào chương trình lễ hội năm nay. Tại khu vực hội thi, tôi thật sự ấn tượng với mâm xôi của chị em phụ nữ xã Mỹ Chánh, với dòng chữ “Mừng lễ hội 1-7, phụ nữ Mỹ Chánh học và làm theo gương Bác”. Chị Đặng Thị Kìa - Chủ tịch Hội cho biết, lúc đầu chúng tôi không nghĩ đến chủ đề này, nhưng sau đó thấy đây là một chủ đề cần thiết nên đem vào nội dung của lễ hội…

 

Em Duy, học sinh lớp 10, Trường THPT Ba Tri cùng các bạn có mặt trong ngày lễ hội, cho biết, ở trường, chúng em được học về thân thế, sự nghiệp, những tác phẩm của Cụ, nhưng vào đây để được tận mắt thấy những tác phẩm được trưng bày, mộ Cụ và gia đình… thì càng hiểu nhiều hơn. Bác Ngọn, 85 tuổi, xã An Đức, tâm sự: “Năm nào tôi cũng đến viếng mộ, thắp hương cho Cụ. Tôi phục Cụ ở ý chí, một lòng vì dân, vì nước. Cầm bút viết thì đề cao chánh nghĩa. Bác An, cũng ở xã An Đức nói, lễ hội năm nay không lớn như mọi năm, lượng khách đến viếng mộ cụ cũng ít đi. Chứ mấy năm về trước, khách thập phương về đông lắm. Về truyền thống hiếu học của con em trong xã, bác An cho rằng, tụi nhỏ bây giờ khá lắm: siêng năng, chăm chỉ, vượt khó. Bí thư Đảng ủy xã An Đức Đào Văn Niếu cho biết thêm, trước đây vì đời sống còn khó khăn nên việc học hành không được quan tâm nhiều, nay bà con rất chú trọng đầu tư cho con em được học lên cao. Điều này thể hiện khá rõ qua các đợt tuyển nghĩa vụ quân sự ở xã. Mấy năm về trước, mỗi khi tuyển quân, kiếm một em có trình độ lớp 8, lớp 9 cũng rất khó. Nhưng mấy năm gần đây, xã tuyển toàn các em có trình độ từ lớp 10, 11, 12. Riêng về lĩnh vực văn hóa - xã hội, ấp 3 - nơi khu đền thờ Cụ Đồ tọa lạc luôn chú trọng đến lĩnh vực văn hóa xã hội.

Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN