Việt Nam góp phần vào thành công chung của ADMM-6

30/05/2012 - 14:21
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (thứ 3 trái ) và các đại biểu tại Hội nghị.

Ngày 29/5, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 (ADMM-6) đã kết thúc tốt đẹp tại Campuchia, với việc thông qua hai văn bản quan trọng, gồm Tài liệu Khái niệm xem xét tần suất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Tuyên bố chung về Tăng cường tính thống nhất của ASEAN vì một cộng đồng hài hòa và an ninh.

Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đã góp phần vào thành công chung của ADMM-6.

Ngay trước khi ADMM-6 bắt đầu, Trưởng đoàn 10 nước tham dự đã tới chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen.

Sau phát biểu khai mạc của Đại tướng Tea Banh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, với tinh thần làm việc khẩn trương, hội nghị đã nghe đại diện Ban Thư ký ASEAN trình bày những phát triển gần đây trong ASEAN; nghe báo cáo kết quả Hội nghị ADSOM và ADSOM+ và kết quả Hội nghị ACDFIM-9.

Các bộ trưởng cũng đã dành thời gian trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc phòng và an ninh. Các nước đều nhất trí rằng cần tăng cường hợp tác quốc phòng nội khối, cũng như với các nước đối tác để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN vào năm 2015, và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Với tinh thần chủ động và xây dựng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã nêu rõ đánh giá và quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc phòng-an ninh ở khu vực và trên thế giới.

Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, xu thế chính của thế giới hiện nay là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, những sự kiện gần đây như cuộc xung đột ở Trung Đông-Bắc Phi, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế cũng đặt ra nhiều điều để những người đứng đầu Bộ Quốc phòng các nước cần suy nghĩ.

Về tình hình Đông Nam Á, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng khu vực nhìn chung vẫn duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, song cũng tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức an ninh bao gồm cả phi truyền thống và truyền thống.

Đối với các vấn đề an ninh phi truyền thống, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng thời gian gần đây, thiên tai, bão lụt đã ảnh hưởng đến nhiều nước.

Việt Nam đã bước đầu hợp tác với Campuchia để đối phó với vấn đề này, như trận lũ năm 2009, Việt Nam đã huy động lực lượng quân đội, kể cả máy bay trực thăng để ứng cứu, hỗ trợ nhân dân Campuchia tại những vùng của Campuchia bị cô lập cần giúp đỡ.

Việt Nam đã tiến hành công tác tìm kiếm và cứu nạn một số công dân các nước ASEAN trong các vụ tai nạn trên biển do thiên tai gây ra. Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với Lào trong việc chống buôn lậu ma túy xuyên biên giới.

Về vấn đề buôn bán phụ nữ và trẻ em, Việt Nam cũng hợp tác với đối tác ngoài ASEAN là Trung Quốc để giải quyết.

Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, các vấn đề thất nghiệp, gia tăng khoảng cách giàu nghèo và việc thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng trong quá trình đô thị hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng ở Việt Nam cũng như ở một số nước có trường hợp xảy ra khiếu kiện đông người, là những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội.

Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ: “Việt Nam rất quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu sổ ở vùng sâu vùng xa để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam giảm được khoảng 2% số hộ nghèo đói, góp phần duy trì ổn định xã hội.”

Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá tình hình tranh chấp biên giới lãnh thổ ở khu vực và chủ quyền trên Biển Đông đang diễn biến khá phức tạp và có thể gây ra xung đột quân sự nếu các bên không nỗ lực kiềm chế.

Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu: “Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là một thực tế mà chúng ta không cần né tránh vì nó xảy ra trong khu vực Đông Nam Á và tranh chấp là giữa các nước ASEAN với nhau và giữa một số nước ASEAN với quốc gia ở ngoài ASEAN.”

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định các nước ASEAN phải quyết tâm duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, để xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh vào năm 2015.

Nhằm thực hiện mục tiêu này, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng các bên phải bình tĩnh, hết sức kiềm chế, tiến hành đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp trên biển bằng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Trước mắt, các bên cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Đại tướng Phùng Quang Thanh nói: “Trong quá trình đàm phán hòa bình, quan điểm của Việt Nam là những tranh chấp song phương thì hai nước đàm phán với nhau để giải quyết. Còn những tranh chấp đa phương, giữa nhiều nước, nhiều bên, phải giải quyết đa phương, nỗ lực tìm kiếm giải pháp mà các bên có thể chấp nhận được.”

Bên cạnh đó, các nước cần xây dựng lòng tin, phòng ngừa xung đột bằng cách tăng cường hợp tác quốc phòng song phương cũng như đa phương trong cơ chế ADMM và ADMM+. Tuy nhiên, khi tăng cường hợp tác với các đối tác ngoài khu vực, ASEAN phải giữ được vai trò chủ đạo.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng chia sẻ với Hội nghị kinh nghiệm của Việt Nam là dù xảy ra tình huống trên biển phức tạp đến đâu thì cũng phải giữ được quan hệ quốc phòng-quân sự tốt.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết: "Giữa Việt Nam và Trung Quốc có những lúc có tranh chấp trên biển khá phức tạp nhưng hợp tác, giao lưu quốc phòng-quân sự giữa hai nước, quan hệ giữa hai Bộ Quốc phòng, giữa hai Bộ Tổng Tham mưu, giữa Quân chủng Hải quân, Biên phòng hai bên rất tốt. Việt Nam cử tàu hải quân sang Trung Quốc giao lưu. Lãnh đạo quân đội hai nước gặp nhau trao đổi thẳng thắn, chân tình và thống nhất quân đội hai nước phải kiềm chế không để xảy ra xung đột quân sự trên biển. Vấn đề tranh chấp trên biển do lịch sử để lại còn phải giải quyết lâu dài thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.”

Bên cạnh đó, Đại tướng cho rằng khi xảy ra tình huống khó khăn, hai bên cần trao đổi đặc phái viên và lãnh đạo cấp cao hai nước gặp gỡ để giải quyết vấn đề, tránh xảy ra xung đột. Ngoài ra, cũng cần chú ý quản lý các phương tiện truyền thông, không để các cơ quan báo chí đăng tải những bài viết có tính chất kích động, chia rẽ quan hệ hai nước, làm phức tạp thêm tình hình.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng thông báo trong khuôn khổ hợp tác ADMM+, Việt Nam và Trung Quốc đã đồng chủ trì cuộc họp Nhóm Chuyên gia Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) tại Trung Quốc vào tháng 11/2011.

Cuộc họp đã thống nhất tổ chức diễn tập HADR trên sa bàn vào năm 2013 và tiến tới diễn tập trên thực địa. Cuộc họp lần thứ hai của Nhóm chuyên gia này sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2012.

Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu: “Có thể nói quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay là quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững ổn định chính trị-xã hội của mỗi nước. Tranh chấp trên biển là vấn đề duy nhất còn tồn tại trong quan hệ Việt-Trung hiện nay.”

Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam ủng hộ việc Campuchia đưa ra một số sáng kiến thiết thực như xây dựng khu vực ASEAN không có xung đột, Tuyên bố về kế hoạch tổng thể kết nối an ninh ASEAN. Bộ trưởng cho rằng nên giao cho cấp làm việc thống nhất những tài liệu, khái niệm để những sáng kiến này sớm trở thành hiện thực.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tài liệu Khái niệm xem xét tần suất tổ chức ADMM+, thống nhất tăng tần xuất tổ chức ADMM+ từ 3 năm một lần lên 2 năm một lần kể từ sau ADMM+ lần thứ 2 tại Brunei.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã ký Tuyên bố chung, trong đó khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa vai trò của ADMM và ADMM+ trong thúc đẩy hợp tác thiết thực và can dự giữa ASEAN với các nước đối tác về các vấn đề chiến lược, quốc phòng và an ninh có ảnh hưởng tới khu vực.

Tuyên bố chung cũng tiếp tục tái khẳng định cam kết của các nước thành viên ASEAN về việc thực hiện đầy đủ và hiệu qủa DOC, hướng tới việc thông qua COC và nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông theo đúng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982./

Nguồn TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN