 |
Trụ trì Tịnh xá Ngọc Linh - Thích nữ Diệu Linh. Ảnh: Ng.D |
Tôi tên là Phan Thị Sạch (*), sinh năm 1953, pháp danh: Thích nữ Diệu Linh, hiện là Trụ trì Tịnh xá Ngọc Linh (Tân Phong, Thạnh Phú).
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân; có 10 anh chị em, nhưng đã 6 người bị mất vì bệnh tật, chiến tranh. Trong 4 người còn lại, thì có 3 người đã yên bề gia thất, riêng tôi lúc nào lòng cũng trĩu nặng bao nỗi ưu tư, mong sao cho mọi người hết khổ, được hạnh phúc yên vui. Qua tìm hiểu, tôi được biết chân lý của đạo Phật là an vui tối thượng. Tôi quyết định xin cha mẹ cho xuất gia tu học, ngõ hầu tìm ra con đường thoát khỏi khổ cực cho mình và cho người. Thế là tôi đến cầu pháp với Hòa thượng Giác Hạnh ở Tịnh xá Ngọc Hạnh (Vĩnh Long) vào năm 1978.
Trải qua hơn 10 năm sống ở đây, tôi hấp thụ và thấm nhuần chân lý từ bi của đạo Phật. Năm 1990, tôi trở lại quê nhà sớm hôm tụng niệm kinh kệ, hốt thuốc nam, châm cứu cho bà con trong xóm. Ngoài ra, tôi còn làm việc từ thiện giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hay gặp hoạn nạn trong cuộc sống.
Cách đây gần 3 năm, khi được MTTQ xã mời tham gia học tập về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác Hồ, tôi mới ngộ ra rằng từ bi đạo đức ở mỗi người ai cũng có, nhưng với mức độ khác nhau, mà Bác Hồ là một tấm gương sáng chói về giá trị tinh thần đạo đức được biểu hiện qua quá trình hoạt động cách mạng của Người. Bác đã dành tình cảm sâu sắc cho người nghèo. Lúc nâng bát cơm ăn luôn nghĩ đến kẻ đói khổ. Khi ăn không bao giờ Bác để rơi một hạt cơm. Lúc dân đói khổ, chiều thứ bảy hàng tuần Bác ăn cháo để tiết kiệm thêm chút gạo cho người nghèo, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa góp gạo đó đi cứu dân đói khổ. Là vị lãnh tụ của một đất nước, lẽ ra Bác phải sống sung sướng, nhưng Bác không làm thế mà dân thế nào thì Bác như thế đó. Bác vẫn mặc bộ quần áo kaki sờn cổ, chân đi đôi dép cao su và ở dưới mái nhà giản dị. Bác còn dạy rằng, người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc dân còn khó khăn mà ăn ngon, mặc đẹp thì là người không có đạo đức. Bác thường xuyên nhắc nhở, phải coi đạo đức là gốc của con người, rèn luyện đạo đức để trở nên người công dân tốt và người cán bộ tốt; phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính.
Những lời dạy của Bác đã thật sự thấm sâu vào tâm linh của tôi. Vì tư tưởng và hành vi của Bác với tinh thần đạo đức của đạo Phật là cùng một quan điểm, là một gạch nối bất khả phân giữa đạo và đời. Điều đó làm cho tôi càng cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa trong công tác từ thiện xã hội.
Thời gian qua, ngoài công việc hốt thuốc, chữa bệnh miễn phí hàng ngày ra tôi còn mua vải về nhờ phật tử phụ giúp may hàng trăm bộ quần áo cho học sinh nghèo, để đến ngày tựu trường các em cũng có quần áo mới xinh xắn như các bạn. Rồi đến xin vải vụn ở các tiệm may về kết thành hàng trăm chiếc mền để tặng cho những gia đình nghèo trong xã. Biết gia đình nào có người già yếu hay bệnh tật ngặt nghèo, hoàn cảnh khó khăn, tùy theo khả năng mà chúng tôi đến viếng thăm, an ủi và chia sẻ. Những em học sinh hiếu học, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà phải bỏ học thì tôi đến khuyên nhủ gia đình cho các em trở lại trường, đồng thời tạo mọi điều kiện để giúp đỡ cho các em. Hễ làm được việc gì có ích cho đời, cho đạo theo lời Phật dạy và Bác Hồ dạy “một việc thiện dù nhỏ cũng không bỏ” tôi đều cố gắng hết khả năng mình.
Trải qua thời gian hành đạo và đời, nhìn thấy những cảnh bệnh tình đau khổ của bà con làm cho tôi vô cùng xót xa. Sau nhiều lần suy đi nghĩ lại, tôi quyết định lập nên phòng thuốc nam (có chỗ nghỉ ngơi để cho bà con phương xa trú lại). Được sự giúp đỡ của chính quyền các cấp và phật tử xa gần nên Tịnh xá Ngọc Linh đã có được ngôi Tam Bửu và phòng thuốc nam từ thiện, khang trang như bây giờ. Ngoài ra, tôi còn khuyến khích những người cùng tâm nguyện, cùng chí hướng góp sức chia sẻ đau khổ của mọi người và người giàu san sẻ cho người nghèo bằng những việc làm thiết thực như xây cầu, xây nhà tình thương, giếng nước, giao thông nông thôn, phát thuốc, tặng quà, cứu trợ thiên tai, hỏa hoạn… Bản thân tôi đã cùng với các tăng ni, phật tử ở Tịnh xá đã xây tặng trên 10 cây nước, 22 hồ chứa nước, 5 nhà tình thương, 1 sân trường học, trên 10 cầu bê-tông, hàng ngàn mét lộ bê-tông; ủng hộ hàng ngàn phần quà bằng vật chất và tiền mặt cho hộ nghèo, trẻ em nghèo hiếu học, người già neo đơn; bốc thuốc nam; cấp phát thuốc tây miễn phí cho hàng chục ngàn lượt khách thập phương. Tính tổng trị giá chung những hoạt động từ thiện nêu trên với số tiền hơn một tỷ đồng. Đặc biệt, những phật tử đến xuất gia ở tại Tịnh xá, ai không biết chữ tôi đều tạo điều kiện để đi học bổ túc văn hóa, hiện nay có người đã tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông.
Chúng tôi thiết nghĩ những việc làm cụ thể của bản thân tôi cũng như các tăng ni, phật tử ở Tịnh xá Ngọc Linh sẽ góp một phần nhỏ nhằm xoa dịu những nỗi khổ đau, bất hạnh của những người kém may mắn. Chúng tôi tâm niệm rằng sẽ cố gắng làm việc thiện nhiều hơn nữa để góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Đó cũng là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ và Phật dạy.
(*): Tác giả được tỉnh biểu dương về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.