Về thăm “Xóm tám chữ vàng” Tân Lợi Thạnh

30/08/2023 - 05:31

BDK - Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân Bến Tre được tuyên dương 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”. Gần 55 năm qua, người dân vẫn còn lưu giữ ký ức hào hùng và quyết tâm phát huy tinh thần Đồng khởi năm xưa để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Người dân đặt tên cầu Tám Chữ Vàng để ghi nhớ sự kiện tổ chức lễ đón nhận danh hiệu 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”.

Người dân đặt tên cầu Tám Chữ Vàng để ghi nhớ sự kiện tổ chức lễ đón nhận danh hiệu 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”.

“Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”

Năm 1968, theo chủ trương chung của Đảng, quyết tâm của Tỉnh ủy trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân là: “Đập nát đầu não và lực lượng then chốt của địch tại thị xã, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng vùng giải phóng xông vào làm nòng cốt cùng đồng bào thị xã nổi dậy giải phóng thị xã, phát triển giải phóng các thị trấn và toàn tỉnh…”.

Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quả cảm cùng toàn miền Nam, quân và dân tỉnh đã giáng một đòn bất ngờ, chí tử vào sào huyệt của chính quyền Mỹ - ngụy ở Kiến Hòa. Sau hơn 8 tháng triển khai đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân tỉnh đã giành thắng lợi to lớn. Tỉnh là một trong ba địa phương anh dũng nhất, quyết liệt nhất trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư điện khen thành tích chiến đấu của nhân dân Bến Tre.

Tại Hội nghị du kích chiến tranh toàn miền Nam lần thứ tư (diễn ra tháng 10-1968), Bến Tre được chọn là một trong ba ngọn cờ đầu của phong trào du kích chiến tranh và được Bộ Chỉ huy Miền quyết định (số 409/QL ký ngày 2-9-1968) tặng thưởng cờ danh dự mang dòng chữ “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”.

Đây là niềm tự hào, động viên, cổ vũ cho quân và dân Bến Tre thực hiện lời dạy thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Từ đó, quân và dân Bến Tre cùng toàn miền Nam bước vào trận quyết chiến Tổng tiến công và nổi dậy làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng cả nước đi lên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Về nơi đón nhận danh hiệu 8 chữ vàng

Cuối năm 1968, Tỉnh ủy Bến Tre chọn khu vực Gò Nổi (nay thuộc ấp Giồng Đồng, xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm) để tổ chức lễ đón nhận danh hiệu 8 chữ vàng cao quý “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”.

Đến nay, người dân vẫn còn lưu giữ ký ức hào hùng của đêm đón nhận danh hiệu “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”. Ông Võ Văn Hích, 71 tuổi, ngụ ấp Giồng Chùa, xã Tân Lợi Thạnh thời điểm đó là Bí thư Chi đoàn ấp và trực tiếp tham gia trong đêm tổ chức lễ cho biết: “Thời điểm đó tổ chức bí mật để tránh quân địch phát hiện nhưng người dân các vùng lân cận đi bộ đến dự rất đông. Nhằm bảo đảm an toàn, phải cử lực lượng gác máy bay từ xa để khi phát hiện quân địch báo động bằng tiếng mỏ. Người dân rất phấn khởi, tự hào đón nhận danh hiệu cao quý này”.

Ông Trần Văn Nhựt, sinh năm 1938, người trực tiếp canh gác cho buổi lễ kể lại: “Thời điểm tổ chức lễ vào ban đêm tại gò đất của gia đình ông Lê Văn Năm vì xung quanh toàn là ruộng, chỉ nơi đây cao ráo. Khi đó, người dân kéo đến rất đông để xem đoàn văn công hát và làm lễ đón nhận danh hiệu. Lực lượng bộ đội của ta chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho buổi lễ trang trọng nhằm tránh quân địch phát hiện. Lực lượng và nhân dân đã đào hào xung quanh, những hố nhỏ để khi quân địch phát hiện sẽ để những chiếc đèn măng-xông xuống hố này lấp đất lại không có ánh sáng lọt ra ngoài. Khi đó tôi là du kích ấp nên được giao nhiệm vụ canh gác ở vòng ngoài để báo động khi địch phát hiện… Buổi lễ diễn ra rất trang trọng đến khoảng 22 giờ đêm mới kết thúc”.

Ngày nay, nơi đây người dân đặt tên cho cây cầu bê-tông là Tám Chữ Vàng chỉ cách nơi tổ chức buổi lễ trang trọng này khoảng hơn 100m. Ông Võ Thái Hùng, sinh năm 1951, nhà sát bên cầu Tám Chữ Vàng cho biết: “Trước đây xung quanh đây chỉ là đồng ruộng nên người dân chỉ đi bộ hay bơi xuồng. Sau này, khoảng năm 1981, nơi đây mới phát triển thủy lợi, bắc cầu dừa qua kênh rồi làm giao thông nông thôn (GTNT), thay cầu dừa bằng cầu bê-tông cho đến nay. Người dân đặt tên cho cây cầu này là Tám Chữ Vàng để giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu sau này”.

“Đồng khởi” trong xây dựng quê hương

Ngày 22-8-1998, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Tân Lợi Thạnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu An hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Là xã anh hùng, đi liền với đó là số lượng gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, thương binh, liệt sĩ rất lớn. Hiện tại, toàn xã có 979 gia đình chính sách, 54 mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống 4 mẹ). Trong đó, có 288 liệt sĩ, 138 thương, bệnh binh, 106 người bị địch bắt tù đày, 24 người nhiễm chất độc hóa học, 10 thanh niên xung phong, 359 người hưởng chế độ…

Khu vườn này trước đây là địa điểm tổ chức lễ đón nhận danh hiệu “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”.

Khu vườn này trước đây là địa điểm tổ chức lễ đón nhận danh hiệu “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”.

Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Lợi Thạnh đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Chủ tịch UBND xã Tân Lợi Thạnh Lê Chí Linh cho biết: “Đến nay, xã Tân Lợi Thạnh đã đạt 16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện tại còn 3 tiêu chí là GTNT, trường học, cơ sở vật chất văn hóa đang gấp rút hoàn hành để sớm công nhận xã NTM. Địa phương đang tập trung phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” trong xây dựng NTM nhằm huy động các nguồn lực, vận động người dân hiến đất, hoa màu để làm đường, xây cầu nông thôn giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện”. Trung bình mỗi năm, xã Tân Lợi Thạnh vận động các mạnh thường quân đóng góp xây cầu, làm đường với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng, giúp hoàn thiện hệ thống GTNT tại các ấp.

Năm 2022, người dân ấp Giồng Chùa đã tình nguyện hiến đất, hoa màu để xây dựng tuyến đường dài 400m nối liền từ ấp Giồng Chùa qua ấp Giồng Đồng. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 462 triệu đồng. Trong đó, 23 hộ dân hiến đất, hoa màu, làm nền hạ với số tiền hơn 300 triệu đồng, còn lại vận động xã hội hóa. Gia đình ông Nguyễn Văn Lý hiến 900m2 đất để mở đường cho biết: “Trước đây chưa có đường GTNT nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Người dân chỉ đi bộ đường đất hay bơi xuồng mới ra được đường lớn. Khi Nhà nước có chủ trương làm đường, gia đình tôi mạnh dạn hiến đất để thực hiện công trình. Bây giờ, người dân và học sinh đi lại dễ dàng, gia đình tôi canh tác 1,1ha dừa thu hoạch có xe tới tận nơi để thu mua giá cao hơn trước”. Đến nay, các tuyến đường giao thông nối liền các ấp tại xã Tân Lợi Thạnh đã dần hoàn thiện, góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM.

“Phát huy truyền thống lịch sử anh hùng của thế hệ đi trước, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng NTM, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tuyên truyền cho người dân thông suốt về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng NTM. Nghị quyết của Đảng bộ đề ra mục tiêu đến năm 2025 đạt xã NTM, nhưng địa phương sẽ phấn đấu trong năm 2024 hoàn thành tất cả các tiêu chí để được công nhận xã NTM”.

(Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi Thạnh Phan Văn Nhủ)

Bài, ảnh: Hữu Hoàng

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN