Những nhà thơ “xung phong” trên tuyến đầu chống giặc

26/02/2021 - 06:47

BDK - Ngày thơ Việt Nam (gọi là Tết Nguyên tiêu, ngày rằm tháng Giêng âm lịch) đã được duy trì tổ chức trên toàn quốc qua nhiều năm. Năm nay, tuy không thể tổ chức các hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19, tinh thần yêu chuộng thơ ca vẫn được tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó nhắc nhớ hai nhà thơ yêu nước, đó là nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị. Những tác phẩm thơ văn mang tinh thần yêu nước của hai cụ vẫn được lưu giữ, trường tồn qua nhiều thế hệ.

Biểu tượng quyển sách đề thơ nhà thơ Phan Văn Trị tại Phong Điền - Cần Thơ.

Biểu tượng quyển sách đề thơ nhà thơ Phan Văn Trị tại Phong Điền - Cần Thơ.

Nguyễn Đình Chiểu: Một nhà văn hóa lớn

Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã có cùng nhận định, Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc mà còn là một nhà văn hóa lớn, một nhân cách văn hóa lớn, một tấm gương vượt lên số phận nghiệt ngã, trung với nước, hiếu với dân. Những đóng góp của cụ đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân, các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học qua nhiều thế hệ, đều có những nhận định và đánh giá cao.

Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) gắn liền với nhiều tác phẩm thơ văn nổi tiếng như: Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp… GS.TS. Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn học Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ: Với sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, hơn 150 năm qua đã được các cấp quan tâm xuất bản, nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Cụ đã để lại cho đời sự nghiệp văn thơ đồ sộ với nhiều tác phẩm lớn, trong đó tiêu biểu là tác phẩm Lục Vân Tiên. Phần lớn tác phẩm của cụ là thơ lục bát, trong đó có 37 bài văn tế, điếu.

Nhắc đến tác phẩm thơ văn cụ Nguyễn Đình Chiểu, nhiều người đã nhớ đến hai câu thơ bất hủ với lòng yêu nước thiết tha: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Hay những câu thơ về đạo làm người: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Hoặc những câu thơ đề cao tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc đối với bệnh nhân: “Thấy người đau giống mình đau/ Phương nào cứu đặng mau mau trị lành/ Đứa ăn mày cũng trời sinh/ Bệnh còn cứu đặng, thuốc đành cho không”.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng, sự độc đáo của cụ Nguyễn Đình Chiểu là sáng tác thơ văn trong điều kiện bị mù lòa, cho thấy trí nhớ của cụ rất đặc biệt. Với những tác phẩm để đời và nhân cách sống, cụ đã được tôn vinh là một nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn. Có  nhiều hoạt động, nghiên cứu cấp trung ương, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã đánh giá cao về cụ. Nhân cách của cụ được nhân dân yêu mến, kẻ thù phục nể.

Trong năm 2020, nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm đã được nhiều đơn vị tổ chức. Đặc biệt, Hội thảo khoa học về Hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách tổ chức kỷ niệm vào năm 2022 nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 - 1-7-2022) do Tỉnh ủy tổ chức với sự tham dự của các chuyên gia nghiên cứu, các nhà khoa học.

Nhà thơ Phan Văn Trị: Chống giặc tới cùng bằng ngòi bút

Nhà thơ Phan Văn Trị - còn gọi là cụ Cử Trị (1830 - 1910), là một nhà thơ yêu nước thời kỳ kháng chiến chống Pháp, là bạn thân của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Theo các tài liệu lịch sử, cuộc đời cụ Phan Văn Trị chìm nổi gian truân, trăm cay ngàn đắng trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, nhưng ông vẫn giữ vững tiết tháo của một trí thức yêu nước, thương dân, cương trực, khảng khái, giàu sang không bị quyến rũ, nghèo khó chẳng bị chuyển lay, uy vũ không bị khuất phục. Ông là một nhân cách lớn của người trí thức có tâm huyết được người đời kính phục.

Trong năm 2020, nhân kỷ niệm 190 năm ngày sinh và 110 năm ngày mất Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp với Tạp chí Xưa và Nay, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Danh nhân Phan Văn Trị - Một thế kỷ nhìn lại”. Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của nhà thơ Phan Văn Trị trong lịch sử đấu tranh chống giăc ngoại xâm và tài thơ ca của cụ Cử Trị.

Phát biểu tại hội thảo, các nhà nghiên cứu nhận định, ông là một trong những nhà thơ chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, chống giặc tới cùng bằng ngòi bút thông qua thơ văn với trận bút chiến nổi tiếng đập tan luận điệu của bọn tay sai bán nước cầu vinh mà Tôn Thọ Tường là đại diện. Trận bút chiến không những làm chấn động dư luận lúc bấy giờ mà còn kéo dài đến 10 năm sau với sự tham gia của những sĩ phu có uy tín lớn ở Nam kỳ như Hồ Huân Nghiệp, Cử nhân Huỳnh Mẫn Đạt, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Chiểu… làm dấy lên phong trào đấu tranh tư tưởng trong cả nước.

Thơ của cụ Phan Văn Trị có đề tài phong phú, gần gũi nhưng ẩn chứa trong các sự vật, hiện tượng được đề cập trong thơ là một tinh thần yêu nước sắt đá, cam trường. Các tác phẩm của cụ có thể kể đến như: Hột lúa, Cám cảnh An Giang, Mất Vĩnh Long, Họa bài thơ Từ Thứ quy Tào, Họa bài Tôn phu nhân quy Thục, Họa mười bài thơ Tự thuật của Tôn Thọ Tường, Cảm hoài, Con mèo, Con rận, Đá cá lia thia, Thú đi câu, Nước lụt, Chùa hư, Hát bội, Đồn lính trong làng…

Đặc biệt, cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị và tên Việt gian bán nước Tôn Thọ Tường vào cuối thế kỷ XIX đã trở thành một hiện tượng văn học, một sự kiện chính trị đầy sức hấp dẫn đối với nhiều thế hệ trí thức Việt Nam. Trong đó, có hai câu thơ nổi tiếng của cụ đầy khí khái của một nhà thơ yêu nước được dân gian truyền tụng qua nhiều thế hệ: “Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ/ Lòng ta sắt đá há lung lay”. Hay: “Hơn thua chưa quyết đó cùng đây/ Chẳng đã nên ta phải thế này/ Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy/ Cồn Rồng dầu mặc muội tro bay…”.  Bài Họa Tôn phu nhân quy Thục cũng thể hiện một tư tưởng, lập trường yêu nước: “…Hai vai tơ tóc bền trời đất/ Một gánh cam trường nặng núi sông/ Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết/ Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng”.

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre Vũ Hồng Thanh nhận định, dòng văn học yêu nước cận đại nửa cuối thế kỷ XIX, Phan Văn Trị được xếp liên danh với Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ lớn của đất nước. Nguyễn Đình Chiểu hơn Phan Văn Trị 8 tuổi. Hai nhà thơ mỗi người một hoàn cảnh và tị địa ở hai nơi, tuy hai ông không đứng vào hàng ngũ của những người cầm vũ khí trực tiếp đánh giặc, nhưng hai ông vẫn được coi là những nhà thơ chiến sĩ. Hai ông đã dũng cảm đấu tranh mãnh liệt bằng ngòi bút sắc bén của mình như một vũ khí tinh nhuệ.

Tôn thờ, tỏ lòng thành kính và nhằm giáo dục các thế hệ về nhân cách, tấm gương yêu nước của các nhà thơ, tỉnh đã xây dựng đền thờ hai nhà thơ (Mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu tại Ba Tri, Đền thờ Phan Văn Trị tại Giồng Trôm). Tên của hai nhà thơ đã được đặt cho nhiều công trình tại tỉnh như trường học, bệnh viện, tên đường…

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN