Vì sao ngư dân chưa nhiệt tình tham gia bảo hiểm nông nghiệp?

21/06/2012 - 15:23
Cá tra nuôi là đối tượng được bảo hiểm thí điểm tại Bến Tre.

Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 315 ngày 1-3-2011.

Mục đích là tạo mọi điều kiện cho người làm nông nghiệp tiếp cận với các hình thức bảo hiểm theo nguyên tắc tự nguyện, nông dân tham gia thông qua việc đóng phí bảo hiểm và được đền bù tổn thất khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Bến Tre là một trong 21 tỉnh, thành trong cả nước được chọn tham gia thí điểm bảo hiểm cho tôm và cá. Mặc dù chương trình này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Công ty Bảo Minh Bến Tre tổ chức triển khai thực hiện gần một năm qua, nhưng đến nay chưa có hộ nuôi nào tham gia. Vì sao?

Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Bến Tre, các ngành, địa phương tổ chức triển khai và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện, hoàn thiện danh mục tham gia bảo hiểm đăng ký với Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT. Bến Tre có 18 xã thuộc 6 huyện, nuôi cá tra thâm canh và tôm. Trong đó, các xã nuôi cá tra thâm canh là: Tân Thiềng, Vĩnh Bình, Long Thới (Chợ Lách); Phú Túc, Tiên Long, Tân Phú (Châu Thành); Sơn Phú, Phước Long, Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm); nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh gồm các xã: Đại Hòa Lộc, Định Trung, Bình Thới (Bình Đại); Thạnh Phong, Thạnh Hải, Giao Thạnh (Thạnh Phú); An Đức, Tân Xuân, An Hòa Tây (Ba Tri). Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp với Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, UBND các huyện, xã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền chủ trương về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với từng đối tượng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra. Đợt 1 được tổ chức tại 9 xã thuộc các huyện: Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại với 400 lượt hộ tham dự. Đợt 2 tổ chức tại các xã: Định Trung (Bình Đại); Tân Xuân (Ba Tri) với 53 hộ nuôi tham dự. Riêng đối với bảo hiểm cá tra trên vùng nước ngọt đã tổ chức xong 2 đợt tại Sở NN&PTNT, UBND huyện Chợ Lách, có 30 người tham dự. Công ty Bảo hiểm Bảo Minh cũng đã tổ chức đào tạo cho 31 đối tượng làm đại lý bảo hiểm cho các Ban Quản lý vùng nuôi thủy sản, cán bộ chuyên ngành thủy sản. UBND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành qui trình phòng, chống dịch bệnh thủy sản áp dụng thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Về kinh phí hoạt động, Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2011-2013 với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh chưa có hộ nuôi nào đăng ký tham gia bảo hiểm nông nghiệp trong khi vụ nuôi năm nay dịch bệnh đã xuất hiện nhiều và ngày càng nghiêm trọng hơn, chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có gần 1.000ha tôm chết do dịch bệnh, chiếm trên 30% diện tích thả nuôi, có rất nhiều địa phương bị tôm chết gần như hoàn toàn. Hiện còn nhiều vấn đề khó khăn làm cho chương trình không thể thực hiện được. Trước nhất, đây là chương trình mới, ý thức của người nuôi chưa cao, chưa am hiểu về loại hình bảo hiểm này, chưa thấy được lợi ích khi tham gia bảo hiểm. Thứ hai, còn rất nhiều bất cập trong các điều kiện qui định của loại hình này. Chẳng hạn như đối với cá tra, điều kiện để được bảo hiểm bồi thường là phải “có công bố hoặc xác nhận loại thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn của Chủ tịch UBND tỉnh” hoặc “Thủy sản nuôi bị thiệt hại từ 30% trở lên do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm”. Đối với tôm chân trắng, tôm sú, phí bảo hiểm khá cao (thâm canh 7,42%, bán thâm canh 8,02%, quảng canh cải tiến 9,72%), trong khi đó số tiền bồi thường là rất thấp. Hơn nữa, qui định “phải có công bố hoặc xác nhận loại thiên tai, dịch bệnh xảy ra tại địa bàn của Chủ tịch UBND tỉnh” nên không tạo được sự thông thoáng, hấp dẫn người tham gia. Mặt khác, các đối tượng dịch bệnh được bảo hiểm cũng còn nhiều bất hợp lý. Chẳng hạn như có một số loại bệnh mới đã phát sinh trên diện rộng như Hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm sú, tôm chân trắng, bệnh IHHNV ở tôm sú, tôm chân trắng. Bệnh IMNV ở tôm chân trắng rất nguy hiểm làm cho tôm chết nhanh, hàng loạt nhưng không có trong danh mục các bệnh được bảo hiểm. Việc qui định không bồi thường đối với trường hợp tổn thất xảy ra do dịch bệnh trong vòng 10 ngày kể từ ngày thả giống, hoặc giống mua phải có giấy kiểm nghiệm cho từng hộ nhưng thông thường giống mua ngoài tỉnh là do nhóm hộ nuôi hùn lại mua chỉ có một giấy kiểm nghiệm chung, nên không thể tách ra từng hộ theo điều kiện bắt buộc của bảo hiểm.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tỉnh, để công tác triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp có hiệu quả, Bộ Tài chính sớm phân bổ kinh phí cho tỉnh; Bộ NN&PTNT bổ sung một số bệnh mới gây chết tôm hàng loạt trong danh mục các đối tượng bệnh được bảo hiểm. Đồng thời, cũng kiến nghị phân cấp cho cấp huyện xác nhận dịch bệnh và cùng tháo gỡ nhiều vướng mắc khác…

Các đối tượng, mức hỗ trợ, loại thiên tai dịch bệnh, điều kiện
được bảo hiểm nông nghiệp

  - Đối tượng bảo hiểm: Các hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân nuôi tôm và cá tra.

  - Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ dân, cá nhân nghèo; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo; hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo; hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

 - Các loại thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được bảo hiểm:

  + Thiên tai: bão, lũ, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá, xâm nhập mặn.

  + Các loại dịch bệnh:

Bệnh gan thận mủ trên cá tra.

Bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh hội chứng Taura, bệnh teo và hoại tử gan tụy trên tôm thẻ chân trắng, bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh teo và hoại tử gan tụy trên tôm sú.

- Điều kiện được bảo hiểm:

Có mua bảo hiểm nông nghiệp đúng qui định. Người được bảo hiểm phải thực hiện đúng qui trình nuôi thủy sản (ban hành kèm theo Thông tư 47 của Bộ NN&PTNT). Phải có khai báo hàng tháng cho doanh nghiệp bảo hiểm về tình hình nuôi. Phải áp dụng biện pháp phòng dịch đúng qui định, gồm nuôi đúng qui hoạch, thả giống đúng thời vụ, giống phải được kiểm dịch và xét nghiệm không nhiễm các bệnh nguy hiểm theo qui định đối với tôm sú, tôm chân trắng. Khi tôm, cá nuôi chết phải khai báo với cơ quan chức năng và được xử lý đúng qui định. Thủy sản nuôi bị thiệt hại từ 30% trở lên (theo giá trị kinh tế) do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm. Có công bố hoặc xác nhận loại thiên tai, dịch bệnh xảy ra tại địa bàn của Chủ tịch UBND tỉnh.

Không bồi thường cho các trường hợp: không đủ điều kiện theo qui định; cố ý gây độc hại hoặc thương tích cho tôm cá nuôi; tổn thất xảy ra do dịch bệnh trong vòng 10 ngày kể từ ngày thả con giống; khai báo hàng tháng không đúng thực tế tình hình nuôi tôm, cá.

PVHH (Theo Bộ Tài chính)

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích