Trên bến Thạnh Phong (kỳ cuối)

14/08/2019 - 07:16

Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn đạt hiệu quả kinh tế cao của ông Bảy. Ảnh: H. Trung

Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn đạt hiệu quả kinh tế cao của ông Bảy. Ảnh: H. Trung

Đất mặn chuyển mình

Con đường từ trung tâm huyện Thạnh Phú về xã Thạnh Hải, Thạnh Phong giờ được mở rộng, trải nhựa phẳng phiu. Hai bên đường đã mọc lên nhiều căn nhà tường kiên cố, xung quanh là những vuông nuôi tôm công nghiệp có giàn quạt quay làm bắn nước tung tóe suốt ngày đêm. Vùng đất nghèo khó, ngập mặn ven biển đang dần chuyển mình phát triển kinh tế với nghề nuôi thủy sản, trồng hoa màu, xoài... Bãi biển Cồn Bửng, khu di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài tỉnh mỗi khi đến Bến Tre. Lãnh đạo địa phương cùng người dân đang ra sức xây dựng nông thôn mới (NTM) bằng chính nội lực của mình tại vùng đất nghèo khó, hoang vu năm xưa.

Đi dọc các con đường bê-tông được xẻ ngang, xẻ dọc bên những giồng cát ven biển, nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì hai bên là vườn xoài tứ quý xanh mướt được bao trái bằng những túi vải nhiều màu rất đẹp mắt. Gần chục năm nay, người dân ven biển đưa giống xoài này về đây trồng thử nghiệm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây xoài “bén duyên” ở vùng biển mặn nhờ vào điều kiện thổ nhưỡng thích hợp là những giồng cát ven biển được tích trữ nước ngọt tại tầng nông. Hiện nông dân đã mở rộng diện tích xoài lên khoảng 400ha. Địa phương đã xây dựng Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Thạnh Phong để trồng xoài theo tiêu chuẩn GlobalGAP nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng vừa cấp nhãn hiệu “Xoài tứ quý Thạnh Phú”.

Năm 2016, HTX dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong được thành lập với 149 xã viên, diện tích trồng xoài tứ quý 30ha, trong đó 16ha được bà con xã viên trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Hiện tại, xã viên bán sản phẩm xoài cho HTX và ký kết với doanh nghiệp tiêu thụ có giá cao hơn thị trường khoảng 2 ngàn đồng/kg. Trong thời gian qua, Dự án AMD Bến Tre đã hỗ trợ HTX hơn 1,3 tỷ đồng để đầu tư nhà xưởng, máy sấy, kho lạnh... và sản xuất thử nghiệm sản phẩm xoài sấy. HTX đang hoàn thiện quy trình để được chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Sắp tới, sẽ chào hàng sản phẩm xoài sấy tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Gia đình bà Lê Thị Tuyết Nga (ngụ ấp Đại Thôn, xã Thạnh Phong) là xã viên của HTX đang trồng 6.000m2 xoài theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Trong đó, diện tích cho quả khoảng 4.000m2. Bà Nga cho biết: “Nhờ cán bộ nông nghiệp hướng dẫn nên gia đình tôi đầu tư hệ thống nước tưới, kỹ thuật canh tác, bao quả để cho sản phẩm chất lượng. Trung bình từ 15 - 20 ngày sẽ cho thu hoạch một đợt với sản lượng khoảng 200 - 300kg. Toàn bộ sản lượng đều bán lại cho HTX, doanh nghiệp với giá từ 12 - 14 ngàn đồng/kg. Trừ đi chi phí, mỗi năm thu lợi nhuận vài chục triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng hoa màu như trước đây”. Đến nay, xã Thạnh Phong đã phát triển gần 300ha xoài. Người dân xã Thạnh Hải cũng dần chuyển từ trồng dưa hấu, sắn ở đất giồng cát sang trồng xoài từ quý. Hiện tại, toàn xã có diện tích 60ha, trong đó khoảng 40ha đang cho quả.

Vùng nước mặn ven biển trước đây là bất lợi trong phát triển kinh tế giờ được tận dụng tối đa để biến thành lợi thế với nghề nuôi thủy sản. Hiện tại, hai địa phương đã phát triển gần 6.000ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, mô hình lúa - tôm ven biển. Rất nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, làm giàu nhờ con tôm. Gần đây, nhiều hộ đã phát triển mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn (công nghệ cao) mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Ông Đặng Văn Bảy (sinh năm 1972, ngụ xã Thạnh Phong) là thế hệ trẻ điển hình tại địa phương trong phát triển kinh tế. Phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước, năm 1990, chàng thanh niên trẻ này hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1992, ông Bảy xuất ngũ trở về địa phương và tích cực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Ông Bảy tâm sự: “Thời gian trong quân ngũ đã rèn luyện tinh thần, ý chí, ý thức kỷ luật... giúp tôi vượt qua bao khó khăn, thử thách để thành công như ngày hôm nay. Trước đây, vùng này rất nghèo khó khi nước mặn chỉ trồng được 1 vụ lúa, nuôi tôm quảng canh hiệu quả không cao. Năm 2001, gia đình tôi chuyển sang nuôi tôm công nghiệp và tích lũy vốn để mở rộng diện tích sản xuất”. Hơn 2 năm nay, ông Bảy đã chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Hiện tại, 3 trang trại của ông ở xã Thạnh Phong và Thạnh Hải có diện tích trên 10ha, trong đó diện tích mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng khoảng 2ha. Trung bình, mỗi năm các trang trại này cho thu hoạch từ 200 - 250 tấn tôm, mang về lợi nhuận hàng tỷ đồng. Ba trang trại này góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 18 lao động và nhiều lao động thời vụ tại địa phương.

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại nuôi tôm, ông Bảy tâm sự: “Nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao đầu tư khá lớn, trung bình 1ha khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại  rất cao do khép kín, môi trường nước được xử lý kỹ, quản lý được dịch bệnh nên tôm lớn nhanh...”. Hiện tại, hai xã Thạnh Phong và Thạnh Hải đã bắt đầu phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao với tổng diện tích gần 5ha. Hy vọng, trong tương lai, mô hình này sẽ được nhân rộng để giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

 Xây dựng nông thôn mới

Hai xã ven biển Thạnh Phong và Thạnh Hải đang tăng tốc xây dựng NTM để góp phần phát triển kinh tế tại căn cứ cách mạng này. Hiện tại, xã Thạnh Hải đã hoàn thành 11 tiêu chí (TC), còn xã Thạnh Phong đã hoàn thành 13 TC trong tổng số 19 TC của xã đạt chuẩn NTM. Phó bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hải Nguyễn Tấn Phong cho biết: “Địa phương đang dồn sức xây dựng NTM tại vùng đất căn cứ cách mạng trước đây gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, còn 8 TC nữa đang tích cực hoàn thành với mục tiêu hoàn thành chắc từng TC một và chú trọng đến chất lượng. Vùng đất nghèo khó này giờ đang chuyển mình phát triển nông nghiệp với mô hình nuôi tôm, trồng xoài, hoa màu và phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch...”.

Dự kiến trong năm 2019, xã Thạnh Phong phấn đấu hoàn thành 2 TC và đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành toàn 4 TC để được công nhận xã NTM. Đồng chí Trương Thanh Hải - Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phong cho biết: “Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương ra sức xây dựng NTM để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong năm 2020 sẽ phấn đấu hoàn thành 4 TC còn lại là nhà ở, tỷ lệ hộ nghèo, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường để được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, hệ thống đường giao thông nông thôn được xây dựng có sự đóng góp rất lớn của người dân. Từ giữa năm 2018 đến nay, địa phương đã xây dựng 10 cây cầu và đường dẫn vào cầu với tổng kinh phí khoảng 1,7 tỷ đồng; trong đó người dân đóng góp 560 triệu đồng, 1.200 ngày công lao động...”. Hiện tại, các trường học đạt chuẩn quốc gia, hệ thống điện, đường, trạm y tế, nhà văn hóa... đã được đầu tư, xây dựng khang trang, giúp bộ mặt của địa phương thay đổi rất nhanh chóng. 

Bình minh lên cao, bên vàm Khâu Băng vẫn mênh mông sóng nước, xa xa là những cánh rừng bần, rừng đước từng che chở cho quân ta giờ vẫn xanh ngắt để bảo vệ vuông tôm, vườn xoài, hoa màu của người dân ven biển trước sóng to, gió lớn. Người dân Thạnh Phong từng vượt qua bao gian khổ, hy sinh trong kháng chiến, nay ra sức xây dựng, phát triển kinh tế với lợi thế về thủy sản, nông ngiệp và du lịch. Những con đường bê-tông được trải dài đến tận các xóm, ấp vùng sâu giúp giao thông được thuận tiện; nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu tại vùng đất này. Cùng với phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Diện mạo xã NTM đang dần được hoàn thiện ngay vùng đất hào hùng bị bom cày, đạn xới năm xưa.

Lê Hoàng Trung

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN