Về quê ăn Tết

10/02/2021 - 22:05

BDK.VN - Đó là nhan đề cuốn sách của tác giả Dương Hoàng Lộc, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành vào cuối tháng 1-2021.

Bìa sách Về quê ăn tết.

Bìa sách Về quê ăn tết.

Trong không khí hối hả, bận rộn của những ngày cuối năm, mỗi người chúng ta cố gắng chạy thật nhanh, hoàn thành hết tất cả công việc để về quê ăn Tết. Đây không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm, khi Tết đến xuân về mọi người cùng đoàn tụ, quây quần bên nhau, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên.

Tất cả những khoảnh khắc đẹp đẽ của ngày xuân được phản ánh sống động qua 152 trang viết bằng ngôn từ mộc mạc, bình dị, đậm chất Nam Bộ. Tác giả đã dành nhiều thời gian du xuân ở miền Đông và Tây Nam Bộ như: Bình Dương, Cà Mau, góp nhặt từng chi tiết, hơi thở của cuộc sống để tích lũy và giới thiệu trong quyển sách này. Đặc biệt, TS Dương Hoàng Lộc đã dành nhiều trang viết để phản ánh phong vị Tết xứ Dừa.  

Tết không thể thiếu những chậu hoa tỏa hương khoe sắc làm đẹp cho đời. Không khí Tết bắt đầu lan tỏa khắp muôn nơi từ khoảng rằm tháng Chạp, khi nhà nhà đồng loạt lảy lá mai. Hầu như ở trước cửa hoặc hiên nhà của người dân Nam Bộ đều có trồng vài cây mai để chưng Tết. Nhà nào nhiều quá thì chặt vài nhánh tặng bạn bè, lối xóm chưng ba ngày Tết cho vui, càng thêm thắt chặt tình nghĩa.

Ngoài mai vàng còn có vạn thọ, một loài hoa dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng đã làm nên hương sắc mùa xuân từ thành thị đến nông thôn. Mai và vạn thọ là hai cái tên thể hiện ước muốn của mỗi gia đình cho một năm mới đầy may mắn, sức khỏe dồi dào, sống lâu.

Trước khi đón Tết, con cháu có trách nhiệm quét mộ và tu sửa mộ phần cho ông bà. Đây là mỹ tục thể hiện đạo hiếu, gắn kết con người với gia đình, họ hàng và quê hương bản quán.

Ngoài chơi tết còn có ăn Tết. Thịt kho tàu, khổ qua dồn thịt, bánh tét đã trở thành những món ăn truyền thống, trước dâng cúng ông bà, sau dùng để ăn trong ba ngày Tết. Nếu như miền Bắc gói bánh chưng thì ở miền Nam gói bánh tét. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, gọi bánh “tét” là cách đọc trại từ bánh “Tết” mà ra.

Vào ngày mùng 1 Tết, người dân thường có thói quen đi chùa và ăn chay để cầu phúc đầu năm. Thực đơn món chay ngày Tết khá đa dạng, có thể xếp thành năm loại chính: món canh (nấm, kiểm, khổ qua hầm, rau củ…); món kho (khổ qua dồn đậu hủ kho tương, rau củ kho thập cẩm, bó xổ khìa nước dừa…); món xào (rau củ xào đậu hủ, hủ tiếu xào…); món gỏi (gỏi bắp chuối, gỏi dưa leo, gỏi cuốn…) và nước chấm (nước tương, tương xay, chao).

Sau khi ăn những món mặn thì mứt là loại đồ ăn ngọt thích hợp nhâm nhi cùng tách trà để nói chuyện đầu xuân. Mứt Tết rất phong phú, khó mà kể tên hết, tạm phân thành một số loại như: mứt làm từ các loại quả (dừa, me, đu đủ, cà, chuối, mãng cầu, chùm ruột, khớm, bí…); mứt làm từ các loại củ (năng, gừng, củ sen, khoai…); mứt làm từ các loại hạt (hạt sen, đậu ngự). Trên những cồn cát ở các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú nhộn nhịp ghe thuyền, xe cộ chở dưa hấu về các chợ. Dưa hấu là vật phẩm không thể thiếu dùng để dâng cúng gia tiên trong dịp Tết.

Bên cạnh phong tục đón Tết chung thì từng địa phương, người dân sẽ có những cách ăn Tết riêng.

Mỗi khi gần đến Tết, miền quê biển Ba Tri lại đón những cơn gió chướng lồng lộng, tiết trời trở nên lạnh. Đó là dấu chỉ tự nhiên, báo hiệu Tết sắp đến. Ngày trước, người dân Ba Tri chuẩn bị ăn Tết từ ngày đưa ông Táo về trời. Lúc này, hàng hóa ở chợ đầy ắp, người đi mua sắm đông đúc, những thứ đặc sản được đem ra bày bán như: rượu Phú Lễ, dưa hấu cồn Hố, tôm khô Tiệm Tôm… Những phong tục truyền thống vẫn được người dân nơi đây giữ gìn như: chạp mả, đi chùa đầu năm, cúng ra mắt đầu năm… Đặc biệt là phong tục Tết thầy vào ngày mùng 3, học trò theo lệ đến nhà chúc Tết thầy, cô giáo.

Còn đối với miệt vườn Cái Mơn thì phong vị Tết ở đây có nhiều thú vị, bởi địa phương này lâu nay gắn với nghề trồng hoa kiểng, xuất bán đi cả nước. Ngày xuân, bức tranh Tết ở Cái Mơn thật sinh động với những nét vẽ chân phương, hòa cùng những sắc màu của hoa kiểng, rực rỡ trong nắng sớm ban mai. Cái Mơn được biết đến là một trong những họ đạo Công giáo lâu đời và nổi tiếng của tỉnh. Do đó, văn hóa Tết của xứ đạo này có những nét riêng, không lẫn vào đâu được. Có thể kể đến như: quét mộ ở đất thánh, chưng hoa cúc, vạn thọ trên bàn thờ Chúa. Đặc biệt, trong thời khắc giao thừa người giáo dân hân hoan đón nghe tiếng chuông nhà thờ và đi lễ đầu năm.

Tết đến xuân về, trong mỗi chúng ta luôn mong chờ khoảnh khắc đoàn viên. Mỗi câu chuyện trong Về quê ăn Tết là một bức tranh sống động, thắm đượm tình cảm đối với quê hương.

Bài, ảnh: Bùi Hữu Nghĩa

Chia sẻ bài viết
Từ khóa Về quê ăn Tết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích