|
Lính biên phòng kiểm tra rừng phòng hộ huyện Bình Đại vào một sáng đầu tháng 4-2011. |
Đằng sau cánh rừng ấy, vẫn luôn thấp thoáng hình ảnh các đoàn lính quân hàm xanh, ngày đêm miệt mài chăm sóc, canh giữ từng tấc đất biên giới biển có rừng phòng hộ xanh thẫm.
"Bây giờ, nếu có ai hỏi, các hộ dân sống ven biển huyện Bình Đại, đặc biệt là ở ấp Thừa Long, xã Thừa Đức nhận thấy điều gì sau khi cơn bão số 9 ác liệt vào năm 2006 đi qua, thì mấy chục hộ dân sinh sống nơi đây sẽ cùng trả lời rằng: nhờ cánh rừng phòng hộ mà nhà của tôi không bị đổ sập, nhờ cánh rừng phòng hộ mà hoa màu của chúng tôi ít bị thiệt hại…”. Ông Phan Anh Dũng – Phân khu Phòng hộ huyện Bình Đại đã nói như vậy.
Thật vậy, chưa hỏi về cơn bão nhưng vợ chồng bà Trần Thị Trạng - hộ có mấy đời sống bám chặt đất biển ở ấp Thừa Long, cũng đã không quên nhắc về cơn bão kinh hoàng năm ấy khi tâm sự với chúng tôi về một vài điều liên quan đến rừng. Cũng không nhớ rõ là cơn bão đổ bộ vào năm nào nhưng ông bà khẳng định như in rằng: “Toàn bộ những gì còn tồn tại ở đây là nhờ vào rừng!”. Nhờ rừng phòng hộ này mà gia đình có thể tiếp tục sống, trồng mía, trồng xoài và nuôi tôm. Ít ai tin, một nơi heo hút, vắng vẻ như nơi đây, giờ lại xuất hiện lắm hộ khấm khá lên nhanh nhờ đã trúng đậm vài vụ tôm. Bà nói, cũng sau cơn bão đó, người ta đã không còn lén chặt phá rừng mà còn hỗ trợ Bộ đội Biên phòng để canh và bảo vệ rừng, để rừng phát triển, để rừng bảo vệ xóm làng… Hầu hết người dân đều hiểu rằng rừng phòng hộ đã cứu họ khi cơn bão đi qua.
Huyện Bình Đại có diện tích rừng phòng hộ và sản xuất gần 1.900ha trong tổng diện tích đất lâm nghiệp của huyện là 3.400ha. Ngoài làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc 27km chiều dài bờ biển của 3 xã: Thừa Đức, Thới Thuận, Bình Thắng, Đồn Biên phòng Cửa Đại (trước là Đồn Biên phòng 594) còn được giao nhiệm vụ trồng, quản lý và bảo vệ gần 73ha rừng phòng hộ của huyện, kéo dài qua địa phận hai xã Bình Thắng và Thừa Đức.
Theo lời kể của những anh lính biên phòng nơi đây, hàng năm, vào mùa gió chướng, gió thổi vào đất liền làm ảnh hưởng lớn đến việc trồng hoa màu và đời sống của nhân dân. Trước tình hình trên, năm 1994, Đồn Biên phòng 594 hợp đồng với Phân khu rừng phòng hộ trồng, chăm sóc và bảo vệ 73ha từ vàm Bình Thắng đến vàm Mương Đá, xã Thừa Đức (với loại cây chủ yếu là bần, mắm, phi lao), nhằm ngăn chặn gió thổi vào đất liền và chắn sóng biển. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Đồn Biên phòng đã luôn tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Trong quá trình công tác, đơn vị đã vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của rừng để họ cùng tham gia bảo vệ rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Bất ngờ năm 2006, cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền đã tàn phá 100% diện tích rừng phòng hộ do Đồn Biên phòng quản lý. Năm 2007, Đồn lại tiếp tục miệt mài với công tác trồng rừng mới trên diện tích cũ.
“Mùa gió Nam, việc trồng rừng vất vả nhưng có thật nhiều kỷ niệm. Nhắc đến trồng rừng, chúng tôi không thể quên kỷ niệm gắn với một chiến sĩ đến từ Tây nguyên. Vì tham gia trồng rừng, anh đã bị loài cá mặt quỷ - cá có nhiều gai nhọn, nhỏ li ti, đâm vào chân, khiến đồng đội phải đưa anh lên tàu trở về Đồn. Đến giờ, mỗi lần trở về thăm đơn vị, anh đều thiết tha được đồng đội chở ra thăm rừng và đến đúng nơi anh đã từng có kỷ niệm sâu sắc nhất - kỷ niệm trồng rừng cùng đồng đội” - Trung úy Lê Văn Tài kể lại kỷ niệm về đời lính gắn bó với rừng.
Đến nay, nhận thức đúng mức lợi ích của rừng phòng hộ, hành vi chặt phá rừng trái phép của một số người dân đã giảm hẳn. Hàng năm, rừng phòng hộ được trồng bổ sung, chăm sóc và bảo vệ tốt theo quy định của pháp luật. Công tác này của đơn vị luôn được Phân khu Phòng hộ đánh giá tốt.
Rừng phòng hộ càng đặc biệt quan trọng hơn trước tình hình biến đổi khí hậu. Và, ai cũng hiểu, đằng sau đó có công sức to lớn của những người lính biên phòng - người đã luôn chăm chỉ, miệt mài với công tác trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ cho rừng phòng hộ được phục hồi, phát triển tốt. Có thể kể đến một vài tấm gương tận tụy với rừng như: Trung tá Phạm Hữu Phương (Đồn trưởng), Thiếu tá Nguyễn Văn Lùng (Chính trị viên), Trung úy Lê Văn Tài, Thượng úy Phạm Hoàng Hậu, Châu Linh Phi, Nguyễn Văn Thái.