Việt Nam - Campuchia Samaki

20/12/2013 - 08:04
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng với lãnh đạo tỉnh tặnghoa, chào mừng Đoàn nghệ thuật Vương quốc Campuchia biểu diễn tại Bến Tre. Ảnh: H. Vũ

Hàng trăm ánh mắt dõi theo từng tiết mục đậm sắc văn hóa Campuchia. Lần đầu tiên, xứ Dừa đón một Đoàn nghệ thuật đến từ Vương quốc láng giềng biểu diễn hết sức qui mô. Tuần  văn hóa Campuchia tại Việt Nam năm 2013 tổ chức tại Bến Tre và Sóc Trăng đã mang lại một cái nhìn mới về văn hóa nước bạn.

Tuần lễ của kết nối

Sáng ngày 18-12-2013, Bộ Văn hóa Nghệ thuật Vương quốc Campuchia do ngài Phó Quốc vụ khanh Kong Khantara làm trưởng đoàn cùng bốn thành viên và đoàn lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam đã đến gặp gỡ lãnh đạo tỉnh nhà. Ông Trần Ngọc Tam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã rất nồng nhiệt tiếp đoàn.

Ngài Kong Khantara đã gửi lời chào đến người dân Bến Tre và cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã tiếp đón đoàn với tình cảm nồng thắm như những người anh em. Nhân dịp Tuần văn hóa Campuchia tại Việt Nam năm 2013, Đoàn văn hóa Nghệ thuật đến từ Campuchia gồm có 30 nghệ sĩ sẽ biểu diễn những điệu múa của dân tộc, nhằm thắt chặt tình cảm giữa hai nước ngày càng gắn bó hơn.

Vũ điệu đoàn kết. Ảnh: H. Vũ

Việt Nam và Campuchia đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1967. Cứ hai năm một lần, đoàn nước bạn lại sang biểu diễn nghệ thuật ở nước ta và ngược lại. Đây là lần đầu tiên Bến Tre được vinh dự tiếp đón Đoàn văn hóa nghệ thuật Vương quốc Campuchia.

Thay mặt UBND tỉnh Bến Tre, ông Trần Ngọc Tam bày tỏ sự vui mừng đón tiếp Đoàn Nghệ thuật đến với Bến Tre và nhờ đó “chúng tôi hiểu và biết thêm nhiều về văn hóa của Campuchia”. Đồng thời, ông cũng trao đổi một số thông tin về người Campuchia đang sinh sống ở Bến Tre, tình hình kinh tế văn hóa của tỉnh. Bà con Khơ- me ở Bến Tre sinh sống chung trong cộng đồng người Kinh, không sống trong phum sóc như ở Sóc Trăng.

Trưa cùng ngày, phái đoàn đến từ Vương quốc Campuchia đã dùng cơm tại Nhà khách Hùng Vương và được thưởng thức nhiều món ăn từ dừa - đặc sản của Bến Tre.

Ấn tượng mới về văn hóa Campuchia

Nhắc đến dân tộc Khơ-me, người ta nghĩ ngay đến điệu múa Lâm thôn, nhưng hôm nay đêm biểu diễn của các bạn đến từ Campuchia đã thực sự mang lại một cái nhìn mới về dân tộc bạn. 11 tiết mục đặc sắc do các nghệ sĩ Campuchia thể hiện những nét đặc trưng về cội nguồn, bản sắc dân tộc, và văn hóa trong đời sống người Khơ- me. Một đêm diễn ấn tượng khó phai, để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng người Bến Tre (đêm 18-12-2013 tại Hội trường UBND tỉnh).

Vũ điệu bọ ngựa. Ảnh: H. Vũ

Mở đầu đêm diễn bằng tiết mục múa võ cổ truyền. Một khí khái hùng hồn toát lên trong ánh mắt của những nghệ sĩ, không khí thời Ăngkor huy hoàng như tràn ngập khán phòng. Nam thì múa võ tay không, múa gậy, nữ thì múa kiếm trong trang phục cổ truyền của dân tộc Khơ-me để nói về uy tín của Vương quốc Campuchia thời Ăngkor huy hoàng trên vùng đất to lớn dưới sự trị vì của vua Faravarman 7. Trong đó phần lớn nhờ vào lực lượng quân đội giỏi võ anh dũng bảo vệ đất nước Ăngkor.

Kỷ niệm khó quên trong lòng khán giả Bến Tre         

Thời xưa, có một người con gái của Saihaing Neak tên là Kanterea. Cô ấy thường chán nản và quyết định vượt qua thời gian dưới gốc cây với hai người theo con hổ của mình. Kanterea nhảy, hai con hổ sẽ nhảy theo nhịp điệu. Kanterea nhảy và vuốt ve những con hổ bên trái và bên phải. Một thợ săn quan sát thấy cảnh đó và báo cáo cho nhà vua. Nhà vua ra lệnh cho mời nàng vào cung và múa cho nhà vua xem. Điệu múa gợi lại một khoảng thời gian xa xôi khi mà con người còn thưa thớt phải chống chọi với thiên nhiên để sinh tồn. Đôi tay và khối óc của con người đã chiến thắng mãnh hổ tạo lập cuộc sống và sinh sôi đến ngày nay. 

Chàng trai và cô gái những người anh hùng diệt hổ trong điệu múa khiến chúng ta nhớ lại một thời ông bà ta đi khai hoang mở cõi của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ: Ai về xứ Bắc ta đi với/Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Những tràng vỗ tay, reo hò không ngớt của khán giả Bến Tre khiến nụ cười Campuchia như rạng rỡ hơn với tiết mục múa bọ ngựa, một điệu múa truyền thống bắt nguồn từ tỉnh Svay Riêng - Campuchia. Điệu múa bọ ngựa mô phỏng lại tất cả những điệu bộ, cử chỉ của chú bọ ngựa, và dùng những vỏ dừa để đập nhịp tạo ra những âm thanh cuốn hút. Mỗi diễn viên múa sử dụng 3 cặp vỏ dừa, một cặp ở hai tay, 1 cặp ở khuỷu tay, 1 cặp ở đầu gối. Điệu múa bọ ngựa được biểu diễn trong những ngày lễ của người Khơ-me nhằm mang lại không khí vui nhộn. Tiết mục này được rất nhiều người dùng máy quay, điện thoại di động ghi lại một cách thích thú.

Vũ điệu trống chinh. Ảnh: H. Vũ

Dân tộc Pnorng gồm những người sống trong cao nguyên, rừng núi của tỉnh Ratanak Kiri và Mundul Kiri của Campuchia. Điệu múa đẹp như một bức tranh có tên là Robaim Phok Phall. Điệu múa mô tả việc lựa chọn các lĩnh vực cho cây trồng. Điệu múa được xem là vũ điệu truyền thống của dân tộc trong khu vực nhiều năm nay. Điểm tương đồng trong văn hóa Việt Nam và Campuchia là hai dân tộc đều trồng lúa nước. Nhưng khác biệt là người Việt sạ, cấy thì nước bạn lại gieo hạt bằng ống tre, đến ngày thu hoạch, người Việt Nam ta cắt lúa thì các bạn đeo gùi tuốt lúa.

Biên đạo múa Kim Loan là một “khán giả chuyên nghiệp”, chị không rời mắt khỏi sân khấu và phải thốt lên: “Các bạn múa hay quá và có tính nghệ thuật cao!”.

Ông MauKêng - Cục trưởng Cục biểu diễn Nghệ thuật Bộ Văn hóa Nghệ thuật Campuchia bày tỏ: Tôi nhìn thấy khán giả, lãnh đạo tỉnh có sự quan tâm, thể hiện được tình cảm giữa hai dân tộc. Đó là sự động viên tinh thần cho Đoàn nghệ thuật chúng tôi thể hiện hết nét văn hóa dân tộc, tình cảm hữu nghị giữa hai nước. Chúng tôi rất vui mừng!

Kết thúc đêm diễn, lời bài hát “Việt Nam - Campuchia sát vai nhau gìn giữ hòa bình, Việt Nam - Campuchia tay cầm tay samaki” cất cao cùng với lá cờ hai quốc gia tung bay và nụ cười Campuchia không ngớt trên môi khiến không ít khán giả thấy nức lòng. Những cái siết tay thật chặt giữa lãnh đạo ta và lãnh đạo nước bạn đã một lần nữa khẳng định Việt Nam - Campuchia luôn là những người bạn láng giềng thân thiết và đoàn kết.

Ngày 19-12-2013 Đoàn bạn Campuchia tham quan khu du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre; 11 giờ Đoàn về khách sạn dùng cơm trưa, đến 12 giờ 30 phút đoàn rời Bến Tre di chuyển đến tỉnh Sóc Trăng.

THẠCH THẢO

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN