Đền thờ cụ Phan Văn Trị tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm.
Truyền thống yêu nước, anh hùng
Theo các tài liệu lịch sử, nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị sinh năm 1830, tại thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm). Cụ đỗ cử nhân khoa Kỷ Dậu (1849) tại trường thi Gia Định vào năm 19 tuổi. Nhưng sau đó, cụ không ra làm quan mà về quê sống cuộc đời dân dã, thanh đạm, dạy học ở Tân An. Sau đó, dời về làng Phong Điền (nay là xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ). Tại đây, cụ tiếp tục dạy học, làm thơ, bốc thuốc, chữa bệnh cho đến cuối đời. Khi sống cuộc sống xa quê nhà, tâm tư cụ vẫn luôn hướng về thôn Hưng Thạnh (nay là xã Thạnh Phú Đông). Cụ viết: “Năm tháng qua đi/ Hình đất nước bao lần mờ tỏ/ Nhưng Hưng Thạnh thôn vẫn chong đèn chờ người trở lại/ Vẫn mọi chiều tiếng gọi đàn về tổ/ Một cánh cò khắc khoải trời xa” (trích bài Tiếng gọi đàn). Thơ văn của Cụ gắn liền với sự nghiệp đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Pháp và bọn cường hào phong kiến.
Theo tài liệu “Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Thạnh Phú Đông”, còn có nhiều nhân vật lịch sử khác như: Võ tướng Phan Văn Triệu - võ tướng thời nhà Nguyễn, có công mở mang và xây dựng đất Phương Nam. Ông Đỗ Phát Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Bộ Ngoại giao, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huân chương độc lập hạng Nhất… Hay mẹ Trần Thị Kế - Anh hùng Lực lượng vũ trang với câu nói bất hủ: “Chồng con tao ở trong tim tao, bây muốn kiếm mổ ra mà kiếm”…
Thạnh Phú Đông hôm nay
Thạnh Phú Đông ngày nay là một trong 22 xã, thị trấn của huyện Giồng Trôm. Xã có diện tích hơn 2,1 ngàn héc-ta, chia làm 8 ấp (trong đó có 2 cồn: Cồn Lá và Cồn Linh) với hơn 3 ngàn hộ dân. Đời sống người dân chủ yếu là nông nghiệp.
Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phú Đông Phan Văn Nhủ cho biết, xã đã từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Xã phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các tổ hợp tác từng bước mang lại hiệu quả. Người dân tham gia thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp… mở ra bước ngoặt mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45,58 triệu đồng/năm (đạt hơn 96,8% so với nghị quyết, tăng 21,58 triệu đồng so với nhiệm kỳ trước).
Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng từng bước được xây dựng cơ bản hoàn chỉnh. Đến cuối năm 2019, xã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa từng bước lan tỏa vào đời sống nhân dân. Các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Từ các nguồn lực, xã đã xây dựng 73/30 căn nhà tình nghĩa, 63/10 căn nhà tình thương (tổng kinh phí hơn 5,75 tỷ đồng).
Thạnh Phú Đông quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là đối với thế hệ trẻ. Anh Huỳnh Văn Chung - Phó bí thư Xã Đoàn cho biết, hàng năm, bên cạnh lồng ghép tuyên truyền về cụ Phan Văn Trị trong các sự kiện của Đoàn, Xã Đoàn còn tổ chức cho lực lượng đoàn viên, thanh niên ra quân dọn dẹp vệ sinh, cắt tỉa hoa kiểng tại Đền thờ liệt sĩ và Đền thờ cụ Phan Văn Trị trong các dịp lễ, Tết, kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của cụ Phan Văn Trị.
Tỉnh đã có kế hoạch nâng cấp, hoàn chỉnh khu Đền thờ cụ Phan Văn Trị, giao UBND huyện Giồng Trôm làm chủ đầu tư, nguồn vốn từ ngân sách và vận động xã hội hóa, thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2021. Hiện Nhà trưng bày đang được triển khai xây dựng trong khuôn viên đền thờ. Đây là nơi đón tiếp khách tham quan và trưng bày những hiện vật, tác phẩm liên quan đến cụ Phan Văn Trị. Từ khi xây dựng mới đưa vào sử dụng năm 2014 - cũng là năm đền thờ cụ được công nhận là Di tích văn hóa cấp tỉnh, hàng năm huyện và xã đều tổ chức lễ giỗ, viếng thắp hương tại đền thờ. Đồng thời, huyện Giồng Trôm cũng đã kết nghĩa với huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ từ năm 2004 đến nay.
Bài, ảnh: Nguyệt Ánh