Xã Thành An từng bươc phát triển vững chắc

03/04/2009 - 15:55

Dừa khô ở Thành An đi vào thị trường. Ảnh: H. Vũ

Trong hai cuộc kháng chiến, nhân dân xã Thành An (Mỏ Cày, Bến Tre) đã đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong công cuộc xây dựng đổi mới của đất nước ngày nay, nhân dân trong xã tích cực tham gia xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; tập trung học tập, nắm bắt các nội dung xây dựng gia đình văn hóa, tổ văn hóa, các tiêu chí khu dân cư tiên tiến… Ngoài ra, lãnh đạo xã luôn xem lĩnh vực phát triển kinh tế là khâu trọng tâm nên đã có nhiều giải pháp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã khó đáng kể. Cũng từ đó, bộ mặt xã Thành An đã khởi sắc và chuyển biến rõ rệt, đời sống kinh tế của nhân dân đã thay đổi  hẳn, toàn xã xóa được đói, giảm hộ nghèo.

Cuộc sống tươi vui ở xã Thành An có thể được cảm nhận ngay từ khi đặt chân vào vùng đất này qua nhịp sống hối hả tại các phiên chợ, những cửa hàng tạp hóa nằm dọc ven đường Chiến Tuyến – con đường mà ngày xưa đã chứng kiến bao cuộc chiến oai hùng tại một vùng đất được mệnh danh “Xã Anh hùng”. Dạo một vòng quanh xã, tôi thật sự ấn tượng từ những con đường, cây cầu, đến những ngôi trường được xây dựng khang trang… tất cả đều thể hiện sự “thịnh vượng” nơi vùng đất mà ngày xưa bị bom cày, đạn xới. Ông Nguyễn Hoàng Định – Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thành An đăng ký xây dựng xã văn hóa từ năm 2008, cùng xuất phát từ mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong những năm gần đây, xã đã bê-tông nhiều tuyến giao thông, xóa 100% cầu khỉ, đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Phấn khởi nhất là việc chuyển đổi thành công cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nếu như năm 2007, toàn xã có trên bốn ngàn con heo thì năm 2008 toàn xã có hơn chín ngàn con. Bên cạnh đó, cây ca cao và cây dừa đang được bà con nơi đây “mặn mà” hơn.

Thu hoạch cam xoàn ở Ấp Văn hóa Đông Trị. Ảnh: H. Vũ

Đa phần người dân xã Thành An sinh sống bằng nghề nông. Chính vì vậy, trong công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất, lãnh đạo xã Thành An thường xuyên bám sát điều kiện từng vùng; lấy nông nghiệp làm mũi nhọn, thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp làm đòn bẩy hỗ trợ. Ông Nguyễn Hoàng Định – cho biết thêm: Trước đây, mía, dừa và lúa là cây trồng chủ lực của địa phương với diện tích hơn 500ha. Nhưng do hiệu quả mang lại không cao, đến nay diện tích những loại cây này đã giảm khá nhiều. Gần đây, được sự hỗ trợ về vốn thuộc dự án của tỉnh và kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông huyện, Hội Nông dân xã Thành An đã vận động người dân trồng thử nghiệm cây ca cao. Tuy là loại cây trồng mới, nhưng bước đầu phát triển khá tốt trên vùng đất này. Gia đình ông Nguyễn Văn Phong ở ấp 2 – xã Thành An có hơn 5 ha đất trồng cây ca cao xen dừa. Hiện nay, thu nhập từ vườn ca cao của gia đình ông Phong khoảng 20 triệu đồng.

Cùng với việc chuyển đổi cây trồng, thời gian qua, xã Thành An cũng đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn thú y cho các hộ chăn nuôi heo. Nhờ đó, nghề chăn nuôi heo cũng đang được các hộ dân nơi đây phát triển khá mạnh. Gia đình anh Cao Hoàng Ngân, ngụ ấp Long Thành là một trong số đó. Cơ sở đạt tiêu chuẩn trang trại chăn nuôi vào năm 2008, nhưng anh đã có 10 năm trong nghề chăn nuôi heo, mỗi năm thu về vài trăm triệu đồng. Từ những hiệu quả thiết thực, anh Ngân đã giúp đỡ bà con trong xã chăn nuôi heo bằng cách bán con giống và thức ăn trả chậm (họ trả tiền cho anh sau khi bán heo). Việc làm này đã tạo điều kiện cho nhiều hộ có việc làm, tăng thu nhập gia đình và dần thoát nghèo, tạo nên bộ mặt mới cho xã nhà.

Từ những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, đời sống người dân xã Thành An đã được cải thiện, tạo cơ sở để tiếp tục vận động thực hiện các tiêu chí khác để đạt xã văn hóa vào cuối quý I-2009. Hiện, 8/8 ấp  trong xã được công nhận ấp văn hóa.

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN