Chủ trương của tỉnh là không sản xuất lúa vụ 3 (Thu Đông) nhưng trong khi nhiều ruộng ở 2 huyện Ba Tri và Giồng Trôm vẫn chưa thu hoạch xong vụ Hè Thu vì thiếu lao động thì song song đó, đã có hàng loạt nông dân xuống giống. Sở dĩ nông dân không theo chủ trương vì “kiếm rơm cho bò ăn cũng được”.
Gia đình anh Lê Văn Phúc ở xã An Bình Tây,
huyện Ba Tri canh tác 2 thửa ruộng tổng cộng 1,4ha. Thửa ruộng rộng 1 mẫu được
anh Phúc xuống giống hơn tuần qua, trong khi thửa 4 công thì anh quyết định bỏ
vụ. “Tại thửa 1 mẫu trong vạt ruộng có nhiều người xuống giống nên tôi xuống
theo, còn thửa 4 công thì nằm trong vạt ruộng không ai xuống giống”, anh Phúc
cho biết.
Anh Phúc cũng chia sẻ rằng mình không muốn xuống
giống bởi việc canh tác quá nhiều vụ khiến cho năng suất lúa tại ruộng của anh
càng thấp qua từng năm. “Nếu tôi không xuống vụ này thì vụ Đông Xuân mới có hy
vọng đạt năng suất hơn 500kg lúa/công nhưng áp lực giá rơm tăng cao khiến chúng
tôi không quan tâm nhiều vào năng suất lúa”, anh Phúc trải lòng.
Qua khảo sát, hầu hết nông dân đã hoặc đang
xuống giống lúa vụ 3 ở Ba Tri, Giồng Trôm đều nói chung một lý do như anh Phúc.
Bởi hiện nay, hầu như nông dân trồng lúa ở đây đều kết hợp với nuôi bò để tăng
thu nhập cho gia đình mình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Đoạn - Chủ
tịch UBND xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri cho biết, chủ trương không xuống giống lúa vụ
3 đã được ông chỉ đạo tuyên truyền cả trong các cuộc họp Tổ nhân dân tự quản.
Hiện xã có khoảng 600ha diện tích trồng lúa, qua theo dõi thực tế bà con đã và
sẽ xuống giống hết trong vụ Thu Đông. “Tôi đã trực tiếp nói với bà con rằng, cuối
năm 2016 sở dĩ nước trong ruộng không mặn do không mở nắp cống chứ thực tế nước
đầu nguồn, ngoài các sông độ mặn đã tăng cao. Biết tình hình này sẽ chứa đựng
nhiều rủi ro cho bà con nhưng tuyên truyền họ không làm theo thì biết làm sao
bây giờ”, ông Đoạn nói.
Bà Phan Thị Thu Sương - Phó giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ Thu Đông năm nay có khoảng 14.000ha
tập trung ở 2 huyện Ba Tri và Giồng Trôm. Về thủy lợi đã tương đối khép kín,
ngoại trừ ruộng tại các xã An Đức, An Hiệp, Tân Hưng, Vĩnh An, An Hòa Tây, Bảo
Thạnh, Bảo Thuận, Tân Thủy, một phần xã Tân Xuân (huyện Ba Tri).
“Với tình hình thu hoạch lúa Hè Thu khó khăn
như hiện nay thì đến nửa cuối tháng 9 mới xong. Vì vậy, nếu sản xuất lúa vụ 3 sẽ
phải đến cuối tháng 12 mới kết thúc. Như vậy, vụ Đông Xuân năm 2017-2018 sẽ phải
xuống giống sớm nhất cũng đến từ đầu tháng 1-2018, trong khi Cơ quan khí tượng
thủy văn đã dự báo lượng mưa năm nay sẽ kết thúc vào giữa tháng 11 và độ mặn sẽ
tăng cao từ đầu tháng 2 đến tháng 4-2018. Việc sản xuất lúa vụ Đông Xuân như thời
điểm trên sẽ gặp rất nhiều rủi ro”, bà Thu Sương phân tích.