|
Lương y Huỳnh Công Trận. |
“Qua 3 năm học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để làm tốt hơn trách nhiệm của người thầy thuốc; trở thành người cha đẹp hơn trong mắt con và là một công dân được nhiều người yêu mến” – ông Huỳnh Công Trận nói.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở xã Tân Thủy (Ba Tri), để trở thành một ông chủ có cơ ngơi vững chắc, với ông Huỳnh Công Trận, đó không phải là chuyện dễ dàng. Nhờ sự nỗ lực của bản thân và trong sâu thẳm trái tim luôn hướng về Bác - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, mỗi bước chân ông đi như luôn được Người soi rọi và dìu dắt. Quyết thoát khỏi nghèo nàn và mù chữ, ông cũng như bao nhiêu người cùng thời, đã tận tâm tận lực cho việc học và lao động sản xuất. Ngày lập gia thất, trách nhiệm làm chồng, làm cha càng khiến ông quyết tâm hơn, mạnh dạn mở xưởng sản xuất mặt hàng trang trí nội thất. Nhờ chăm chỉ và tằn tiện, số nợ “ngút đầu” vay làm vốn cũng được xóa dần, cuộc sống ngày một cải thiện. Nhiều người cảm phục ông vì dù còn nhiều gian khó, nhưng ông đã dạy nghề miễn phí. “Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng”. Hành trình ông đến với người nghèo nhẹ nhàng và rất đỗi tự nhiên, như chính suy nghĩ của ông vậy: “Mình nghèo nhưng còn nhiều người nghèo hơn, nên cùng chia sẻ với nhau mà sống”. Tính đến nay, ông đã dạy nghề cho 16 thanh niên, có người rành nghề về mở xưởng riêng, có người ở lại làm thuê cho ông với mức thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng. Không chỉ có thế, với người nghèo trong xã, ông còn là ân nhân với nhiều nghĩa cử giản đơn mà cao đẹp như hỗ trợ tiền xe cho người nghèo đi khám chữa bệnh, từng lon gạo, từng khúc cây, tấm cửa để họ cất nhà và từng quyển tập, sách cho con em họ tiếp tục đến trường….
Không để thời gian trôi qua một cách vô bổ, ông còn tận dụng những ngày nghỉ ngơi hiếm hoi của mình cùng nhà trường vận động xây quỹ giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học (mỗi năm khoảng 8 triệu đồng). Với ước nguyện làm thêm nhiều việc có ý nghĩa trong những ngày còn lại của cuộc đời, ông lao vào làm việc cho Hội Đông y của xã, của huyện với tinh thần đầy trách nhiệm sau khi đã hoàn tất các lớp học về chuyên môn. Hàng ngày, ông dành phần lớn thời gian cho việc hốt thuốc, chẩn đoán và điều trị bệnh cho nhân dân tại Phòng Chẩn trị y học cổ truyền tại chùa Hưng Bảo (ấp Tân Định). Thực hiện lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, ông không quản đường xa, thường xuyên tham gia những chuyến khám bệnh cho bà con nghèo ở vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, ông còn ra sức vận động hội viên Hội Đông y xã và phật tử chùa Hưng Bảo thực hành tiết kiệm, dành dụm số tiền 10 triệu đồng gửi cho UB MTTQ xã để xây quỹ Vì người nghèo; đóng góp gạo cho bếp ăn từ thiện của bệnh viện huyện, hỗ trợ cho sinh viên trong Chiến dịch MHX và đồng bào nghèo trong và ngoài tỉnh…
Không chỉ bản thân tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, ông còn động viên, khuyến khích người thân, con cháu trong nhà ra sức học tập và làm theo. Ông khuyên các con làm việc thiện, ít nhất mỗi tháng một lần, bất kể việc nhỏ hay lớn, cốt yếu là để tự rèn cho mình cái tâm, cái đức, biết đồng cảm và chia sẻ với mọi người – một trong những đạo đức tốt đẹp của Bác. Ông chia sẻ: “Nhiều người còn có ý nghĩ học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ là phải làm điều gì đó to lớn, vĩ đại. Nhưng theo tôi, tôi vẫn thường nói với các con tôi rằng, chỉ cần các con dẫn một bà lão qua đường là các con đã học tập và làm theo lời Bác”.