 |
Cây dừa đang lấn dần cây mía ở xã Châu Bình. |
Châu Bình được xem là vùng đất của cây mía, chỉ hơn 5 năm về trước, diện tích mía của xã có khoảng 1.200ha (toàn huyện có gần 2.000ha). Niên vụ 2012, theo số liệu báo cáo của địa phương, diện tích chuyên canh mía chỉ còn 643ha. Vì sao cây mía không còn “thịnh” trên vùng đất Châu Bình?
Ông Võ Lâm Sơn - Chủ tịch UBND xã cho biết, niên vụ 2012, nếu tính luôn diện tích mía trồng xen, xã chỉ còn khoảng 900ha mía, chắc chắn sẽ không bền vững bởi khi cây dừa lớn lên, bà con sẽ phá mía ngay. Nhiều ấp, diện tích mía thu hẹp còn vài chục ha. Giá mía ở niên vụ 2011, từ 800-850 ngàn đồng/tấn, với giá này, bà con trồng mía không còn mặn mà trong giai đoạn chăm sóc, vì lỗ nặng.
Ông Trần Văn Hoàng - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm cho biết thêm, các địa phương khác có diện tích mía khá cao như Hưng Lễ, Châu Hòa… cũng giảm tương tự. Năm 2005-2006, diện tích mía toàn huyện xấp xỉ 3.000ha, đến nay, còn không quá 2.000ha. Có nhiều nguyên nhân để diện tích mía phải giảm: giá cả thấp, công lao động và lực lượng lao động thiếu, chi phí phân bón cao, chăm sóc cực nhọc hơn so với trồng cây khác, và lẽ tất nhiên là cây dừa truyền thống phải thay thế dần như hầu hết các vùng trên đất Bếnm Tre. Để lý giải, ông Hoàng cho biết: Trồng mía thì không trồng xen được cây gì cả (như cacao, cây có múi…), trồng mía cả năm mới thu hoạch, giá cả thì bấp bênh, chi phí lao động khá cao, bình quân một tấn mía, bà con phải bỏ ra 150.000 đồng (tiền công đốn, vận chuyển). Với tình hình khan hiếm lao động ở nông thôn như hiện nay, tìm người đốn mía khá vất vả. So sánh với cây dừa, chắc chắn bà con không chọn cây mía. Tuy giá dừa thấp nhưng hàng tháng bà con có “đồng ra, đồng vào”, chi phí chăm sóc thấp hơn trồng mía.
Ông Võ Lâm Sơn cho biết thêm, nếu giá dừa khô ở mức 50.000 đồng/chục thì chắc chắn, cây mía khó sống được trên đất Châu Bình. Hiện tại, việc triển khai “Vườn dừa mẫu” giai đoạn I, được bà con đồng tình hưởng ứng. Đây là mô hình hứa hẹn có lợi lớn cho bà con trồng dừa. Những năm gần đây, diện tích trồng dừa xen trong mía đang có chiều hướng phát triển mạnh trong dân, đặc biệt, dừa Châu Bình có thương hiệu vì năng suất và chất lượng. Hiện có nhiều đại lý của các Công ty dừa đặt cơ sở thu mua ngay tại xã, sẽ giảm bớt khâu trung gian, bà con bán với giá cao. Đây cũng là nguyên nhân làm cho cây mía không được bà con ưa chuộng như trước đây, bởi trồng dừa dẫu giá có thấp hơn nhưng rõ ràng là có dịch vụ thu mua và công chăm sóc cũng ít tốn kém hơn….